Thị trường đang có những phiên đầu tháng 6 khá tích cực khi chỉ số VN-Index vững vàng trên mốc 1.280 điểm với dòng tiền sôi động vẫn luân chuyển nhanh qua các nhóm ngành. Hiện tại, chỉ số đang được hỗ trợ khá tốt bởi đường SMA 50 ngày trong bối cảnh chỉ báo MACD tiếp tục hướng đi lên sau khi cho tín hiệu mua trở lại, phản ánh xu hướng trong trung hạn của thị trường chung vẫn tích cực.
Thị trường vẫn có dấu hiệu gặp khó khăn tại vùng kháng cự 1.270-1.290 điểm nên cần chú ý những nhịp rung lắc có thể xuất hiện trong phiên với biên độ không quá lớn.
Theo KBSV, diễn biến rung lắc sẽ còn xảy ra khi chỉ số thử thách lại vùng đỉnh ngắn hạn cũ, nhưng VN-Index được kỳ vọng sẽ duy trì xu hướng tăng, vượt ngưỡng cản tâm lý 1.300 điểm trước khi có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh trở lại. 1.270 (+/-5) điểm.
Quay lại diễn biến thị trường phiên giao dịch sáng 5/6, lực cầu vẫn tham gia khá tích cực giúp VN-Index tiếp tục tiến bước và nhanh chóng leo lên mốc 1.290 điểm.
Sau khoảng hơn 90 phút giao dịch, sắc xanh vẫn là chủ đạo trên bảng điện tử, trong đó nhóm Vn30 là động lực chính giúp VN-Index tiếp tục nhích nhẹ trên ngưỡng kháng cự mới.
Dòng tiền nhanh chóng luân chuyển qua các nhóm ngành và trong phiên sáng nay đang hướng tới nhóm cổ phiếu thực phẩm – đồ uống. Trong đó, SAB nhanh chóng kéo trần thành công và hiện đã khớp lệnh gần 2,6 triệu đơn vị với khối lượng dư mua trần hơn 1,4 triệu đơn vị; BHN cũng có thời điểm khoe sắc tím và hiện đang tăng áp sát trần với biên độ tăng tới 6,7%; còn VNM đang có thanh khoản tốt nhất thị trường với hơn 8,3 triệu đơn vị và đang tăng gần 4%...
Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu công nghệ vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Bên cạnh anh cả FPT tiếp tục leo đỉnh mới khi có thời điểm lên gần mức giá 145.000 đồng/CP và hiện đang tăng 2%, tạm đứng tại gần mức 142.000 đồng/CP; các mã khác như ITD và TTN tăng kịch trần, CMG, CTR, ELC tăng 1-2%, FOX tăng trên dưới 14%, FOC tăng gần 7%...
Việc hạ nhiệt của nhóm cổ phiếu bluechip khiến VN-Index gặp khó ở vùng giá 1.290 điểm, tuy nhiên lực cầu sôi động đã giúp chỉ số chung giữ được mốc này.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 229 mã tăng và 172 mã giảm, VN-Index tăng 8,41 điểm (+0,66%), lên 1.291,93 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 426 triệu đơn vị, giá trị 11.541,4 tỷ đồng, giảm 10,52% về khối lượng và 4,67% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 48,3 triệu đơn vị, giá trị 1.086,92 tỷ đồng.
Nhóm VN30 hạ đọ cao khi tăng chưa đến 7 điểm, dù số mã giảm vẫn chỉ có 3 và số mã tăng áp đảo với 25 mã. Trong đó, SAB vẫn là điểm sáng khi chốt phiên tăng 6,8% lên mức giá trần 65.600 đồng/CP và dư mua trần 1,36 triệu đơn vị; các mã tăng tốt khá như BVH tăng 4,7%, VNM tăng 3,6%, BCM tăng 3,4%, còn lại đều thu hẹp biên độ với mức tăng chỉ trên dưới 1%.
Ở chiều ngược lại, MWG tiếp tục giật lùi và chốt phiên giảm 2,5% xuống mức 62.200 đồng/CP; ngoài ra TCB và HPG cùng giảm nhẹ quanh mức 0,5%.
Xét về nhóm ngành, thực phẩm – đồ uống vẫn duy trì mức tăng tốt với sự dẫn dắt của SAB, ngoài ra, BHN cũng dừng phiên sáng nay kéo trần thành công và chốt phiên đứng tại mức giá 40.950 đồng/CP.
Bên cạnh đó, với đà tăng tốc của BVH, nhóm cổ phiếu bảo hiểm thuộc top tăng mạnh của thị trường, trong đó có MIG tăng 6,6%, BMI tăng 4,1%, BIC tăng 2,67%...
Ngược lại, nhóm bán lẻ với diễn biến kém khả quan của MWG, đã trở thành nhóm giảm mạnh nhất thị trường khi mất hơn 1,5%; còn lại các nhóm ngành khác đều chỉ giảm nhẹ trên dưới 0,5%.
Đà tăng thu hẹp phần nào cũng đến từ nhóm trụ cột ngân hàng và chứng khoán khi cả hai nhóm này đều chỉ còn tăng nhẹ 0,3% bởi sự phân hóa của các cổ phiếu trong ngành.
Trên sàn HNX, sau nhịp điều chỉnh nhẹ đầu phiên, thị trường đã nhanh chóng khởi sắc trở lại và duy trì đà tăng nhẹ trong thời gian còn lại của phiên sáng.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 85 mã tăng và 58 mã giảm, HNX-Index tăng 0,92 điểm (+0,38%), lên 245,25 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 45,24 triệu đơn vị, giá trị 869,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,1 triệu đơn vị, giá trị 36,48 tỷ đồng.
Cổ phiếu chứng khoán SHS vẫn có thanh khoản sôi động nhất thị trường với 6,79 triệu đơn vị khớp lệnh, chốt phiên tăng nhẹ 0,5%.
Trong khi đó, bộ 3 nhà APEC khởi sắc trở lại và có thời điểm đua nhau kéo trần. Chốt phiên sáng, IDJ tăng gần sát trần với thanh khoản chỉ thua SHS, đạt hơn 4 triệu đơn vị; APS cũng tăng 7,6% và khớp 1,64 triệu đơn vị; còn API giữ vững đà tăng trần với khối lượng khớp 1,25 triệu đơn vị và dư mua trần gần nửa triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu than cũng nhen nhóm nổi dậy, trong đó TC6 tăng kịch trần, TDN tăng 8,4%, NBC tăng 3%, TVD tăng 3,8%...
Trên UPCoM, thị trường duy trì đà tăng nhẹ trong suốt cả phiên sáng.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,43 điểm (+0,44%) lên 97,42 điểm với 139 mã tăng và 82 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 30 triệu đơn vị, giá trị 576,28 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 12,35 triệu đơn vị, giá trị 335,73 tỷ đồng, trong đó riêng LSG thỏa thuận gần 11,5 triệu đơn vị, giá trị 148,88 tỷ đồng và VNZ thỏa thuận gần 0,35 triệu đơn vị, giá trị 175,38 tỷ đồng.
Cổ phiếu VGT có phiên giao dịch bùng nổ với thanh khoản sôi động nhất thị trường, đạt gần 5 triệu đơn vị, chốt phiên tăng 5,5% lên mức 17.200 đồng/CP.
Trong khi đó, diễn biến dầu thế giới giảm mạnh đã phần nào ảnh hưởng khiến BSR đảo chiều. Chốt phiên, BSR giảm 1,3% xuống mức 23.000 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 3,73 triệu đơn vị.