Giao dịch chứng khoán sáng 25/6: Tiếp tục các nhịp kéo - xả

Giao dịch chứng khoán sáng 25/6: Tiếp tục các nhịp kéo - xả

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường phiên sáng nay tiếp tục lặp lại kịch bản như các phiên trước với các nhịp kéo - xả, nhưng cả cung và cầu đều yếu khiến VN-Index vẫn lình xình trong biên độ hẹp.

Bên cạnh xu hướng sideway ở vùng đỉnh mới, thị trường trong 4 phiên liên tiếp đầu tuần trở nên ảm đạm hơn bởi mức thanh khoản liên tục sụt giảm. Điển hình trong phiên hôm qua ngày 24/6, thanh khoản trên sàn HOSE đã rơi xuống mức thấp nhất trong gần 2 tháng qua.

Theo đánh giá của giới phân tích, trong giai đoạn thiếu thông tin hỗ trợ như hiện nay thì trạng thái lực cầu suy yếu và lực cung tiềm ẩn sẽ vẫn đang hiện hữu.

BSC cho rằng, với xu hướng giao dịch giằng co cùng sự suy yếu của thanh khoản, VN-Index có thể tiếp duy trì xu hướng vận động ngắn hạn trong vùng 1.360-1.380 điểm.

Quay lại với diễn biến thị trường trong phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 25/6, kịch bản cũ vẫn lặp lại khi các nhịp kéo - xả liên tục diễn ra.

VN-Index mở cửa trong sắc xanh và trợ lại vùng đỉnh 1.380 điểm, nhưng tại vùng điểm này, lực bán gia tăng đẩy chỉ số quay đầu giảm xuống dưới tham chiếu, lùi về sát ngưỡng 1.370 điểm.

Tuy nhiên, lực cầu gia tăng ở một số mã lớn như VCB, VNM, cùng với nhóm bất động sản lớn như VHM, NVL, PDR, KDH..., VN-Index một lần nữa lại được khéo trở lại lên tham chiếu.

Dù liên tiếp diễn ra các đợt kéo - xả, nhưng cả lực cung và lực cầu đều ở mức thấp, khiến thanh khoản chưa được cải thiện, VN-Index vẫn lình xình trong biên độ hẹp.

Trong 4 phiên đầu tuần, đồ thị VN-Index đã tạo ra 4 cây nến Doji và nếu diễn biến như những phút đầu phiên cuối tuần này tiếp tục được duy trì cho tới hết phiên, trên đồ thị tuần sẽ xuất hiện cây nến Doji và đây là một điều đáng chú ý.

Và điều này cũng đã xẩy ra khi trạng thái giằng co nhẹ bởi xu hướng kéo xả vẫn tiếp tục duy trì trong thời gian còn lại của phiên giao dịch sáng.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 148 mã tăng và 218 mã giảm, VN-Index tăng nhẹ 0,93 điểm (+0,07%) lên 1.380,65 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 346 triệu đơn vị, giá trị hơn 10.407 tỷ đồng, tăng 4,14% về khối lượng và 6% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 52,35 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.067 tỷ đồng.

Một số mã bluechip tăng tốt, đóng vai trò nâng đỡ cho thị trường, điển hình là PDR tăng tốc và chốt phiên tăng 6,1% lên mức giá cao nhất trong phiên 94.400 đồng/CP, người anh em cùng nhóm bất động sản là NVL cũng đảo chiều tăng mạnh 3,7% lên mức giá cao nhất 119.200 đồng/CP.

Bên cạnh đó, SSI tăng 3,8% lên 52.100 đồng/CP, GAS tăng 1,7% lên 97.400 đồng/CP; các mã khác như FPT, VCB, VHM, VNM, STB cũng có mức tăng nhẹ trên dưới 0,5%.

Ở chiều ngược lại, dù số mã giảm trong nhóm VN30 chiếm ưu thế hơn với 17 mã giảm, nhưng biên độ giảm khá hẹp, chỉ có MBB và SBT giảm hơn 1%, còn lại BID, CTG, HPG, BVH, MSN, VIC, TCB… đều chưa tới 1%.

Về thanh khoản, top 5 mã dẫn đầu đều có khối lượng khớp hơn 10 triệu đơn vị, trong đó HPG cao nhất, đạt 16,47 triệu đơn vị; tiếp theo là SSI khớp 12,7 triệu đơn vị, MBB khớp hơn 12 triệu đơn vị, FLC khớp 11,7 triệu đơn vị, AAA khớp 10,8 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, chỉ có duy nhất SSI giao dịch trong sắc xanh, còn lại 4 mã đều mất điểm, với HPG giảm 0,6%, còn MBB, FLC và AAA cùng giảm hơn 1%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, TTF là điểm sáng khi bất ngờ xác lập mức giá trần ngay khi mở cửa với lượng dư mua chất đống. Kết phiên, TTF tăng 6,9% lên mức 7.720 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 5,63 triệu đơn vị và dư mua trần 3,65 triệu đơn vị.

Một trong những thông tin đáng chú ý với Gỗ Trường Thành chính là phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ để bổ sung vốn lưu động, tái cấu trúc nợ vay. Theo đó, với mức thị giá 7.x nhưng TTF phát hành thêm cổ phiếu với giá 10.000 đồng/CP và đã có 19 nhà đầu tư tham gia trong đợt chào bán gần 59,5 triệu cổ phiếu.

Ngoài ra, nhiều mã thị trường khác cũng giao dịch khởi sắc như SCR, HNG, DLG, HHS, DRH… tăng điểm, HID, TNT, FTM, VTO cùng khoe sắc tím.

Trên sàn HNX, nhận tín hiệu hồi trên sàn HOSE, chỉ số HNX-Index cũng bật ngược đi lên, thu hẹp biên độ giảm sau cú rơi vào giữa phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 61 mã tăng và 105 mã giảm, HNX-Index giảm 0,42 điểm (-0,13%), xuống 314,66 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 52 triệu đơn vị, giá trị 1.269 tỷ đồng. Giao dịch thoả thuận có thêm 0,22 triệu đơn vị, giá trị 11,12 tỷ đồng.

Nhiều mã lớn trên sàn HNX vẫn chưa tìm lại sắc xanh, khiến thị trường chưa hồi phục như SHB, BAB, NVB, PVS, IDC đều giảm nhẹ. Trong đó SHB và PVS dẫn đầu thanh khoản, với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt xấp xỉ 6 triệu đơn vị và 5,18 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán lại đóng vai trò hỗ trợ, tiếp sức cho thị trường hồi phục khi hầu hết đều khởi sắc.

Cụ thể như SHS tăng 1,9% lên 42.300 đồng/CP, VND tăng 1,4% lên 43.300 đồng/CP, MBS tăng 1,7% lên 29.700 đồng/CP, BSI tăng 3,7% lên 22.300 đồng/CP, BVS tăng 1,7% lên 29.100 đồng/CP…

Đáng chú ý, sau nhịp nghỉ hôm qua, cổ phiếu NBC đã nhanh chóng bật tăng mạnh trong phiên sáng nay và chốt phiên tăng 5,1% lên mức 12.300 đồng/CP, là mã tăng tốt nhất trong nhóm HNX30.

Trên UPCoM, mặc dù mở cửa trong sắc xanh nhưng áp lực bán nhanh chóng quay lại khiến thị trường mất điểm.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,6 điểm (-0,67%), xuống 89,08 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 54,2 triệu đơn vị, giá trị 601,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,75 triệu đơn vị, giá trị 98,7 tỷ đồng.

Nhiều mã lớn mất điểm như BSR giảm 1,4% xuống 20.800 đồng/CP, VGT giảm 2,6% xuống 18.700 đồng/CP, MSR giảm 4,7% xuống 20.300 đồng/CP, VGI giảm 3,3% xuống 32.500 đồng/CP, VEA giảm 1,2% xuống 48.100 đồng/CP…

Trong khi đó, hàng loạt mã nhỏ như AVF, ATG, HVG, GTT đua trần với thanh khoản sôi động khi đều thuộc top 10 mã dẫn đầu, trong đó AVF khớp gần 6,68 triệu đơn vị, chỉ thua BSR khớp hơn 6,7 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan