Giao dịch chứng khoán sáng 23/10: Thị trường lại chìm trong sắc đỏ

Giao dịch chứng khoán sáng 23/10: Thị trường lại chìm trong sắc đỏ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng trên diện rộng nhanh chóng trở lại thị trường trong phiên sáng 23/10 khiến VN-Index tiếp tục có thêm phiên giảm sâu cùng thanh khoản dè dặt.

Phiên đảo chiều hồi phục ngày cuối tuần 20/10 chưa đủ sức mạnh để đem lại niềm vui cho nhà đầu tư sau 4 phiên giảm mạnh liên tiếp trước đó. Về góc nhìn kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã hình thành mẫu nến Bullish Engulfing và với diễn biến hiện tại, khu vực 1.110 điểm sẽ là kháng cự của thị trường trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, theo bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc điều hành Khối Môi giới trong nước, CTCK VietCap, dấu hiệu thị trường tạo đáy cần có một vài phiên tăng mạnh trên các ngưỡng kháng cự quan trọng và dòng tiền lan tỏa trên các nhóm ngành dẫn dắt. Hiện nay, việc tăng mới diễn ra 1 phiên cũng như mới xuất hiện ở nhóm ngành chứng khoán và một vài mã cổ phiếu đơn lẻ ở một số ngành.

Quay lại diễn biến thị trường sáng ngày 23/10, lực bán nhanh chóng trở lại khiến thị trường chìm trong sắc đỏ.

Sau khoảng 1 giờ mở cửa, chỉ số VN-Index đã thủng mốc 1.100 điểm và đà giảm vẫn tiếp tục được nới rộng hơn khi áp lực bán gia tăng trên diện rộng, với sức ép chính đến từ nhóm cổ phiếu bluechip.

Trên bảng điện tử, số mã giảm điểm đang gấp gần 3 lần số mã tăng và rổ VN30 cũng trong xu hướng chung của thị trường. Hiện rổ VN30 chỉ còn 3 mã ngân hàng là SSB, TPB, VIB giữ được sắc xanh với mức tăng chỉ trên dưới 0,5%; còn lại có tới 26 mã giảm, với MSN, BCM, VJC dẫn đầu khi để mất trên dưới 3%, trong khi VCB là gánh nặng lớn nhất khi lấy đi gần 2,5 điểm của chỉ số chung.

Trong khi đó, tâm điểm đáng chú ý là cổ phiếu vừa và nhỏ HAG. Trái với diễn biến chung của thị trường, lực cầu sôi động đã giúp HAG tăng tốc. Hiện HAG đang tăng trên dưới 6% với thanh khoản vượt trội, dẫn đầu thị trường với 16,8 triệu đơn vị khớp lệnh.

Cuối tuần vừa qua, HAG đã công bố tình hình hoạt động kinh doanh tháng 9 với điểm đáng chú ý là việc thanh lý tài sản với giá trị 180 tỷ đồng, đây là khoản thu từ thanh lý khách sạn Hoàng Anh Gia Lai, theo Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức vừa chia sẻ.

Kết quả, Công ty đã ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý III/2023 đạt 324 tỷ đồng và lũy kế 9 tháng đạt 710 tỷ đồng. Đặc biệt, Công ty nhấn mạnh thêm rằng theo chu kỳ hàng năm, dự kiến doanh thu và sản lượng chuối sẽ tăng mạnh vào quý IV/2023.

Trong khi lực cầu tham gia khá yếu, áp lực bán tiếp tục gia tăng về cuối phiên, đã khiến VN-Index lùi dần đều.

Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 17,5 điểm (-1,58%), xuống 1.090,53 điểm với 95 mã tăng, trong khi có 367 mã giảm. Tổng khối giao dịch đạt 243,19 triệu đơn vị, giá trị xấp xỉ 4.774 tỷ đồng, giảm 16% về khối lượng và 21,56% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 20/10. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 19,78 triệu đơn vị, giá trị 394,48 tỷ đồng.

Nhóm VN30 cũng nới rộng biên độ khi chốt phiên giảm gần 19 điểm khi ghi nhận tới 29 mã giảm và chỉ còn duy nhất SSB ngược dòng thành công khi tăng 1%.

Trong đó, MSN vẫn là mã giảm mạnh nhất khi mất 4,3%, chốt phiên đứng tại mức giá thấp nhất 66.000 đồng/CP; tiếp theo là GAS giảm 3,2% và VJC giảm 3%; VCB cũng lùi sâu và lấy đi gần 2,9 điểm của chỉ số chung.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, HAG vẫn giữ được đà tăng mạnh bất chấp thị trường chìm trong sắc đỏ. Chốt phiên, HAG tăng 5,2% lên mức 8.570 đồng/CP với thanh khoản vượt trội, đạt 20,23 triệu đơn vị, gấp 2,5 lần cổ phiếu đứng thứ 2 là DXG khớp hơn 9 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, hầu hết đều mất điểm, ngoại trừ 3 nhóm nhỏ lẻ là nông – lâm – ngư; dịch vụ lưu trú, ăn uống, giải trí và nhóm tài chính khác thoát được xu hướng điều chỉnh và đóng cửa cùng tăng hơn 1%.

Trong khi đó, thực phẩm – đồ uống, bán lẻ và tiện ích dẫn đầu đà giảm khi cùng để mất hơn 2%.

Nhóm ngân hàng và chứng khoán cùng giảm gần 1,5%. Trong dòng bank, một vài mã như SSB, LPB đã “chiến thắng” thị trường khi cùng chốt phiên tăng hơn 1%, nhưng không đủ sức gánh vác trước sức nặng của VCB giảm 2,5%, VPB và CTG cùng giảm hơn 1,5%...

Trong nhóm chứng khoán, CTS là mã duy nhất trên sàn HOSE ngược dòng thành công khi chốt phiên tăng 2,81%, còn lại cũng không thoát khỏi sắc đỏ. Cụ thể, VIX chốt phiên giảm 3% xuống mức giá thấp nhất trong ngày 14.550 đồng/CP nhưng thanh khoản tốt nhất nhóm chứng khoán, với hơn 8,53 triệu đơn vị khớp lệnh. Tiếp theo là VND giảm 1,3% và khớp 6,56 triệu đơn vị và SSI giảm 1,6% và khớp 5,21 triệu đơn vị.

Ở nhóm bất động sản, bên cạnh cặp đôi lớn VHM và VIC chỉ giảm trên dưới 1%, một số mã vừa và nhỏ trong ngành đã chiến thắng thị trường. Trong đó, điểm sáng là DXG ghi nhận phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp và chốt phiên tăng 2,1% lên mức 17.100 đồng/CP. Ngoài ra, DIG, KBC, HQC, HDC… cũng chốt phiên tăng nhẹ.

Trên sàn HNX, dù có những nhịp hồi phục nhẹ đầu phiên nhưng áp lực bán gia tăng trên diện rộng đã khiến thị trường nhanh chóng chuyển đỏ với thanh khoản giảm mạnh.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 1,66 điểm (-0,73%) xuống 226,79 điểm với 54 mã tăng và 92 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 30,32 triệu đơn vị, giá trị 560,37 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,16 triệu đơn vị, giá trị đạt 14,77 tỷ đồng.

Một trong những điểm sáng của nhóm bất động sản là CEO khi cổ phiếu này có pha “quay xe” ngoạn mục. Từ mức giá nằm sàn khi mở cửa, CEO đã đảo chiều khởi sắc và chốt phiên tăng 3% lên mức 20.600 đồng/CP, thậm chí có thời điểm tăng 6%, với thanh khoản sôi động đạt hơn 6,9 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhiều mã khác trong rổ HNX30 đều lùi sâu hơn về cuối phiên như SHS giảm 2,4% xuống mức giá thấp nhất trong phiên sáng tại 16.300 đồng/CP và thanh khoản vẫn dẫn đầu khi có hơn 8 triệu đơn vị giao dịch thành công; HUT và PVS chốt phiên đều giảm trên dưới 1,5% và khớp lệnh cùng đạt hơn 1 triệu đơn vị.

Ở nhóm vừa và nhỏ, cổ phiếu TKG bất ngờ tăng kịch trần và chốt phiên đứng tại mức giá 6.300 đồng/Cp với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 0,78 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng nới rộng đà giảm điểm.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,41 điểm (-0,48%), xuống 85,21 điểm với 119 mã tăng và 71 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 11,5 triệu đơn vị, giá trị 153,43 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm 0,46 triệu đơn vị, giá trị đạt 10,62 tỷ đồng.

Cổ phiếu dầu khí BSR đuối sức và chốt phiên đứng lùi về mốc tham chiếu 20.400 đồng/CP, cùng thanh khoản sụt giảm mạnh khi chỉ có hơn 1,93 triệu đơn vị giao dịch thành công.

Đột biến thị trường là cổ phiếu CMM khi bất ngờ kéo trần thành công, đóng cửa tại mức giá 7.100 đồng/CP với thanh khoản khủng lên tới hơn 2 triệu đơn vị, trong khi các phiên trước đó chỉ khớp vài nghìn đến vài chục nghìn đơn vị.

Tin bài liên quan