Giao dịch chứng khoán sáng 18/4: VN-Index bốc hơi 23 điểm, sóng thủy sản vẫn dâng cao

Giao dịch chứng khoán sáng 18/4: VN-Index bốc hơi 23 điểm, sóng thủy sản vẫn dâng cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán mạnh vẫn diễn ra trên diện rộng khiến thị trường chìm trong sắc đỏ và chỉ số VN-Index bốc hơi gần 23 điểm. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu thủy sản vẫn chưa giảm nhiệt với các mã đua nhau như AAM, ACL, ANV, IDI tăng kịch trần.

Tuần qua, thị trường tiếp tục giao dịch không mấy tích cực khi chỉ số VN-Index bốc hơi hơn 24 điểm và đã thủng mốc 1.460 điểm. Bên cạnh nhóm cổ phiếu bất động sản và các cổ phiếu mang tính chất đầu cơ cao chưa thoát khỏi áp lực bán mạnh, nhóm cổ phiếu bluechip tuần qua cũng không nằm ngoài xu hướng tiêu cực chung.

Thị trường tuy điều chỉnh nhưng được coi là ở khu vực đáy trung hạn khi VN-Index nằm sát 2 ngưỡng hỗ trợ khá mạnh gồm đường xu hướng tăng với đáy ở khu vực 1.455 điểm và ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật khá mạnh ở khu vực 1.420-1.435 điểm tạo bởi đỉnh tháng 6/2021 và đáy các tháng 12/2021, tháng 1/2022.

Câu chuyện hiện tại nằm ở tâm lý nhà đầu tư nhiều hơn là các phân tích cơ bản hay kỹ thuật.

Điều này tiếp tục được phản ánh rõ ngay trong phiên đầu tuần hôm nay (18/4) khi lực bán ra chưa chấm dứt, nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn là tâm điểm xả hàng với hàng loạt mã bị chuyển giá sàn. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như ngân hàng, các công ty chứng khoán và thép cũng bị ảnh hưởng chéo theo không còn giữ vai trò điểm đỡ cho thị trường như các đợt giảm điểm trước.

Tâm lý bi quan cộng áp lực giảm bớt lượng margin đã ép thị trường giảm khá nhanh và mạnh. Chỉ sau khoảng 30 phút giao dịch phiên sáng nay, lực bán tăng dần đã nhanh chóng đẩy VN-Index về dưới mốc 1.450 điểm và tiếp tục nới rộng biên độ giảm.

Diễn biến chi tiết, nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn là tiêu cực nhất với hàng loạt mã vừa và nhỏ nằm sàn như FLC, ROS, CTD, PTL, PXS… trong khi các mã lớn như VIC, VHM, NVL giảm trên dưới 2%.

Ở nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng, chỉ còn duy nhất TPB giữ được sắc xanh với mức tăng hơn 1%, còn lại đều lùi về dưới mốc tham chiếu, với LPB giảm 3,3%, còn lại hầu hết giảm hơn 1%.

Nhóm chứng khoán cũng có diễn biến chung khi không có nổi mã nào giữ được mốc tham chiếu.

Nhóm cổ phiếu bảo hiểm hạ nhiệt sau phiên bùng nổ cuối tuần trước với các mã chỉ biến động nhẹ quanh vùng giá tham chiếu. Cụ thể, BVH, PVI, BMI, ABI nhích nhẹ, trong khi PGI, VNR, AIC, PRE điều chỉnh.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thủy sản vẫn nổi sóng lớn. Bên cạnh ANV và ACL tăng kịch trần ngay đầu phiên, nhiều mã khác trong ngành cũng tăng mạnh như IDI tăng gần 6%, AAM tăng 5,1%...

Nhóm cổ phiếu công nghệ cũng là một trong những điểm sáng của thị trường, bên cạnh ELC và VTB tăng trần, ICT tăng 4%, cổ phiếu lớn đầu ngành là FPT tăng 2,3%...

Lực bán mạnh gia tăng trên diện rộng khiến thị trường lao dốc. Chỉ số VN-Index bốc hơi gần 23 điểm về mốc 1.435 điểm, nhưng thanh khoản thị trường tăng mạnh.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 98 mã tăng và 370 mã giảm, VN-Index giảm 22,94 điểm (-1,57%) xuống 1.435,62 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 477,4 triệu đơn vị, giá trị 14.491 tỷ đồng, tăng 67,57% về khối lượng và 36,86% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 15/4. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 15,68 triệu đơn vị, giá trị gần 487,9 tỷ đồng.

Nhóm VN30 để mất hơn 17 điểm khi có 11 mã tăng và 16 mã giảm. Trong số mã tăng, cổ phiếu PNJ dẫn đầu với biên độ 3,2%, chốt phiên đứng tại mức giá 120.900 đồng/CP; tiếp theo FPT và SAB cùng tăng 1,7%, VJC tăng 1,4%, VNM tăng 1,2%, GVR tăng 1%, còn lại chỉ nhích nhẹ.

Ở chiều ngược lại, đại diện nhóm chứng khoán – cổ phiếu SSI bị xả bán mạnh và chốt phiên giảm 5,5% xuống mức 37.800 đồng/CP. Cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường là VHM khá tiêu cực khi giảm 3,7% xuống vùng giá thấp trong ngày 68.500 đồng/CP, trong khi VIC cũng nới rộng biên độ, giảm 2,5% xuống mức 78.700 đồng/CP.

Xét về nhóm ngành, bên cạnh bộ đôi lớn đầu ngành, các cổ phiếu khác trong nhóm bất động sản tiếp tục có thêm một phiên giảm mạnh. Trong đó, hàng loạt mã vừa và nhỏ nằm sàn như VCG, HBC, FLC, FCN, HQC, ROS, DPG, LCG, hay BCG, TCH, TCD, PHC… giảm sát sàn, các mã DIG, KBC, DXG, NLG giảm hơn 3%...

Nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng đều giật lùi. Ngoại trừ TPB xanh nhạt, còn lại đều giảm sâu với BID, CTG, VPB, MBB, EIB đều giảm hơn 3%, MSB và OCB cùng giảm hơn 4%, còn lại các mã đều có mức giảm trên dưới 1-2%.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán diễn biến khá tiêu cực. Bên cạnh APG và ORS nằm sàn, các mã còn lại đều giảm sâu, với các mã đầu ngành như SSI, HCM, VND, VCI hay FTS, BSI… đều giảm trên 5%.

Nhóm cổ phiếu thép cũng không nằm ngoài xu hướng chung, trong đó NKG và TLH giảm mạnh nhất khi cùng mất 5,3%, tiếp theo là HSG giảm 4,7%. Cổ phiếu đầu ngành HPG giảm 1,4% xuống mức 43.600 đồng/CP với thanh khoản đạt 11,56 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, hàng loạt mã bất động sản nằm sàn. Trong đó, HQC dẫn đầu thanh khoản thị trường với khối lượng khớp 20,36 triệu đơn vị và dư bán sàn 5,55 triệu đơn vị.

Điểm sáng thị trường vẫn thuộc về nhóm thủy sản với diễn biến lội ngược dòng khá ngoạn mục khi có hàng loạt mã như AAM, ACL, ANV tăng trần, ASM tăng 2,5%, CMX tăng 3,8%, IDI tăng 5,6%...

Trên sàn HNX, thị trường cũng lao dốc mạnh khi lực bán lớn diễn ra trên diện rộng.

Chốt phiên sáng, sàn HNX chỉ có 30 mã tăng và có tới 196 mã giảm, HNX-Index giảm tới 10,99 điểm (-2,64%) xuống mức 405,72 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 57,12 triệu đơn vị, giá trị 1.369,59 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,2 triệu đơn vị, giá trị 4,2 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 chỉ còn 6 mã tăng, trong đó LHC tăng tốt nhất với biên độ 3,8% lên 164.900 đồng/CP; tiếp theo là NVB tăng 2,3% lên 39.500 đồng/CP, SLS tăng 1,2% lên 164.900 đồng/CP, còn NTP, VCS, TNG nhích nhẹ.

Trái lại, nhóm này có tới 23 mã mất điểm, với TVC, NRC, VMC nằm sàn, nhiều mã như HUT, MBS, SHS, DTD cũng có thời điểm giảm sàn nhưng đã thu hẹp đà giảm chút ít.

Xét về nhóm ngành, các nhóm chứng khoán, bất động sản đồng loạt giảm sâu. Ở nhóm bất động sản, điển hình là HUT giảm 9% xuống 28.200 đồng/CP, CEO giảm 5,4% xuống 49.200 đồng/CP, THD giảm 1,8%...

Ở nhóm chứng khoán, ART và APS cùng nằm sàn, MBS giảm 7,6%, BVS giảm 7,4%, SHS giảm 7%...

Về thanh khoản, PVS dẫn đầu thị trường với chỉ hơn 3,82 triệu đơn vị khớp lệnh; tiếp theo là KLF và TVC cùng khớp hơn 3,5 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng không thoát khỏi đà giảm sâu.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 1,94 điểm (-1,72%), xuống 110,42 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 35,84 triệu đơn vị, giá trị 750,66 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,46 triệu đơn vị, giá trị 28,6 tỷ đồng.

Cổ phiếu VHG dẫn đầu thanh khoản thị trường với 4,92 triệu đơn vị khớp lệnh nhưng kết phiên giảm tới 13,8% xuống sát mức giá sàn 6.900 đồng/CP.

Nhóm bất động sản cũng giảm sâu như C4G giảm 10,9% xuống 21.200 đồng/CP, G36 giảm 10,4% xuống 16.300 đồng/CP…

Các cổ phiếu ngân hàng trên UPCoM cùng chung cảnh ngộ toàn ngành với ABB giảm 5,4%, BVB giảm 5,9%, VAB giảm 4,4%, NAB giảm 3,7%...

Tin bài liên quan