Sau chuỗi tăng điểm khá dài từ đầu tháng 8, chỉ số VN-Index đã bước vào vùng kháng cự mạnh 900-905 điểm. Và không nằm ngoài dự đoán, áp lực bán đã xuất hiện trong tuần giao dịch vừa qua từ 7-11/9, khiến thị trường quay đầu điều chỉnh.
Thời gian gần đây, thị trường chứng khoán có giao dịch cùng chiều với diễn biến của các chỉ số trên sàn chứng khoán Mỹ. Do đó, cùng với xu hướng điều chỉnh chung của các cổ phiếu công nghệ trên thị trường Mỹ - nhóm cổ phiếu đang có lo ngại về mức tăng quá đà trong suốt thời gian dài hồi phục trước đó có thể sẽ tác động tới tâm lý chung trên thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn dù có diễn biến điều chỉnh nhưng chưa có dấu hiệu đáng ngại khiến các chỉ số không giảm quá sâu, ngoại trừ phiên căng thẳng nhất ngày đầu tuần 7/9, chỉ số VN-Index mất hơn 13 điểm. Tính chung cả tuần, chỉ số VN-Index giảm hơn 12 điểm, tương ứng giảm 1,4% và kết thúc tuần tại mức 888,97 điểm.
Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS), thị trường trong giai đoạn tháng 9 đang đi vào cuối mùa quý III, vì vậy cũng không có quá nhiều thông tin nổi bật. Các đợt sóng cổ phiếu hầu hết liên quan đến việc M&A, phát hành thêm hay thưởng cổ tức nhiều hơn là tin về hoạt động kinh doanh.
Chỉ số chung nếu đi ngang trong vùng 880 – 900 sẽ là một tín hiệu tốt cho thị trường vì nếu không có lý do gì mà tăng quá nhanh sẽ là nguy hiểm. Thị trường đi ngang cũng là cơ hội để nhà đầu tư lướt sóng ngắn trên nhóm danh mục có sẵn.
Bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 14/9, sau những rung lắc và điều chỉnh trong những phiên trước đó, hầu hết các cổ phiếu bluechip đã lấy lại sắc xanh, hỗ trợ tốt giúp thị trường tiếp tục duy trì đà tăng điểm.
Chỉ số VN-Index nhanh chóng lấy lại mốc 890 điểm và duy trì đà tăng nhẹ trên ngưỡng kháng cự này do thiếu trụ đỡ vững chắc, khi các cổ phiếu tăng trong nhóm VN30 có biên độ khá hẹp, hầu hết đều dưới 1%, ngoại trừ một số mã nhỉnh hơn 1%.
Tâm điểm đáng chú ý là cổ phiếu HSG. Lực cầu tăng mạnh ngay từ đầu phiên đã đẩy HSG tăng kịch trần với thanh khoản tăng vọt. Tuy nhiên, áp lực bán ở mức giá trần khá lớn khiến HSG có chút hạ nhiệt, nhưng đây vẫn là mức giá cao nhất trong hơn 1 năm qua.
Cụ thể, sau khoảng 90 phút giao dịch, HSG dao động sát mức trần, tạm đứng tại 12.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh vượt trội, đạt gần 17,5 triệu đơn vị.
Thị trường duy trì đà tăng khá ổn định trong suốt thời gian còn lại.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 252 mã tăng và 135 mã giảm, VN-Index tăng 5,93 điểm (+0,67%), lên 894,9 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 212,43 triệu đơn vị, giá trị 3.468,83 tỷ đồng, tăng 17,12% về khối lượng và gần 17% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 11/9. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 15,42 triệu đơn vị, giá trị hơn 380 tỷ đồng.
Nhóm Vn30 chỉ có 4 mã giảm và 4 mã đứng giá, còn lại đều tăng. Trong đó, cổ phiếu hỗ trợ tốt nhất cho đà tăng của thị trường là VIC +1,98% lên 92.900 đồng/CP, các mã KDH, MBB, MSN, STB, VJC, VPB cũng có mức tăng nhỉnh hơn 1%.
Trái lại, các mã HDB, MWG, SBT và TCH giao dịch trong sắc đỏ nhưng với biên độ giảm chỉ trên dưới 0,5%.
Cổ phiếu HPG cũng như phần lớn các bluechip khác khi chỉ tăng nhẹ 0,6% lên 24.600 đồng/CP và đây là mã giao dịch sôi động nhất của nhóm VN30 với hơn 7,26 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Bên cạnh đó, người anh em cùng nghề là HSG đã có phiên giao dịch bùng nổ. Dù không tìm lại được sắc tím nhưng kết phiên, HSG vẫn đứng tại mức giá cao nhất trong hơn 1 năm qua cùng thanh khoản tăng đột biến.
Cụ thể, chốt phiên sáng, HSG +6,3% lên sát mức giá trần 12.650 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh vượt trội, đạt hơn 21,82 triệu đơn vị, trong khi cổ phiếu đứng thứ 2 về thanh khoản là FLC chỉ khớp 7,98 triệu đơn vị.
Ngoài ra, các cổ phiếu khác ngành thép như NKG, POM, TLH cũng khởi sắc, còn VIS chốt phiên tăng trần.
Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, nhiều mã vẫn giao dịch khởi sắc như HQC, SCR, HBC, DXG, ROS, DIG...
Trên sàn HNX, sắc xanh cũng duy trì trong suốt cả phiên sáng.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 56 mã tăng và 44 mã giảm, HNX-Index tăng 0,75 điểm (+0,59%), lên 126,95 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 33,15 triệu đơn vị, giá trị 354,75 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 11,22 tỷ đồng.
Trong khi ACB đã đảo chiều hồi phục, hỗ trợ tốt cho nhịp tăng của thị trường khi chốt phiên +1,9% lên 21.200 đồng/CP, thì SHB lại quay đầu sau phiên tăng khá tốt cuối tuần trước, với mức giảm -1,4% xuống 14.400 đồng/CP.
Đây cũng là bộ đôi dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX, với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 3,24 triệu đơn vị và 2,73 triệu đơn vị.
Ngoài ra, trong nhóm HNX30, nhiều mã như VCS, CEO, PVB, PVS… cũng chốt phiên tăng nhẹ.
Ở nhóm cổ phiếu nhỏ, hàng loạt mã như ACM, BII, SPI, SDT, VIG, KLF… đều chốt phiên trong sắc tím.
Trên UPCoM, sau nhịp tăng khá tốt vào đầu phiên, thị trường đã thu hẹp biên độ.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,11 điểm (+0,18%), lên 59,19 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 13,43 triệu đơn vị, giá trị 169,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,42 triệu đơn vị, giá trị 18,93 tỷ đồng.
Cổ phiếu LPB ghi nhận phiên tăng nhẹ thứ 4 liên tiếp, chốt phiên +1,1% lên mức 9.200 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu, đạt hơn 3,94 triệu đơn vị được giao dịch thành công.
Tiếp theo đó, BSR có khối lượng giao dịch 1,45 triệu đơn vị và chốt phiên tại mốc tham chiếu 6.700 đồng/CP.