Sau 3 phiên liên tiếp giảm điểm, thị trường đã hồi phục và chỉ số VN-Index test thành công vùng hỗ trợ 1.475 – 1.490 (MA20-50). Điều đáng quan tâm chính là dòng tiền có dấu hiệu quay trở lại với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và đặc biệt là dòng "bánk chưng" - viết tắt của cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán.
Nỗ lực này tiếp tục được thể hiện ở đầu phiên sáng này (13/1) khi nhóm ngân hàng với sự "xuất trận" của cả 3 mã vốn hóa lớn nhất ngành ngân hàng và đều là ngân hàng có vốn nhà nước chi phối gồm BID, CTG, VCB. Phiên hôm qua, VCB tăng không đáng kể.
Nhờ sự thăng hoa của nhóm đầu tàu này, đặc biệt là BID tăng trần đã giúp nhóm ngân hàng có sự khởi sắc. Dễ hiểu khi nhà tạo lập lựa chọn nhóm cổ phiếu ngân hàng do nhà nước nắm chi phối đó là tỷ lệ floating thấp do phần lớn cổ phần nhà nước đang nắm giữ, thay vì các ngân hàng cổ phần tư nhân hầu hết có tỷ lệ cổ phiếu đang giao dịch khá cao. Rủi ro bị bán mạnh khi kéo giá sẽ giảm nhẹ hơn.
Sau khoảng 90 phút giao dịch, sắc xanh đã nở rộ trong nhóm cổ phiếu ngân hàng. Bên cạnh BID tăng kịch trần, nhiều mã tăng mạnh như CTG tăng 5,7%, VCB tăng 3%, TCB tăng 1,8%, HDB tăng 3,23%, MBB tăng 4,62%, EIB tăng 3,55% và nhiều mã như ACB, VIB, STB, OCB tăng trên 2%...
Đồng thời, giao dịch ở dòng bank cũng sôi động với các mã MBB, CTG, STB đều khớp hơn 20 triệu đơn vị; hay TPB, TCB, VPB, SHB, LPB khớp trên dưới 10 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, phiên sáng nay đáng tiếc chỉ có sự tham dự của nhóm bank và sự tham gia nhẹ của nhóm thép, thiếu đi sự khởi sắc của nhóm chứng khoán khi các tên tuổi lớn như SSI, HCM và VND đều đỏ lửa nên nỗ lực của nhóm dẫn dắt chỉ giúp VN30-Index mang sắc xanh, chứ không gánh nổi hơn 300 mã giảm điểm với hơn 40 mã giảm sàn của thị trường chung. VN-Index đã giảm dưới mốc tham chiếu sau hơn 1 giờ giao dịch.
Tâm điểm của thị trường sáng nay vẫn là nhóm cổ phiếu bất động sản tăng nóng trước đó, áp lực xả bán vẫn tiếp tục diễn ra. với hàng loạt mã như FLC, ROS, AMD, HQC, HNG, DLG, LDG, DIG, NBB, FCN… đang chất lượng dư bán sàn hàng triệu đến hàng chục triệu đơn vị. Đặc biệt, ROS đang dư bán sàn tới gần 104 triệu đơn vị, còn FLC dư bán sàn 64,65 triệu đơn vị.
Như đã đề cập ở các bản tin trước, sự sụp đổ giá của FLC và câu chuyện tại Tân Hoàng Minh bỏ cọc đã tạo hiệu ứng domino cho toàn nhóm bất động sản. Câu hỏi hiện tại là liệu từ nhóm bất động sản có tạo hiệu ứng domino cho toàn thị trường?
Đây là rủi ro hiện hữu khi nhóm bất động sản giảm giá kéo dài sẽ tạo áp lực "call margin", nhà đầu tư để bù đắp phần thiếu trong tài khoản sẽ buộc phải nộp thêm tiền hoặc bán bớt các mã khác, khi việc bán này xảy ra thì các mã đang tăng giá khó có khả năng trụ được!
Kéo cổ phiếu trụ, ở đây là các mã lớn như ngân hàng, thép, chứng khoán đòi hỏi một lượng vốn rất lớn mới có thể thành công. Để tạo một con sóng dài cần sự đồng thuận cả thị trường. Điều may mắn là các mã này hầu hết đều đang ở mức giá thấp do không tăng đáng kể từ cuối tháng 7/2021. Đây có thể là một cơ hội để thị trường giữ được nhịp tăng vốn có.
Đóng cửa, sàn HOSE chỉ có 164 mã tăng (3 mã tăng trần) và 288 mã giảm (45 mã giảm sàn), chỉ số VN-Index giảm 0,36 điểm (-0,02%) xuống 1.510,15 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 658 triệu đơn vị, giá trị 19.958 tỷ đồng, giảm 13,76% về khối lượng và 16,12% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 8,35 triệu đơn vị, giá trị 727,92 tỷ đồng.
Nhóm VN30 đóng vai trò là má phanh giúp thị trường không bị giảm sâu, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Cụ thể, BID dù để mất sắc tím nhưng vẫn là mã tăng tốt nhất trong rổ này khi chốt phiên tăng 6,9% và đứng sát mức giá trần 45.050 đồng/CP; CTG tăng 4,5%, MBB tăng 3,4%, HDB tăng 2,4%, VCB tăng 2,3%, ACB và STB cùng tăng 2%...
Ngoài ra, một số mã bluechip khác tăng tốt như FPT tăng 3%, BVH tăng 2,3%, HPG, PDR, VNM tăng nhẹ.
Trái lại, các cổ phiếu lớn trong nhóm bất động sản lại là điểm trừ chính của rổ VN30 với các mã như GVR giảm 1,9%, NVL giảm 1,8%, KDH giảm 1,3%, VHM giảm 1,1%, VIC giảm 0,5%.
Xét về nhóm cổ phiếu, bên cạnh dòng bank, nhóm cổ phiếu thép cũng là điểm tích cực của thị trường khi sắc xanh bao phủ. Tuy nhiên, đây chỉ là sự hồi phục nhẹ sau chuỗi giảm khá sâu, với HPG, TLH, NKG, POM, SMC tăng nhẹ trên dưới 1%, chỉ HSG tăng 3,6%.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán tiếp tục suy yếu với HCM, SSI, VCI cùng giảm hơn 1%, VND giảm 3,3%, các mã khác như VIX, TVS, TVB, FTS, CTS… cũng đều mất điểm.
Điểm trừ lớn nhất của thị trường vẫn là nhóm cổ phiếu bất động sản. Bên cạnh các mã lớn đầu ngành thuộc rổ VN30, nhiều mã lớn bé khác cũng giảm sâu như BCM giảm 4,88%, VCG giảm 3%, KBC giảm hơn 2%... đặc biệt các mã DIG, ITA, SCR, FLC, ROS, KHG, LDG, QCG… vẫn chưa thể thoát khỏi đà bán tháo.
Về thanh khoản, cổ phiếu HAG dẫn đầu thị trường với hơn 28 triệu đơn vị được khớp lệnh và chốt phiên giảm 4,4% xuống mức 14.200 đồng/CP; tiếp theo là HQC khớp 27,73 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 15 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu ngân hàng vẫn giao dịch mạnh với bộ ba gồm MBB – STB – CTG đều khớp lệnh hơn 27 triệu đơn vị, các mã khác như TPB, SHB, TCB, VPB, LPB khớp trên 10-11 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, đà rơi mạnh của nhiều mã bluechip khiến thị trường chìm sâu, HNX-Index về mức giá thấp nhất trong ngày.
Cụ thể, chốt phiên sáng, HNX-Index giảm 6,9 điểm (-1,46%), xuống 466,74 điểm với chỉ 65 mã tăng (13 trần), trong khi có 167 mã giảm (21 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 65,75 triệu đơn vị, giá trị 2.097,66 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,46 triệu đơn vị, giá trị 56,42 tỷ đồng.
Cặp đôi lớn họ bất động sản là CEO và IDC tiếp tục tạo gánh nặng chính lên thị trường. Trong khi CEO chốt phiên giảm 9,9%, tiếp tục ghi nhận nhận thêm phiên giảm sàn về mức 74.300 đồng/CP, thì IDC giảm 8,4% xuống mức 65.500 đồng/CP và có thời điểm lùi về mức giá sàn. Đáng chú ý là L14 có cú quay xe khi từ mức giá trần lùi về sát sàn khi để mất 9,1%.
Trái lại, cổ phiếu LHC xác lập thêm 1 phiên tăng trần và đóng cửa đứng tại mức giá 140.300 đồng/CP. Nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng mới là điểm nhấn của thị trường với NVB tăng 4,4% lên 40.700 đồng/CP, còn BAB tăng 2,7% lên 23.100 đồng/CP.
Tổng kết nhóm HNX30 đã ghi nhận 17 mã giảm và 12 mã tăng, chỉ số HNX30-Index để mất tới hơn 19 điểm.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, sắc đỏ cũng phủ trên diện rộng với AMV giảm 8,1%, DL1 giảm 5%, HUT giảm 2,6%, TTH giảm 7,2%, KVC giảm 8,8%..., hay PVL, FID, KSQ, PV2… nằm sàn.
Đặc biệt là bộ đôi nhà FLC là KLF và ART cũng không nằm ngoài xu hướng chung của dòng họ khi bị xả bán ồ ạt. Chốt phiên, cả KLF và ART đều nằm sàn với thanh khoản chỉ lần lượt hơn 0,35 triệu đơn vị và 0,54 triệu đơn vị, nhưng dư bán sàn lên tới 28,37 triệu đơn vị và 12,67 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, sau nửa đầu phiên rung lắc, thị trường đã lùi về dưới mốc tham chiếu trong nửa cuối phiên sáng.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,72 điểm (-0,63%), xuống 113,47 điểm với 115 mã tăng (9 trần), trong khi có 187 mã giảm (11 sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 56,4 triệu đơn vị, giá trị 1.072 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 10 triệu đơn vị, giá trị tương ứng hơn 329 tỷ đồng, trong đó riêng CQN thỏa thuận 6,8 triệu đơn vị, giá trị 204 tỷ đồng.
Nhóm bank cũng là điểm sáng của thị trường với BVB tăng 3,7%, VAB tăng 3,9%, ABB tăng 3,3%, NAB tăng 3,5%, KLB tăng 9,2%...
Trong khi đó, nhiều mã bất động sản tiếp tục bị bán mạnh như C4G giảm 7,8%, G36 giảm 4,6%...
Tuy nhiên, dẫn đầu thanh khoản vẫn là VHG khớp 10,61 triệu đơn vị và chốt phiên tiếp tục giảm 14,5% xuống mức giá sàn 10.600 đồng/CP, cùng lượng dư bán sàn hơn 3,57 triệu đơn vị.