Giao dịch chứng khoán phiên sáng 26/12: Nhà đầu tư đang chủ động hơn, VN-Index vượt mốc 1.120 điểm

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 26/12: Nhà đầu tư đang chủ động hơn, VN-Index vượt mốc 1.120 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bỏ lại đằng sau những phiên giao dịch ảm đạm và bị nén chặt, thị trường đang có những tín hiệu tích cực hơn trong những phiên cuối cùng của năm 2023, tâm lý nhà đầu tư đang có phần được cải thiện và sự chủ động tìm kiếm cơ hội là điều có thể nhận thấy rõ trên bảng điện tử.

Trong phiên hôm qua, thị trường tăng điểm ngay khi mở cửa với đà khởi sắc của nhóm bluechip và giúp VN-Index vượt lên trên 1.110 điểm. Sau giờ nghỉ trưa, thị trường tiếp tục zích zắc đi lên và đóng cửa tăng gần 15 điểm lên 1.117 điểm.

Thanh khoản có cải thiện nhưng chưa đủ để xác nhận dòng tiền đã trở lại với giá trị giao dịch sàn HOSE mới chớm vượt 15.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bảng điện tử cho thấy số mã tăng chiếm áp đảo, gấp hơn 5 lần số mã giảm. Điều này chứng tỏ lực cung đã cạn và thị trường được kỳ vọng sẽ có thêm những phiên khởi sắc trong tuần cuối cùng của năm 2023.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 26/12, nối tiếp đà tăng của phiên hôm qua, chỉ số VN-Index mở cửa có nhịp tăng nhanh vượt qua ngưỡng 1.120 điểm, nhưng lực cầu chững lại và nhóm bluechip phân hóa đã khiến đà đi lên của chỉ số bị chặn lại và lùi về quanh ngưỡng điểm trên sau hơn 1 giờ giao dịch.

Nhìn chung chưa có nhóm cổ phiếu nào nổi bật, mang tính dẫn dắt trên bảng điện tử, nhưng thanh khoản thị trường vẫn khá tích cực và một vài cổ phiếu ở nhóm xây dựng, bất động sản cũng có tín hiệu khởi sắc hơn với CTD, SGR, CTI, HHV, hay hóa chất với DGC, CSV đang tăng điểm khá tích cực, nhích trên dưới 3%.

Trong khi đó, cổ phiếu đang thu hút nhà đầu tư nhất là HPG, với thanh khoản trở lại dẫn đầu thị trường, dù mức tăng còn khiêm tốn.

Bảng điện tử phân hóa hơn và cả nhóm VN30 cũng tương tự khiến VN-Index gần như chỉ đi ngang, rung lắc nhẹ quanh ngưỡng 1.120 điểm cho đến khi kết phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 224 mã tăng và 199 mã giảm, VN-Index tăng 2,68 điểm (+0,24%), lên 1.120,34 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 287,5 triệu đơn vị, giá trị 6.719,2 tỷ đồng, tương đương về khối lượng và tăng 10% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 13,6 triệu đơn vị, giá trị 370 tỷ đồng.

Nhóm bluechip chia đôi ngả với 30 mã trong rổ VN30 đều chỉ biến động nhẹ, trong đó, nhích hơn 1% chỉ có SAB, VHM và FPT. Ở chiều ngược lại, không có mã nào giảm đến 1%, với STB giảm sâu nhất cũng chỉ -0,9% xuống 27.250 đồng.

Cổ phiếu nổi bật nhất là HPG khi khớp lệnh dẫn đầu nhóm và cao nhất thị trường, bỏ khá xa phần còn lại với 17,5 triệu đơn vị, giá cổ phiếu tăng nhẹ 0,9% lên 27.700 đồng.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng chưa cho thấy sự bùng nổ đáng kể nào, với lác đác một vài cổ phiếu riêng lẻ tăng khá, đi kèm thanh khoản tương đối tốt như CTD +4% lên 68.400 đồng, khớp 2,83 triệu đơn vị; ELC +3,5% lên 20.600 đồng, khớp 0,48 triệu đơn vị. Các cổ phiếu CSV, APG, POM, DGC, PSH, DPR, SZC, HHV CTI tăng từ 2% đến 2,7%, với HHV khớp lệnh cao nhất khi có hơn 7,1 triệu đơn vị.

Thực tế, sắc xanh còn xuất hiện khá nhiều tại nhóm cổ phiếu thanh khoản cao, nhưng đa phần cũng chỉ tăng nhẹ, với sự góp mặt của BAF, TCH, ITA, PDR, BCG, KBC, ASM, CII, HSG, NVL, HQC DBC và GEX, khớp từ hơn 1,5 triệu đến hơn 9,9 triệu đơn vị.

Trái lại, dù có gần 200 mã giảm, nhưng lực cung được tiết giảm khiến phần lớn các cổ phiếu này đều chỉ mất điểm nhẹ.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index sau ít phút mở cửa giảm điểm đã hồi phục, nhưng mức tăng cũng chỉ ở mức thấp khi đa phần các mã lớn chỉ tăng nhẹ.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 66 mã tăng và 56 mã giảm, HNX-Index tăng 0,65 điểm (+0,29%), lên 230,11 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 26,3 triệu đơn vị, giá trị 564 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,25 triệu đơn vị, giá trị 6,55 tỷ đồng.

Cổ phiếu đáng chú ý nhất là TIG, khi có mức tăng khá +4,1% lên 12.600 đồng, khớp 2,5 triệu đơn vị.

Một số cổ phiếu khác như SHS, CEO, HUT, MBS và TNG có thời điểm đã bị đẩy xuống giá sàn, nhưng đều hồi phục nhẹ, riêng MBS về tham chiếu tại 22.700 đồng. Thanh khoản SHS cao nhất sàn với gần 4,3 triệu đơn vị khớp lệnh, CEO khớp 2,69 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu khác như MST, DVM, VFS, IDJ, TTH giảm nhẹ, còn DDG, AMV, VC3 đứng giá tham chiếu.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index sau nhịp tăng đầu phiên đã yếu đà sau đó, có thời điểm về dưới tham chiếu trước khi bật lên tăng nhẹ ở những phút cuối.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,03 điểm (+0,04%), lên 86,24 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 9,84 triệu đơn vị, giá trị 165,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,65 triệu đơn vị, giá trị 84,2 tỷ đồng.

Bảng điện tử phân hóa và đa số chỉ thay đổi về giá ở mức thấp, với BSR, VTP C4G, VGI, SBS, ABB tăng nhẹ, HSV +3,9% lên 8.000 đồng, BCR +3,4% lên 9.200 đồng, với BSR vẫn là cổ phiếu thanh khoản cao nhất UpCoM dù chỉ có hơn 1,2 triệu đơn vị khớp lệnh.

Tin bài liên quan