Trong phiên hôm qua, tâm lý thăm dò khiến thị trường lình xình quanh mốc tham chiếu và dần chịu áp lực bán gia tăng đã khiến VN-Index nới rộng biên độ giảm.
Đà giảm tiếp tục được nới rộng hơn sau giờ nghỉ trưa, nhưng chỉ số vẫn bảo toàn thành công ngưỡng 1.260 điểm nhờ lực cầu giá thấp luôn có sẵn khiến "cơ chế bán tháo" không bị kích hoạt. Tuy nhiên, điểm trừ hiện tại cũng là dòng tiền khi thanh khoản đang có dấu hiệu giảm sút thời gian gần đây.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 23/8, thị trường có nhịp giảm khá mạnh về dưới 1.255 điểm, dù vậy, VN-Index cũng rất nhanh trở lại tham chiếu, trước khi thêm một lần rơi xuống sắc đỏ sau hơn 1 giờ giao dịch.
Giao dịch nhìn chung không khác nhiều so với những phiên gần đây, khi số mã giảm luôn chiếm ưu thế trên bảng điện tử, (trong phiên sáng nay tiếp tục có hơn 300 mã giảm so với chỉ hơn 100 mã tăng) nhưng điểm số không rơi nhiều, do áp lực bán cũng không quá lớn, trong khi lực mua thăm dò và giá thấp cũng luôn sẵn sàng nhập cuộc.
Một số cổ phiếu riêng lẻ đáng chú ý như TDG tăng trần, hay nhóm khu công nghiệp BCM, LHG, EVG nhích hơn 4%, như như KPF khi nối dài chuỗi tăng mạnh gần đây.
Cổ phiếu HAX đang nằm trong số những mã tăng tốt nhất sàn, nhích hơn 5% dù không có thông tin mới nào đáng kể gần đây.
Bị đẩy về gần 1.255 điểm, thị trường lại bật dần lên và chạm gần tham chiếu, khi một số bluechip đảo chiều tăng điểm thành công, dù phần lớn mức tăng còn khiêm tốn. Bên cạnh đó, áp lực bán chung trên toàn thị trường cũng suy giảm giúp số mã tăng trên sàn có được sự cải thiện, dù không nhiều. Đáng chú ý là thanh khoản có sự hồi phục đáng kể so với phiên sáng hôm qua.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 164 mã tăng và 271 mã giảm, VN-Index giảm 0,14 điểm (-0,01%), xuống 1.260,29 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 312,5 triệu đơn vị, giá trị 7.724,9 tỷ đồng, tăng hơn 31% về khối lượng và 26% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 31,4 triệu đơn vị, giá trị 915,6 tỷ đồng.
Nhóm bluechip hoạt động cầm chừng, chỉ một vài cổ phiếu khác biệt như nhóm dầu khí với PLX tăng 2,6% lên 43.450 đồng và cũng là mã tăng tốt nhất trong rổ VN30. Tiếp đến là GAS +1,5% lên 116.600 đồng.
Ngoài ra, còn có một số mã bluechip khác cũng góp sức vào đà hồi trở lại của VN-Index sán nay như BID +1,2% lên 38.900 đồng, MWG hạ nhiệt nhanh, từ mức tăng gần 2% chỉ còn +1,1% lên 67.200 đồng, POW +1,1%, VNM +0,8%, MSN +0,4%, HPG +0,2% và VCB +0,1%.
Ở chiều ngược lại, dù có tới 20 mã giảm, nhưng đểu chỉ giảm nhẹ, với VPB -1,6% xuống 30.750 đồng, VIC và VRE đều giảm 1,5%, các cổ phiếu CTG, STB, SAB, SSI, HDB giảm từ 0,8% đến 1,2%.
Trong đó, SSI phiên này thanh khoản cao nhất với hơn 18,8 triệu đơn vị khớp lệnh và cũng là mã khớp lệnh cao nhất sàn HOSE.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, các cổ phiếu năng lượng, dầu khí có lẽ là nhóm duy nhất có sự tích cực chung, ngoài PLX và GAS nêu trên thì ASP tăng trần +6,9% lên 7.860 đồng, TDG tăng trần +6,9% lên 6.680 đồng, GSP tăng trần +6,8% lên 11.7600 đồng, PVT +4,1% lên 21.750 đồng, PSH +3,4% lên 12.000 đồng, CNG +2,6% lên 39.800 đồng, PVD +2,2% lên 20.800 đồng.
Ở những nơi khác, hai cổ phiếu tăng mạnh từ sớm là KPF và HAX cũng đã tìm đường đến giá trần tại 17.400 đồng và 24.200 đồng, khớp lệnh 0,25 triệu và 1,92 triệu đơn vị.
Một số cổ phiếu xây dựng, bất động sản, khu công nghiệp có mức tăng khá và hút dòng tiền trong phiên đáng chú ý có EVG +4,4% lên 8.050 đồng, LHG +4,4% lên 40.500 đồng, BCM +3,9% lên 88.900 đồng, TCD +3,5% lên 13.400 đồng, BCG +3% lên 15.650 đồng, các mã SZC, HTN, VCG, FCN, DLG, HBC tăng từ 2% đến 2,9%.
Nhóm cổ phiếu thanh khoản cao có sự phân hóa mạnh, với những cái tên như HSG, DXG, DIG, NKG, GEX, DBC, KBC, HQC, VCI, SCR, LDG, LCG, DCM, TCH tăng điểm, dù mức tăng phần lớn chỉ trên dưới 1%, khớp từ 1,48 triệu đến hơn 7 triệu đơn vị.
Trái lại, AGM, VOS, DGC, LPB, ITA, HNG, CII, VIX, VND, giảm với mức giảm cũng chỉ ở mức thấp, khớp từ 1,2 triệu đến hơn 5,4 triệu đơn vị, riêng VND khớp hơn 12,3 triệu đơn vị, chỉ đứng sau SSI trên sàn.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng giằng co quanh tham chiếu, dù phần lớn thời gian giao dịch trong sắc đỏ, nhưng cũng đã tìm được sắc sanh ở những phút cuối nhờ lực bán được hãm lại.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 78 mã tăng và 80 mã giảm, HNX-Index tăng 0,44 điểm (+0,15%), lên 295,17 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 56,55 triệu đơn vị, giá trị 1.263,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,14 triệu đơn vị, giá trị 57,1 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu dầu khí trên HNX cũng có sự vượt trội với PVC và PVG tăng kịch trần lên 20.300 đồng và 11.600 đồng. Trong khi đó, PVS +4,5% lên 27.900 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với 10,76 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu tăng khác còn có IDJ +3,6% lên 17.100 đồng, APS +2,8% lên 18.500 đồng, HDA +5% lên 12.600 đồng, S99 +5,5% lên 13.400 đồng, cùng các cổ phiếu CEO, IDC, HTP, TNG nhích nhẹ.
Ở chiều ngược lại, SHS, MBS, ART, HUT, BII, PHP giảm, trong khi AMV, TVC, KLF, SCG, KVC đứng tham chiếu.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng có hai nhịp giằng co quanh tham chiếu và kết phiên gần như không đổi.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,03 điểm (-0,03%), xuống 92,19 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 26,2 triệu đơn vị, giá trị 497,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,14 triệu đơn vị, giá trị 18,1 tỷ đồng.
Nhóm bộ ba cổ phiếu BSR, OIL, PXL phiên này nổi bật, khi là ba cổ phiếu thanh khoản cao nhất, với BSR khớp hơn 9,3 triệu đơn vị, tăng 2,9% lên 25.100 đồng.
Còn PXL khớp 1,76 triệu đơn vị, tăng kịch trần +14,4% lên 12.700 đồng, khớp 1,76 triệu đơn vị, OIL +3,1% lên 13.400 đồng, khớp 1,34 triệu đơn vị.
Các mã khác trong nhóm đều tăng mạnh như PXS +4% lên 7.600 đồng, PFL +10,2% lên 5.400 đồng, PXT +12,2% lên 5.500 đồng, PXI +7,9% lên 4.100 đồng, khớp từ 0,21 triệu đến 0,82 triệu đơn vị.