Giao dịch chứng khoán phiên chiều 4/3: Ách tắc cản đà phục hồi

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 4/3: Ách tắc cản đà phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ách tắc xảy ra từ cuối phiên sáng khiến nhà đầu tư ít kỳ vọng vào sự đột biến trong phiên chiều dù thực tế là thị trường đã phục hồi ngay từ đầu giờ giao dịch, nhưng sau đó là quãng thời gian dài nhìn chỉ số chậm rãi nhích lên và khối lượng khớp lệnh không tăng đáng kể vì... nghẽn lệnh.

Nhìn vào diễn biến cụ thể, so với sự sôi động của phiên sáng, giao dịch trở nên chậm lại hẳn sau giờ nghỉ trưa, một số lệnh túc tắc vào nhóm bluechips đã giúp thị trường thu hẹp đà giảm, VN-Index dần dần nhích lên được gần 1.170 điểm khi đóng cửa, với tâm điểm đáng chú ý là khối lượng cao đột biến ngay trước thời điểm bước vào phiên ATC.

Điểm đáng chú ý trên sàn có lẽ là dòng cổ phiếu nhóm P. Trong một ngày thị trường giảm điểm khá, thông tin đến từ việc các nước OPEC+ duy trì mức cắt giảm sản lượng có thể khiến giá dầu tiếp tục tăng, đã giúp nhóm cổ phiếu dòng P trở thành điểm sáng, đặc biệt là PVS, BSR và OIL, khi đều tăng vọt cùng thanh khoản bứt phá.

Điểm đáng chú ý ngoài sàn vẫn là câu chuyện giải pháp khắc phục nghẽn lênh. Không ít nhà đầu tư đã không còn giữ trạng thái im lặng nữa, hoặc thay vì lên tiếng ở các diễn đàn ẩn danh, mà chuyển sang viết các tút trên mạng xã hội. Có nhà đầu tư thậm chí gán việc chỉ số sập mạnh sáng nay trên HOSE là do "nhà đầu tư phản ứng" vì "bức xúc". Ngoài phản đối phương án nâng lô thì cũng có ý kiến đưa ra các giải pháp khác.

Nhà đầu tư Vu Hai Tran, qua facebook của mình đã đề xuất các giải pháp khác gồm: (1) thống nhất biên độ giá 2 sàn HOSE và HNX như nhau là 8%, bước giá đặt lệnh từ 10 đồng lên 100 đồng/CP, (2) Một mặt khuyến khích các công ty niêm yết ở sàn HOSE sang sàn HNX, mặt khác thành lập “sàn phụ” của sàn HOSE. Sàn phụ này sử dụng công nghệ hạ tầng của sàn HNX, tách biệt với sàn HOSE. Các doanh nghiệp không tự nguyên sang sàn HNX, sẽ được sắp xếp hoặc ở sàn chính HOSE (A) hoặc ở “sàn phụ” HOSE (B). Những công ty có vốn hoá dưới 1000 tỷ đồng và/hoặc cổ phần thị giá dưới 10.000 đồng tại thời điểm sắp xếp đều chuyển qua “sàn phụ”. Mọi giao dịch tại “sàn phụ” đều giống với sàn chính HOSE (A) và HNX.

Nhà đầu tư này cho rằng với phương án trên, không cần có thủ tục pháp lý nào khác, chỉ có đôi chút điều chỉnh về cách thức giao dịch và nội bộ giữa hai sàn của VNX, việc điều chỉnh này có thể tiến hành khẩn trương trong 2 ngày cuối tuần không giao dịch.

Câu chuyện nghẽn lệnh chưa hồi kết chắc chắn sẽ còn hút sự chú ý hơn trong thời gian tới, và nếu bức xúc không được giải tỏa, câu chuyện có thể diễn tiến theo cách không chỉ là chuyện thị trường chứng khoán.

Quay lại với diễn biến giao dịch, chốt phiên, sàn HOSE có 95 mã tăng và 362 mã giảm, VN-Index giảm 18,43 điểm (-1,55%), xuống 1.168,52 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 673,4 triệu đơn vị, giá trị 16.801 tỷ đồng, tăng hơn 6% về khối lượng và 10% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 43,8 triệu đơn vị, giá trị 1.550 tỷ đồng.

Như đã đề cập, nhiều bluechips đã hãm bớt được đà rơi so với cuối phiên sáng đã thúc đẩy VN-Index thu hẹp mức giảm.

Tại rổ VN30 nhóm cổ phiếu tài chính giảm sâu nhất với TCH mất 4,2% xuống 21.800 đồng. Tiếp theo là SSI -4% xuống 33.450 đồng, TPB -3,7% xuống 28.650 đồng, STB -3,4% xuống 18.350 đồng, TCB -3,2% xuống 39.050 đồng, MBB -3% xuống 27.150 đồng, HDB -2,8% xuống 26.200 đồng.

Các cổ phiếu BVH, PDR, MSN, FPT, BID, MWG, KDH, VRE, REE giảm từ 2,1% đến 2,8%, trong khi giảm nhẹ hơn có VCB, PLX, VHM, SBT, POW, HPG, mất từ 1,1% đến 1,9%.

Cổ phiếu VIC duy nhất về tham chiếu tại 106.900 đồng sau khi có được sắc xanh nhạt khi kết phiên sáng.

Thanh khoản HPG dẫn đầu nhóm và cũng lớn nhất HOSE với gần 28 triệu đơn vị khớp lệnh. Các cổ phiếu ngân hàng theo sau với STB khớp 23,5 triệu đơn vị, MBB khớp 23,1 triệu đơn vị, TCB khớp 16,2 triệu đơn vị, CTG khớp 10,1 triệu đơn vị…

Nhóm cổ phiếu thị trường còn một số giữ được sắc xanh khi đóng cửa là FLC, PVD, PVT, SCR, GEX, DCM, VIX, DPM, ASM, IDI, AGR, DCB, HAP…khớp từ 3,4 triệu đến 13,3 triệu đơn vị, riêng FLC khớp hơn 23,6 triệu đơn vị, tăng 0,5% lên 6.550 đồng.

Các cổ phiếu bật hẳn lên có TLH, TGG, DQC, BMC, NVT và “như thường lệ” là RIC, khi đều giữ sắc tím, trong đó, TLH khớp lệnh cao nhất với hơn 2,83 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, diễn biến HNX-Index tích cực hơn, khi trồi khá nhanh lên trên tham chiếu chỉ sau ít phút mở cửa trở lại trong phiên chiều và giữ đà đi lên tốt nhờ các cổ phiếu lớn thu hẹp đà giảm và PVS đột ngột bật cao.

Theo đó, PVS từ mức giảm 1,3% trong phiên sáng đã nhích dần lên và có nhịp tăng vọt sau giờ nghỉ trưa và leo lên mức giá trần, trước khi hạ nhiệt đôi chút khi đóng cửa, kết phiên PVS +8,4% lên 24.600 đồng, thanh khoản vươn lên dẫn đầu HNX với hơn 27 triệu đơn vị khớp lệnh.

Dự bứt phá của PVS và một số cổ phiếu dòng P nói chung có lẽ đến từ việc giá dầu bật tăng sau khi Reuters đưa tin, OPEC+ đang xem xét việc gia hạn cắt giảm sản lượng kể từ tháng 4 tới trong một cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày mai.

Các cổ phiếu đáng chú ý khác tại HNX như SHB -1,9% xuống 15.800 đồng, IDC -4,3% xuống 38.100 đồng, SHS -2,5% xuống 27.000 đồng, CEO -2,7% xuống 11.000 đồng, TNG -2,4% xuống 24.400 đồng, MBS -2,6% xuống 22.500 đồng, NDN -2,5% xuống 23.100 đồng.

Ở chiều ngược lại, tân binh BAB giữ vững sắc tím +9,6% lên 22.800 đồng, PLC +4,8% lên 30.700 đồng và các mã nhỏ PVC, ACM, KVC, LAS tăng kịch trần.

Đóng cửa, sàn HNX có 96 mã tăng và 101 mã giảm, HNX-Index tăng 1,67 điểm (+0,66%), lên 255,77 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 171,2 triệu đơn vị, giá trị 2.710,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,84 triệu đơn vị, giá trị 83,2 tỷ đồng.

Trên UpCoM, đà hồi phục cũng diễn ra, nhưng UpCoM-Index thiếu chút may mắn để về được tham chiếu về cuối phiên.

Tương tự trên HNX, hai mã dầu khí bùng nổ với BSR +10,7% lên 15.500 đồng, khớp lệnh cao nhất toàn thị trường với hơn 36,6 triệu đơn vị, và khối ngoại mua ròng hơn 3 triệu đơn vị.

Còn OIL thậm chí còn tăng kịch trần +14,5% lên 14.200 đồng, khớp hơn 10,59 triệu đơn vị.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,14 điểm (-0,18%), xuống 77,96 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 102,55 triệu đơn vị, giá trị 1.448 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,16 triệu đơn vị, giá trị 7,79 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó, VN30F2103 giảm 1,52% xuống 1.181,3 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 186.000 đơn vị, khối lượng mở gần 31.000 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, toàn bộ các chứng quyền đều giảm, với CHDB2007 và CHP2010 có khối lượng giao dịch lớn nhất với 0,67 triệu và 0,64 triệu đơn vị, giảm lần lượt xuống 3.160 đồng và 5.660 đồng/cq.

Tin bài liên quan