Giao dịch chứng khoán chiều 8/2: Tắc đường ngày sát Tết

Giao dịch chứng khoán chiều 8/2: Tắc đường ngày sát Tết

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trái với diễn biến sôi động giúp thị trường bật ngược trong những phút cuối phiên sáng, giao dịch phiên chiều trầm lắng khi các lệnh mua bán dường như lại "tắc đường".

Những thông tin khá tiêu cực từ Covid-19 như TP.HCM họp khẩn sau khi công bố thêm 24 trường hợp dương tính, hay tại Hà Nội sáng nay ghi nhận thêm 2 ca lây nhiễm, trong đó có ca lây nhiễm sau 12 ngày tiếp xúc với F0 và có lịch trình khá phức tạp, cũng phần nào ảnh hưởng tới diễn biến thị trường trong phiên giao dịch sáng. Áp lực bán ồ ạt diễn ra và lan rộng thị trường khiến hàng trăm mã giảm sâu, chỉ số VN-Index cắm đầu lao thẳng đứng.

Đà giảm sâu khiến lòng tham được kích hoạt khi nhiều nhà đầu tư đứng ngoài quan sát trong tuần vừa qua đã nhập tích cực khi kỳ vọng thị trường sẽ nhanh chóng bật ngược trở lại như đợt giảm mạnh kỷ lục cách đây 2 tuần, khiến thanh khoản tăng vọt cùng VN-Index thu hẹp đà giảm đáng kể. Chỉ trong hơn 20 phút giao dịch, chỉ số này đã hồi hơn 20 điểm và tiến về gần vùng giá 1.110 điểm.

Trái với giao dịch đầy kịch tính cùng dòng tiền nhập cuộc sôi động, phiên giao dịch chiều có phần ảm đạm hơn. Nhóm cổ phiếu bluechip vẫn là gánh nặng chính đẩy thị trường đi xuống, chỉ số Vn-Index tiếp tục nới rộng biên độ giảm trong phiên chiều.

Đáng chú ý, lượng tiền mạnh đổ vào thị trường trong phiên sáng lại khiến giao dịch “có vấn đề” trước khi bước vào đợt khớp lệnh ATC. Một nhà đầu tư gắn bó lâu năm trên diễn đàn f319 còn ví “có tiền mà không mua được”.

Đóng cửa, sàn HOSE có 69 mã tăng và 385 mã giảm, VN-Index giảm 43,73 điểm (-3,88%), xuống 1.083,18 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 696,6 triệu đơn vị, giá trị 16.562,89 tỷ đồng, tăng 31,48% về khối lượng và 33,41% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 5/2. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 61,21 triệu đơn vị, giá trị gần 1.339 tỷ đồng.

Trong nhóm VN30, ngoài REE và SBT nhích nhẹ, phiên chiều có thêm sự góp mặt của thành viên mới của nhóm là PDR tăng 1,5% lên 61.300 đồng/CP.

Các mã còn lại trong nhóm có phần tiêu cực hơn khi nới rộng đà giảm, đáng kể là TCH giảm sàn, các mã lớn như VIC giảm 6% về gần mức giá sàn, VCB, VRE, VJC giảm trong khoảng 5-6%, các mã khác như BID, BVH, CTG, MSN, VHM, STB giảm trong khoảng 4-5%.

Tuy nhiên, việc lùi sâu cũng khiến lực cầu hấp thụ mạnh ở nhóm cổ phiếu này. Dẫn đầu thanh khoản trên HOSE là HPG khớp 32,92 triệu đơn vị khớp lệnh.

Các mã trong nhóm tài chính gồm ngân hang và chứng khoán cũng giao dịch sôi động với các mã STB khớp hơn 24 triệu đơn vị, MBB khớp hơn 22 triệu đơn vị, SSI và TCB cùng khớp hơn 21 triệu đơn vị, LPB khớp gần 18 triệu đơn vị…

Áp lực bán cũng khiến các mã vừa và nhỏ đua nhau nằm sàn như ROS, HQC, ITA, KBC, ASM, FIT… Trong đó, ROS giảm về mức 3.650 đồng/CP với khối lượng khớp 27,32 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 4,4 triệu đơn vị.

Còn FLC giảm 6,4% về gần mức giá sàn 6.100 đồng/CP và khớp gần 29,5 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, giao dịch trong phiên chiều cũng giảm nhiệt đáng kể với dòng tiền tham gia chưa bằng 1/2 của phiên sáng. Chỉ số HNX-Index vẫn duy trì đà giảm khá mạnh trước sắc đỏ bao trùm.

Kết phiên, sàn HNX có 59 mã tăng và 129 mã giảm, HNX-Index giảm 3,08 điểm (-1,38%) xuống 220,76 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 125,74 triệu đơn vị, giá trị 1.939 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 3,57 triệu đơn vị, giá trị 60,34 tỷ đồng.

Các cổ phiếu nhóm ngân hang, chứng khoán đồng loạt giảm sâu. Cụ thể, SHB giảm 6,2% xuống 15.100 đồng/CP, SHS giảm 5,1% xuống 24.000 đồng/CP, BVS giảm 3% xuống 19.600 đồng/CP, VDS giảm 5% xuống 11.300 đồng/CP, PSI giảm 6% xuống 6.300 đồng/CP, ORS giảm 6,7% xuống 12.500 đồng/CP…

Nhiều mã lớn khác cũng tác động thiếu tích cực tới thị trường như IDC giảm 6,55% xuống 38.500 đồng/CP, PVS giảm 1,1% xuống 18.200 đồng/CP, CEO giảm 7,3% xuống 8.900 đồng/CP, PVB giảm 4,1% xuống 16.500 đồng/CP…

Trên UPCoM, giao dịch không có nhiều biến động trong phiên chiều, chỉ số UPCoM-Index đi ngang quanh vùng giá 72 điểm.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 1,24 điểm (-1,67%) xuống 72,65 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 45,51 triệu đơn vị, giá trị 631,45 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 0,72 triệu đơn vị, giá trị 13,88 tỷ đồng.

Các mã lớn giảm khá mạnh như VGT giảm 8,2% xuống 16.700 đồng/CP, OIL giảm 2,8% xuống 10.600 đồng/CP, MSR giảm 4,2% xuống 18.200 đồng/CP, VGI giảm 3,1% xuống 37.100 đồng/CP…

Cổ phiếu dầu khí BSR vẫn đứng tại mốc tham chiếu 11.000 đồng/CP và là mã giao dịch sôi động nhất thị trường UPCoM, với hơn 13,85 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Đứng ở vị trí tiếp theo về thanh khoản là MHP khớp 3,35 triệu đơn vị và kết phiên giảm ,3% xuống 11.600 đồng/CP và SBS khớp hơn 2,5 triệu đơn vị và kết phiên giảm 3,1% xuống 6.200 đồng/CP.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đảo chiều giảm khá mạnh, với VN30F2101 giảm 4,2% xuống 1.092 điểm, tổng khối khớp lệnh đạt 260.500 đơn vị, khối lượng mở gần 35.610 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, CTCH2003 dẫn đầu thanh khoản với 121.090 đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm 47,4% xuống 200 đồng/CQ.

Tin bài liên quan