Dư âm từ phiên bùng nổ hôm qua khiến VN-Index bật tăng ngay khi mở cửa để vượt qua mốc 880 diểm. Dù vậy, đà tăng không duy trì lâu khi trước áp lực ở vùng giá cao này. Theo đó, VN-Index liên tục gặp thử thách và có những thời điểm đã lùi qua tham chiếu khi lượng cung giá thấp được đẩy mạnh vào thị trường. Nhờ sức cầu tốt mà chỉ số dần hồi trở lại và giữ được mốc 880 điểm khi kết phiên sáng.
Sau giờ nghỉ trưa, sức ép một lần nữa sớm gia tăng với cường độ mạnh hơn hẳn so với phiên sáng. Trong khi đó, cầu mua vào đã không còn mạnh mẽ khi tâm lý chốt lời đã thắng thế. Mất đi lực đỡ quan trọng, VN-Index đã nhanh chóng đảo chiều và dừng ở mức thấp nhất ngày. Phiên giảm tuy không mạnh, nhưng đã chặn đứng chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp của chỉ số.
Đóng cửa, với 249 mã giảm và 129 mã tăng, VN-Index giảm 3,87 điểm (-0,44%) về 874,8 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 484,71 triệu đơn vị, giá trị 6.925,73 tỷ đồng, tăng 2% về khối lượng, nhưng giảm 6% về giá trị so với phiên 1/6. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 42,4 triệu đơn vị, giá trị gần 885 tỷ đồng.
Tại nhóm VN30, áp lực xả mạnh khiến lượng mã giảm gấp 2 lần lượng mã tăng, đạt 20 mã. Trong đó, nhiều mã nới rộng đà giảm như BID –2,17% về 40.550 đồng, HPG -2,17% về 27.050 đồng, GVR -2,33% về 12.550 đồng, STB -2,33% về 10.500 đồng; các mã VHM, VPB, NVL, PNJ… đều giảm trên 1,5%...
Đáng chú ý, CTD giảm kịch biên độ 7% về 71.900 đồng sau thông tin cổ đông lớn nước ngoài Kusto (hiện đang nắm giữ hơn 17% vốn) muốn triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường để bầu HĐQT mới và kiểm toán đặc biệt nhằm làm rõ các vấn đề xung đột lợi ích trong Công ty. Được biết, cổ phiếu CTD từng xác lập đỉnh giá gần 250.000 đồng vào cuối năm 2017.
Mặc dù có lượng mã giảm chiếm áp đảo, nhưng VN-Index không giảm sâu nhờ một số mã lớn còn tăng tốt như SAB, GAS, PXL, POW, MSN, VJC, VCB…, đặc biệt là HDB khi giữ vững sắc tím.
Một điểm tích cực khác là dòng tiền chảy vào vẫn duy trì ở mức cao, cho thấy tâm lý tích cực của nhà đầu tư trước sức ép lớn. Phiên này, nhóm cổ phiếu thị trường tiếp tục hút mạnh dòng tiền. Đáng kể nhất vẫn là ITA với 48,9 triệu đơn vị được khớp, dẫn đầu HOSE, tiếp đó là ROS với 46,6 triệu đơn vị. Nhiều mã khớp lệnh từ 11-19 triệu đơn vị gồm HAG, FLC, PVD, STB, HSG, HPG.
Thanh khoản mạnh, song đa phần nhóm cổ phiếu này giữ sắc đỏ. ITA -2,3% về 3.800 đồng, qua đó ngắt chuỗi tăng ở con số 7, trong đó tăng trần 6 phiên liên tục. ROS về sát mức giá sàn 3.200 đồng (-5,9%). Các mã OGC, TNI, TSC… đều giảm sàn, khớp lệnh từ 2-4 triệu đơn vị.
Ở chiều ngược lại, HQC vững sắc tím ở mức 1.260 đồng, khớp lệnh 2,35 triệu đơn vị và còn dư mua trần gần 23 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, diễn biến khá tương đồng với HOSE khi sắc xanh được duy trì từ đầu phiên, trước khi quay đầu giảm điểm kể từ nửa cuố phiên chiều. Thanh khoản rất tích cực.
Đóng cửa, với 103 mã giảm và 64 mã tăng, HNX-Index giảm 0,49 điểm (-0,43%) về 113,64 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 79,93 triệu đơn vị, giá trị 914,98 tỷ đồng, tăng 16,5% về khối lượng và 11,6% về giá trị so với phiên 1/6. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 3 triệu đơn vị, giá trị 38,2 tỷ đồng.
Việc các mã ACB, SHB, PVI, PHP, MBS, PLC, TVC… đồng loạt giảm đã tạo sức ép lớn lên chỉ số, cho dù nhiều mã lớn khác còn duy trì sắc xanh như PVS, NVB, VNS, SHS, CDN, DL1… Trong đó, PVS +2,34% lên 13.100 đồng, NVB +4,5% lên 8.500 đồng; ACB -1,2% về 24.800 đồng, SHB -0,7% về 14.000 đồng…
PVS khớp lệnh 13,99 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. Tiếp đến là ACB với 10,92 triệu đơn vị.
HUT giảm sàn về 2.200 đồng và khớp 8,39 triệu đơn vị, đứng thứ 3.
MBG và TAR cùng tăng trần lên 6.600 đồng và 25.000 đồng, khớp lệnh 3,14 triệu và 1,31 triệu đơn vị.
Trên sàn UPCoM, sắc xanh được duy trì từ đầu đến cuối phiên, cho dù đà tăng cũng giảm khá đáng kể trong nữa cuối phiên theo đà thị trường chung. Thanh khoản tăng vọt.
Đóng cửa, với 108 mã tăng và 84 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,39 điểm (+0,71%) lên 55,98 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 49,74 triệu đơn vị, giá trị 477,52 tỷ đồng, tăng 102% về khối lượng và 67% về giá trị so với phiên 1/6. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,62 triệu đơn vị, giá trị 37,3 tỷ đồng.
Trong 5 mã thanh khoản tốt nhất sàn, ngoại trừ NCP đứng giá (khớp lệnh 2,21 triệu đơn vị), 4 mã còn lại đều tăng, trong đó VHG tăng trần lên 700 đồng và khớp 1,09 triệu đơn vị.
Đáng chú ý, 2 mã LPB và BSR ghi nhân thanh khoản tăng đột biến, đạt lần lượt 18,03 triệu đơn vị và 12,35 triệu đơn vị, tăng tương ứng lên 8.700 đồng (+10,1%) và 6.600 đồng (+4,8%).
Nhiều mã lớn khác cũng tăng tích cực như VEA, ACV, VIB, CTR…
Trên thị trường phái sinh, trong 4 hợp đồng thì có 3 mã giảm và 1 mã tăng là VN30F2012. Mã VN30F2006 giao dịch mạnh nhất với khối lượng khớp lệnh đạt 205.386 đơn vị, khối lượng mở 23.731 đơn vị, đóng cửa giảm 0,4% về 808,1 điểm.
Trên thị trường chứng quyền, có 17 mã tăng và 4 mã đứng giá, còn lại đều giảm (2 mã giảm sàn). Trong đó, CHDB2001 giao dịch sôi động nhất với 109.397 đơn vị khớp lệnh, tăng 137,5% lên 19 đồng/CP.