Phiên giao dịch đầu tiên của tháng 12 diễn ra trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư chùng xuống sau phiên giảm hơn 7 điểm trong ngày cuối cùng của tháng 11 do áp lực chốt lời tăng mạnh khi thị trường trở lại mốc 1.000 điểm, cùng thông về ca nhiễm Covid-19 ngoài cộng đồng đầu tiên sau chuỗi ngày dài êm ả.
Sau khi thông tin chính thức về ca nhiễm mới Covid-19 và lệnh phong tỏa một số khu vực tại TP.HCM được công bố tối ngày 30/11, ngay khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay 1/12, áp lực bán mạnh diễn ra trên diện rộng khiến thị trường chìm trong sắc đỏ với hàng trăm mã giảm, VN-Index cắm đầu đi xuống với mức giảm hơn 20 điểm và mốc 1.000 điểm xác lập phiên trước đó nhanh chóng sụp đổ.
Tuy nhiên, thị trường lao dốc nhanh bao nhiêu thì hồi phục cũng bất ngờ bấy nhiêu. Ngay sau nhịp giảm mạnh, dòng tiền ồ ạt được kích hoạt đã nhanh chóng kéo VN-Index tăng trở lại gần mốc 1.000 điểm.
Chưa dừng lại ở đó, dòng tiền hào hứng tiếp tục cuộn chảy trong phiên chiều, cuốn phăng những e ngại còn rơi rớt khiến VN-Index có phần chùng lại ở cuối phiên sáng. Khi rào cản tâm lý được cởi bỏ, lại thêm sự đồng thuận từ “dòng tiền mới”, VN-Index không chỉ đảo chiều thành công, mà cứ thế tiến vững lên mức cao nhất ngày.
Đóng cửa, với 221 mã tăng và 199 mã giảm, VN-Index tăng 5,79 điểm (+0,58%) lên 1.008,87 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 583,31 triệu đơn vị, giá trị 11.679,6 tỷ đồng, tăng 9,5% về khối lượng và 3,5% về giá trị so với phiên 30/11. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 47,1 triệu đơn vị, giá trị 1.221,4 tỷ đồng.
Với sức cầu mạnh mẽ, hàng loạt mã bluechips đã quay đầu tăng điểm trong phiên chiều, đóng vai trò bệ đỡ tích cực cho VN-Index. Rổ VN30 có tới 18 mã tăng và chỉ 7 mã giảm.
Đa phần cổ phiếu ngân hàng giao dịch tích cực, trong đó nổi bật là STB khi tăng 5,5% lên 15.450 đồng và dẫn đầu thanh khoản HOSE với 37,83 triệu đơn vị khớp lệnh. Tân binh VIB thậm chí còn tăng trần lên 29.500 đồng, khớp lệnh 3,25 triệu đơn vị.
Tương tự, TCH cũng quay đầu và tăng lên mức cao nhất ngày 20.550 đồng, tức tăng 5,4%, khớp lệnh chỉ sau STB với 28,27 triệu đơn vị.
Ngoài 2 mã trên, các mã TCB, HPG, MBB và VPB cũng có thanh khoản rất mạnh với lượng khớp từ 10-23 triệu và đều tăng tốt.
Nhóm cổ phiếu Vingroup hay các mã vốn hóa thuộc top đầu khác như VNM, GAS, SAB, MSN cũng đều tăng hơn 1%, thanh khoản từ 1-4 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, sắc xanh đã trở lại với hàng loạt mã như HAG, HBC, HSG, PVD, DXG, LDG, DIG, SCR…, trong đó HBC, HSG, HAG khớp lệnh từ 10-16 triệu đơn vị. ITA cũng nằm trong nhóm thanh khoản cao nhất sàn với 16,4 triệu đơn vị, nhưng đứng giá tham chiếu 5.120 đồng.
Trên HNX, chỉ số HNX-Index cũng có diễn biến tương tự như HOSE khi cũng đảo chiều tăng điểm trong phiên chiều và kết phiên ở mức cao nhất.
Đóng cửa, với 103 mã tăng và 61 mã giảm, HNX-Index tăng 1,23 điểm (+0,83%) lên 148,93 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 86,41 triệu đơn vị, giá trị 1.396,15 tỷ đồng, tăng 49% về khối lượng và 46% về giá trị so với phiên 30/11. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,3 triệu đơn vị, giá trị gần 60 tỷ đồng.
3 mã có thanh khoản cao nhất, cũng là đóng góp nhiều nhất vào đà tăng chung là SHB +1,8% lên 17.300 đồng, khớp lệnh 20,34 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn; ACB +0,48% lên 27.300 đồng, khớp lệnh 9,24 triệu đơn vị và PVS +1,4% lên 14.900 đồng, khớp lệnh 9,06 triệu đơn vị.
Các mã đóng góp tích cực khác cần nhắc tới là HUT, SHS, IDC, MBS… với mức tăng từ 1-5%, khớp lệnh từ 2-4 triệu đơn vị.
NVB phiên này giảm 3,6% về 8.100 đồng, khớp lệnh nằm trong nhóm dẫn đầu là 4,9 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, chỉ số UPCoM-Index trong một ngày giao dịch tích cực cũng kết phiên ở mưc cao nhất với sự cải thiện mạnh mẽ về thanh khoản.
Đóng cửa, với 120 mã tăng và 80 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,91 điểm (+1,36%) lên 67,81 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 37,27 triệu đơn vị, giá trị 629,6 tỷ đồng, tăng 72% về khối lượng và 91% về giá trị so với phiên 30/11. Giao dịch thỏa thuận có thêm 10,7 triệu đơn vị, giá trị gần 138 tỷ đồng.
Trong 3 mã thanh khoản tốt nhất, chỉ AAS là tăng điểm, còn BSR đứng giá, CTR giảm điểm. BSR dẫn đầu thanh khoảng với 5,68 triệu đơn vị, CTR khớp 3,36 triệu đơn vị và AAS là 2,68 triệu đơn vị.
Ngoài 3 mã trên, UPCoM còn 5 mã khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị là G36, SBS, VGI, C4G và BVB, trong đó SBS tăng trần lên 1.400 đồng, VGI và C4G tăng nhẹ, còn C4G và BVB đứng giá. Các mã giảm điểm có OIL, ACV, MSR, VCR…
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều quay đầu tăng điểm khi đóng cửa, trong đó VNF302012 tăng 1,48% lên 980,3 điểm, khối lượng khớp lệnh mạnh nhất với 114.299 đơn vị, khối lượng mở 30.620 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, 4 mã CVHM2009, CHPG2010, CSTB2010 và CFPT2016 được mua bán sôi động nhất khi cùng đạt mức khớp trên 1 triệu đơn vị, nhưng chỉ CSTB2010 là tăng điểm lên 2.250 đồng/CQ (+11,4%). CVHM2009 giao dịch mạnh nhất với 1.136.860 đơn vị, nhưng giảm 9,57% xuống 1.700 đồng/CQ.