Giải pháp mới hỗ trợ thương mại quốc tế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Giải pháp mới hỗ trợ thương mại quốc tế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

(ĐTCK) Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố, Việt Nam xếp thứ 68/190 quốc gia về môi trường kinh doanh, với điểm sáng là 1 trong 2 quốc gia thực hiện nhiều cải cách nhất (39 cải cách). 

Hiện nay, tại TP.HCM, chỉ mất 22 ngày và 6,5% thu nhập đầu người để đăng ký thành lập doanh nghiệp mới, so với mức 61 ngày và 31,9% của năm 2003.

Chỉ số này đã phần nào minh chứng cho nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam. Theo con số thống kê không chính thức, khu vực này đóng góp 41% vào GDP và tuyển dụng 77% trong tổng số lao động trong năm 2016.

Tại Hội thảo “Hỗ trợ thương mại quốc tế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam tổ chức, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tham gia thương mại quốc tế còn thấp so với các nước trong khu vực.

“Mặc dù chiếm đa số, nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới chỉ đạt gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tham gia mạng lưới thương mại toàn cầu cũng thấp, chỉ khoảng 21%, trong khi con số này tại Malaysia là 46%. Đây là điểm yếu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Chính vì vậy, việc cung cấp sự hỗ trợ cần thiết để khối này phát triển hiệu quả và bền vững là rất cấp bách”, bà Hằng nói.

Một thông tin đáng chú ý được ông Phạm Hoàng Tiến, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (VCCI) cho biết: “Hiện chỉ có 14% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có khách hàng, đối tác là doanh nghiệp nước ngoài. Vẫn còn khoảng 65% doanh nghiệp gặp khó khi tiếp cận với các đối tác này”.

Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam và nhóm 5 nước Đông Nam Á và Nam Á chia sẻ, trong 2 thập kỷ qua, Việt Nam đã gặt hái được nhiều lợi ích từ việc mở rộng quan hệ giao thương và đầu tư. Trong quá trình đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng một vai trò quan trọng.

Việt Nam hiện đang tiếp tục mở rộng quan hệ thương mại với thế giới và các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn sẽ là phần cốt yếu trong tiến trình này. Đặc biệt, khối này sẽ đóng vai trò quyết định trong việc đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn nữa vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Tuy nhiên, cũng như tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam đang gặp nhiều thách thức như hạn chế trong tiếp cận vốn và tài trợ thương mại, thiếu dữ liệu và kênh bán hàng, thiếu kinh nghiệm giao dịch quốc tế...”, ông Sapru nói.

Theo ông Sapru, các chính sách hỗ trợ hiện tại vẫn mang tầm vĩ mô, chưa “gần” doanh nghiệp. Điều mà doanh nghiệp cần là các giải pháp cụ thể, thiết thực, sát với thực tế. Đặc biệt, khi thực hiện thương mại quốc tế, các doanh nghiệp cần đến những giải pháp thanh toán toàn diện, dịch vụ ngoại hối hiệu quả, an toàn...

Trên thực tế, nhiều ngân hàng đã vào cuộc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia thương mại quốc tế và được các tổ chức quốc tế vinh danh. Đơn cử, VIB vừa được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trao giải “Ngân hàng hàng đầu Việt Nam về tài trợ thương mại cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” dựa trên số lượng giao dịch thực hiện qua Chương trình Hỗ trợ thương mại quốc tế TFP (Trade Finance Program) trong thời gian từ 1/7/2016 đến 30/6/2017. Được biết, TFP cung cấp bảo lãnh và vay vốn cho các ngân hàng thành viên trên toàn thế giới trong các hoạt động tài trợ thương mại quốc tế.

Ông Lư Quốc Thiện, Giám đốc Khối Doanh nghiệp nhỏ và vừa (Standard Chartered Việt Nam) cho biết, nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam mở rộng quan hệ thương mại với thế giới, Standard Chartered Việt Nam đưa gia dịch vụ Ngân hàng trực tuyến Straight2Bank.

Với dịch vụ này, doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn trong hoạt động giao dịch ngoại hối. Đặc biệt, các doanh nghiệp được tiếp cận tỷ giá “động” thông qua ngân hàng điện tử, có thể đặt lệnh trực tiếp và được tư vấn qua điện thoại với các chuyên gia ngoại hối giàu kinh nghiệm...

Với bối cảnh hiện nay, nhiều đại diện doanh nghiệp cho rằng, bên cạnh sự hỗ trợ của hệ thống ngân hàng, nỗ lực mở rộng quan hệ thương mại của doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp liên quan như logistics, dịch vụ xuất nhập khẩu…

Tin bài liên quan