Tình hình tín dụng trong nửa đầu năm nay giống như trong năm 2010 và 2011, khi tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ ở mức cao hơn tăng trưởng tín dụng bằng VND. Cụ thể, năm 2010, trong khi tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đạt 48,5%, thì tăng trưởng tín dụng VND chỉ là 27,2%. Con số tương ứng của năm 2011 là 16,8% và 13,7%.
Vai trò của tín dụng ngoại tệ với tăng trưởng tín dụng đã tăng lên nhiều trong 6 tháng đầu năm 2014. Nếu như trong 2 năm 2010 - 2011, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đóng góp 25 - 29% vào tổng tăng trưởng tín dụng, thì con số này trong nửa đầu năm nay lên tới 51%.
Nguyên nhân chung của diễn biến trên là do chênh lệch lãi suất giữa VND và USD đã giảm mạnh, ở mức 8 - 9,5% trong giai đoạn 2010 - 2011 còn 5% từ đầu năm 2014 tới nay. Bên cạnh đó, tín dụng ngoại tệ tăng tốc còn nhờ những thay đổi trong chính sách quản lý của NHNN.
Năm 2010 là năm Thông tư 29/2005/TT-NHNN ngày 15/12/2009 bắt đầu có hiệu lực, theo đó, đối tượng được vay bằng ngoại tệ được mở rộng so với quy định trước đó trong Quyết định 09/2008/QĐ-NHNN ngày 10/4/2008. Theo đó, đối tượng vay được bổ sung thêm các khoản tín dụng để thực hiện đầu tư sản xuất hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu, nếu vay để sử dụng trong nước thì phải bán ngoại tệ vay cho tổ chức tín dụng cho vay. Ngoài ra, các trường hợp khác cũng có thể được cho vay ngoại tệ nếu có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Thống đốc NHNN.
Trong năm 2009, nhờ chương trình hỗ trợ lãi suất của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp có thể vay vốn VND với lãi suất thấp, chỉ 4 - 6%/năm, tương đương lãi suất cho vay bằng USD. Do đó, tổng tín dụng VND tăng trưởng ở mức cao kỷ lục 43,5% so với năm trước đó. Tuy nhiên, tín dụng ngoại tệ vẫn tăng 15,1% so với năm 2008. Năm 2010, khi chấm dứt hỗ trợ lãi suất, tín dụng ngoại tệ tăng mạnh và đạt mức 48,4% cho cả năm.
Thực tế đó đã góp phần làm tỷ giá tăng đột biến vào cuối năm 2010 và đầu năm 2011 do nhu cầu USD tăng mạnh khi những khoản vay đáo hạn. Từ năm 2010 đến quý I/2011, NHNN đã phải điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng 3 lần, tổng cộng tăng 5,3% trong năm 2010 và tăng tới 9,3% tính đến ngày 11/2/2011.
Trước đó, trong giai đoạn 2008 - 2009, mặc dù tín dụng ngoại tệ tăng ở mức thấp hơn tín dụng VND, song tăng trưởng tín dụng ngoại tệ luôn ở mức khá cao và tỷ giá cũng luôn chịu áp lực tăng do lạm phát cao trong nước.
Trong năm 2014, tình hình đã có nhiều thay đổi. Đối tượng được vay tín dụng ngoại tệ theo quy định tại Thông tư 29/2013/TT-NHNN ngày 6/12/2013 được mở rộng hơn so với quy định tại Thông tư 25/2009/TT-NHNN, bao gồm cả cho vay để nhập khẩu xăng dầu và đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.
Cùng với đó là quy định trần huy động lãi suất ngoại tệ, bắt đầu áp dụng với tổ chức kinh tế (trừ tổ chức tín dụng) từ ngày 11/2/2010 và bắt đầu áp dụng với cá nhân từ ngày 13/11/2011. Từ đó đến nay, trần lãi suất huy động ngoại tệ đã giảm về mức rất thấp: 0,25%/năm với tổ chức kinh tế và 1,25%/năm đối với cá nhân. Ngoài ra, NHNN còn nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc với tiền gửi bằng ngoại tệ, giảm lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ tại NHNN, yêu cầu các tổng công ty nhà nước phải bán ngoại tệ... Nhờ vậy, dòng vốn bằng ngoại tệ chuyển dịch dần từ kênh huy động - cho vay ra thị trường mua - bán.
Từ cuối năm 2011, NHNN cam kết không điều chỉnh tỷ giá chính thức quá 2 - 3% mỗi năm và tỷ giá được duy trì ổn định, tạo được niềm tin cho người dân vào giá trị của VND. Ngoài ra, việc quản lý ngoại hối cũng được thắt chặt hơn.
NHNN cũng quyết liệt kiểm soát cung tiền, phát hành nhiều tín phiếu NHNN để hút tiền về khi lượng ngoại tệ chảy vào Việt Nam ở mức cao, đảm bảo lượng cung tiền theo đúng mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ là tăng trưởng 16 - 18% trong năm nay.
Ngoài ra, trước đó, NHNN đã có nhiều biện pháp để kiểm soát và ổn định thị trường vàng, khiến thị trường này không còn là một trong những nguyên nhân gây ra những bất ổn cho tỷ giá.
Với những nỗ lực đó, năm nay, NHNN có thể tự tin bật đèn xanh cho tăng trưởng tín dụng ngoại tệ mà vẫn có thể kiểm soát tỷ giá.