“Giải cứu”… sẽ triệt tiêu kinh tế thị trường
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Việt Nam đang phát triển theo nền kinh tế thị trường. Do đó, theo nguyên tắc của thị trường, loại hình dịch vụ nào tốt hơn, hiện đại, chất lượng hơn và được người dân tin dùng, sẽ đáp ứng yêu cầu quy luật nền kinh tế thị trường.
Loại hình taxi công nghệ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân
Nhà nước không thể dùng các biện pháp hành chính để kìm hãm sự phát triển dịch vụ đó, vì sẽ triệt tiêu các thành phần của nền kinh tế thị trường. Tất cả các loại hình dịch vụ đều phải tuân theo khung quy định chung và phải phát triển, cạnh tranh một cách công bằng, lành mạnh trên mọi phương diện.
Theo ông Hiếu, Nhà nước đóng vai trò là cơ quan quản lý cao nhất với việc ban hành các quy định phù hợp với quá trình phát triển của nền kinh tế thị trường. Nhà nước sẽ không bảo hộ, hay “giải cứu” cho bất cứ một loại hình dịch vụ nào trong trường hợp nó phát triển không đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế đang hội nhập mạnh mẽ như Việt Nam. Nếu chất lượng dịch vụ kém, lạc hậu sẽ tự khắc bị đào thải, thay vào đó là dịch vụ công nghệ hoàn chỉnh hơn.
“Mỗi khi có một dịch vụ nào đó gặp khó khăn, hoạt động kém hiệu quả, lại cầu cứu và lại được “giải cứu”, là đi ngược lại với quy luật nền kinh tế thị trường, triệt tiêu sự phát triển. Tóm lại, nếu cứ dịch vụ nào tụt hậu lại đòi “giải cứu”, thì chúng ta sẽ lại trở về thời kỳ kinh tế bao cấp, kinh tế chỉ huy”, TS. Hiếu nêu quan điểm.
Cũng theo ông Hiếu, doanh nghiệp hoạt động phải tuân theo quy luật của thị trường, không thể ỉ lại Nhà nước mỗi lần thua lỗ. Bản thân doanh nghiệp phải không ngừng cải tiến và hoàn thiện dịch vụ, đáp ứng yêu cầu của quy luật phát triển, được người dân tin dùng.
Mỗi khi có một dịch vụ nào đó gặp khó khăn, hoạt động kém hiệu quả, lại cầu cứu và lại được “giải cứu”, là đi ngược lại với quy luật nền kinh tế thị trường, triệt tiêu sự phát triển.
Tương tự, TS. Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia về quy hoạch giao thông đô thị cho rằng, Việt Nam là thành viên của WTO, cũng như ký kết hàng loạt hiệp định thương mại đa phương và song phương, do vậy, phải tuân thủ các cam kết chung, theo đó, Nhà nước sẽ không bảo hộ cho bất cứ đơn vị, hay tổ chức kinh tế nào, mà phải dựa trên các quy định liên quan để phát triển, nhằm tạo sự minh bạch, công bằng trong cạnh tranh.
Ngành dịch vụ vận tải taxi cũng không nằm ngoài quy định này. Nên thay vì đổ lỗi cho sự xuất hiện của taxi công nghệ, taxi truyền thống không có cách nào khác ngoài đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đem lại sự hài lòng cho khách hàng.
“Thực chất trong kinh doanh, cạnh tranh giữa các mô hình, dịch vụ cũ và mới, người tiêu dùng sẽ quyết định chọn loại hình nào. Việc các dịch vụ mới tham gia vào thị trường, sẽ giúp doanh nghiệp phải tự hoàn thiện chất lượng, dịch vụ và đây chính là đòn bẩy giúp kinh tế phát triển và xã hội tiến lên phía trước”, ông Nam Sơn nói.
“Giải cứu” có vi phạm Luật Cạnh tranh?
Theo ông Hiếu, việc doanh nghiệp cứ thua lỗ lại kêu cứu Chính phủ với những lý do không chính đáng là biểu hiện vi phạm Luật Cạnh tranh, bởi khi đó, doanh nghiệp đã không chấp hành theo quy định Nhà nước và quy luật nền kinh tế thị trường ở khía cạnh phát triển lành mạnh, công bằng.
Cùng quan điểm trên, luật sư Thái Văn Chung, Giám đốc Hãng Luật Nguyên Giáp (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích, trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh là điều không tránh khỏi. Do đó, muốn tồn tại, các đơn vị vận tải truyền thống cần thay đổi cách quản lý, nếu không muốn nằm ngoài quy luật nền kinh tế thị trường. Còn cơ quan quản lý nhà nước cần đưa ra các chính sách phù hợp, tạo sự phát triển cho loại hình kinh doanh dịch vụ mới với nhiều tiện ích để người dân được hưởng lợi. Nếu dịch vụ mới giảm chi phí, giá thành và có lợi cho người tiêu dùng, cần phải khuyến khích phát triển.
Liên quan đến hoạt động của loại hình taxi công nghệ với tên gọi xe hợp đồng ứng dụng công nghệ, thực tế cho thấy, việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào hoạt động vận tải ngày càng phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân. Bộ GTVT đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan tiếp tục hướng dẫn triển khai công tác thí điểm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1850/TTg-KTN và Quyết định số 24/QĐ-BGTVT, đồng thời thực hiện theo đúng tinh thần của Chính phủ về triển khai cuộc cách mạng công nghệ 4.0.