Giá vàng thế giới thời gian gần đây chủ yếu theo xu hướng đi ngang. Ông đánh giá thế nào về cơ hội tăng giá trong những ngày tới?
Tôi cho rằng, từ nay đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ (3/11), giá vàng sẽ tiếp tục đi ngang quanh ngưỡng 1.900 USD/ounce, thậm chí còn có chiều hướng giảm nhẹ. Lý do bởi tâm lý của giới đầu cơ, đầu tư vàng cũng như các ngân hàng trung ương trên thế giới đều đang chờ đợi kết quả cuộc bầu cử của Mỹ để đưa ra các quyết định về chính sách tiền tệ.
Hiện gói kích cầu của Mỹ đã dừng lại để chờ ngày bầu cử và chưa có thông tin mới. Do đó, giá vàng sẽ khó có biến động mạnh.
Vậy theo ông, giá vàng sẽ diễn biến ra sao khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ kết thúc?
Tâm lý thị trường đang hướng về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ khiến giá vàng đi ngang trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, vàng sẽ có cơ hội bứt phá sau khi có kết quả bầu cử.
Giả sử, trong trường hợp ông Biden trúng cử thì gói cứu trợ 2.200 tỷ USD sẽ được thông qua. Lúc này, vàng sẽ tăng giá mạnh, bởi nếu Mỹ đưa ra gói cứu trợ lớn như vậy thì lạm phát sẽ tăng và vàng sẽ có cơ hội bứt phá.
Nếu ông Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ mới thì cũng sẽ có một gói cứu trợ khoảng 1.100 tỷ đồng được đưa ra. Tuy ở mức thấp hơn, nhưng lượng tiền này cũng đủ sức tác động tích cực lên giá vàng.
Mặt khác, các nguyên nhân tác động lên thị trường vàng vẫn hiện hữu, trong đó đáng kể nhất là đại dịch Covid-19. Sự gia tăng đột biến số các ca mắc mới tại Mỹ và châu Âu đã đè nặng lên tâm lý của giới đầu tư, nhất là khi số ca mắc mới chạm mức kỷ lục ở Mỹ. Còn tại châu Âu, Ý và Tây Ban Nha đã phải áp đặt các mức hạn chế đi lại mới để kiểm soát dịch bệnh. Tính đến hiện tại, số người chết vì dịch Covid-19 trên toàn thế giới đã lên đến 42 triệu người... Nói chung, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 vẫn sẽ là yếu tố tác động tới giá vàng thời gian tới.
Gần đây, nhiều ngân hàng trung ương cũng như quỹ đầu tư vàng trên thế giới liên tục bán ra để chốt lời. Ông đánh thế nào về động thái này?
Giá vàng có thể tái lập mức kỷ lục 2.078 USD/ounce xác lập vào ngày 7/8/2020. Bởi hiện nay, vàng đang giao dịch quanh ngưỡng 1.900-1.920 USD/ounce, nên việc tăng lên mức 2.000 USD/ounce sau bầu cử tổng thống Mỹ sẽ không khó.
Đã có khoảng 7,84 tấn vàng được bán ra trong thời gian gần đây, bao gồm 3,48 tấn của quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR và 4,36 tấn từ một số quỹ đầu tư khác. Theo tôi, động thái này là bình thường, vì có thể các quỹ đầu tư đã mua vàng ở vùng giá thấp trước đó, trong khi dự báo giá vàng có khả năng giảm trong thời gian từ nay đến ngày 3/11 nên tăng cường bán ra. Tuy nhiên, không chỉ bán ra, các quỹ này cũng đồng thời tìm cơ hội mua vào khi vàng xuống vùng giá thấp.
Còn với các ngân hàng trung ương trên thế giới, việc bán vàng là nhằm bù đắp những thiệt hại do Covid-19 gây ra, cứu trợ nền kinh tế của quốc gia mình và điều này cũng không có gì là bất thường. Theo mục tiêu chính sách tiền tệ của mỗi nước, ngân hàng trung ương của quốc gia đó có thể tăng hay giảm lãi suất, thì kèm theo đó là việc cân đối cung cầu ngoại hối, trong đó có vàng.
Hiện nay, tất cả các nước chứ không riêng gì Mỹ đang hướng về cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 3/11 tới để đưa ra quyết định chính sách tiền tệ và họ cũng có thể sẽ mua thêm vàng.
Theo như ông phân tích, vàng có cơ hội để bứt phá trong thời gian tới. Vậy kim loại quý này có thể tái lập mức đỉnh mọi thời đại vào tháng 8/2020?
Với các đánh giá đưa ra, giá vàng có thể tái lập mức kỷ lục 2.078 USD/ounce xác lập vào ngày 7/8/2020. Bởi hiện nay, vàng đang giao dịch quanh ngưỡng 1.900-1.920 USD/ounce, nên việc tăng lên mức 2.000 USD/ounce sau bầu cử tổng thống Mỹ sẽ không khó. Thậm chí, nhiều dự báo từ giới phân tích vàng trên thế giới còn cho rằng, mặt hàng kim loại quý này sẽ vượt mức 2.100 USD/ounce.
Các dự báo đưa ra, khả năng vàng sẽ tiếp tục đi lên trong 2 quý đầu năm 2021 khi dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn và Mỹ tiếp tục đưa ra gói kích cầu hỗ trợ nền kinh tế. Mặc dù một số quốc gia thông báo đã có vắc-xin phòng dịch, trong đó có Mỹ và Nga, nhưng để được thử nghiệm và phổ biến rộng rãi cho người dân cũng mất thời gian, trong khi số ca nhiễm có xu hướng tăng lên ở nhiều vùng, lãnh thổ trên thế giới. Do đó, kỳ vọng về một gói kích cầu hỗ trợ nền kinh tế sau bầu cử tổng thống Mỹ là điều có thể xảy ra. Một khi lượng tiền lớn được đưa ra thị trường sẽ tác động lên lạm phát và vàng được xem là hầm trú ẩn an toàn cho nhà đầu tư trong bối cảnh kinh tế suy thoái.
Từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng hơn 26% trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng và nhờ những chương trình kích thích kinh tế chưa từng có của các chính phủ, ngân hàng trung ương trên toàn thế giới nhằm hỗ trợ các nền kinh tế mau chóng hồi phục. Giá vàng sẽ khó có thể tăng mãi, nhưng theo tôi, vàng đứng ở mức 1.900 USD/ounce như vừa qua là để chờ cơ hội bứt phá trong thời gian tới.
Giá vàng trong nước vẫn luôn nương theo giá vàng thế giới, nhưng thị trường vàng trong nước lại không liên thông khi Việt Nam cấm xuất, nhập vàng. Với dự báo giá vàng sẽ tăng, theo ông, cơ hội rót vốn vào vàng lúc này là như thế nào?
Thông thường, giá vàng quốc tế tăng sẽ kéo giá vàng nội địa tăng theo. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, giá vàng trong nước không liên thông được với giá thế giới và luôn cao hơn trên dưới 3 triệu đồng/lượng. Thậm chí, có nhiều thời điểm giá vàng thế giới giảm mạnh, nhưng vàng trong nước vẫn cao hơn 4-5 triệu đồng/lượng.
Thêm vào đó, mức độ chênh lệch giá mua và bán được các nhà kinh doanh vàng giãn quá xa, lên đến 4,7 triệu đồng/lượng ở thời điểm vàng lập đỉnh 2.078 USD/ounce vào tháng 8/2020. Điều này khiến những người mua vàng nhỏ, lẻ và kể cả các nhà đầu tư trong nước thua thiệt, thậm chí ngay cả khi mua được vàng ở vùng giá thấp. Và tất nhiên, phần lợi thuộc về các nhà kinh doanh vàng.
Dẫu vậy, tâm lý của người dân châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn luôn xem vàng là tài sản tốt nhất để tích trữ, làm của để dành cho con cháu, nên cầu về vàng luôn tồn tại.
Còn với các nhà đầu tư vàng, nếu nhìn vào ở vùng giá 1.900 USD/ounce hiện nay, không ít người cho rằng, mặt bằng giá đã lên mức cao. Nhưng nếu sau bầu cử Tổng thống Mỹ, vàng vượt mức 2.000 USD/ounce như dự báo, nhưng người chốt lời sớm hoặc chưa mua vào ở vùng giá thấp sẽ tiếc rẻ.
Thực tế, lợi suất từ vàng đã tăng cao hơn các kênh đầu tư khác trong 9 tháng đầu năm nay, nhưng không vì thế mà dồn tất cả vào vàng. Để tránh rủi ro và kiếm được lợi nhuận, các nhà đầu tư nên có sự phân bổ vốn hợp lý vào các kênh đầu tư, tránh “bỏ hết trứng vào một giỏ”.