Ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê)
ADB dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay đạt 7,1%. Theo ông, dự báo này có thể trở thành hiện thực?
Kết thúc 3 tháng đầu năm, sau khi Tổng cục Thống kê công bố tốc độ tăng trưởng GDP quý I ước đạt 7,38% - mức tăng cao nhất của quý I trong 10 năm gần đây, với các thông tin, dữ liệu của mình, nhiều định chế tài chính đưa ra dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay cao hơn mục tiêu Quốc hội đặt ra là 6,5 - 6,7%. Trong đó, ADB dự báo tăng 7,1%, Ngân hàng Thế giới dự báo tăng 6,8%...
Tuy nhiên, từ tình hình thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư của khu vực dân doanh, thu hút đầu tư nước ngoài, giải ngân vốn đầu tư công…, tôi cho rằng, phải hết sức quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tháo gỡ mọi rào cản trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thì mới có thể đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 6,7%.
Tôi cũng muốn nói thêm rằng, cuối tháng 3/2018, Tổng cục Thống kê công bố tốc độ tăng trưởng GDP ước tính đạt 7,38%, nhưng mới đây, chúng tôi công bố con số là 7,45%, tức là cao hơn 0,07 điểm phần trăm so với công bố trước đó.
Đây không phải là sự điều chỉnh chủ quan, mà vì thời điểm công bố tốc độ tăng trưởng GDP quý I trước đó (ngày 29/3) chưa hết quý, nên chưa cập nhật hết số liệu thống kê.
GDP quý I tăng 7,45%, nên hoàn toàn có cơ sở tin rằng, GDP năm nay tăng cao hơn 6,7%, thậm chí có thể đạt 7,1% như dự báo của ADB?
Kinh tế tăng trưởng tạo điều kiện tăng thu ngân sách nhà nước, tạo thêm việc làm, có nguồn giải quyết an sinh xã hội, giảm nợ công…, nên ai cũng mong muốn kinh tế tăng trưởng cao hơn mục tiêu.
Nhưng thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xuất nhập khẩu, hoạt động thương mại, dịch vụ trong nước 6 tháng đầu năm cho thấy, năm nay, kinh tế chỉ tăng trưởng 6,7 - 6,8%.
GDP 6 tháng đầu năm tăng 7,08% - tốc độ tăng trưởng vô cùng ấn tượng kể từ năm 2011 trở lại đây. Tuy nhiên, khác với các năm trước, năm nay tốc độ tăng trưởng GDP vẫn được duy trì trong cả 4 quý, song không còn tuân theo quy luật quý sau cao hơn quý trước, thậm chí là ngược lại.
Theo tính toán của chúng tôi, năm nay, tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ vẫn tiếp tục đà tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, nhưng tốc độ tăng trưởng của khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp, xây dựng quý sau sẽ thấp hơn quý trước. T
ổng hợp lại, tốc độ tăng trưởng chung của cả nền kinh tế quý sau sẽ thấp hơn quý trước.
Điều này đã được dự báo từ trước và thực tế đã chứng minh, nếu tốc độ tăng trưởng quý I/2018 đạt 7,45% thì sang đến quý II giảm xuống chỉ còn tăng 6,79%, tức là giảm 0,66 điểm phần trăm so với quý I.
Nếu tốc độ tăng trưởng quý III so với quý II, quý IV so với quý III tương tự như quý II so với quý I, tức quý sau thấp hơn quý trước 0,66 điểm phần trăm, thì tình hình sẽ như thế nào, thưa ông?
Tốc độ tăng trưởng năm nay nhiều khả năng quý sau thấp hơn quý trước, nhưng chưa có yếu tố nào chứng tỏ rằng, quý sau thấp hơn quý trước 0,66 điểm phần trăm hoặc cao hơn.
Ngược lại, có nhiều yếu tố cho thấy, tốc độ tăng trưởng quý III và quý IV vẫn tiếp tục đà tăng trưởng cao, mặc dù có thấp hơn quý trước.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, cả 3 khu vực đều đạt tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng, như khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,93%; công nghiệp và xây dựng tăng 9,07%; khu vực dịch vụ tăng 6,90% - đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất 7 năm gần đây.
Trong 6 tháng cuối năm, tăng trưởng của khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp, xây dựng có khả năng thấp hơn 6 tháng đầu năm, nhưng lĩnh vực dịch vụ vẫn tiếp tục đà tăng trưởng cao hơn 6 tháng đầu năm.
Lĩnh vực dịch vụ đóng góp vào GDP chung 41,4%, nên khu vực này tăng trưởng cao sẽ dẫn dắt tốc độ cả nền kinh tế.
Thưa ông, còn những yếu tố nào để chứng tỏ tăng trưởng 6 tháng cuối năm tiếp tục cao và cả năm cán đích ở mức 6,7 - 6,8%?
Khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp tới 48,9% vào GDP, trong 6 tháng đầu năm tăng 9,07%.
Trong khu vực này, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực trong 6 tháng đầu năm tăng 11,9% - cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2017 (tăng 8,4%).
Trong 6 tháng cuối năm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tiếp tục đà tăng trưởng, bởi tỷ lệ tồn kho bình quân 6 tháng đầu năm 2018 là 63,4% - mức tồn kho thấp nhiều năm qua.
Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo dao động trong khoảng từ 63% đến 65% là mức tối ưu, vì tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, không để thị trường khan hiếm hàng hóa, dẫn đến lạm phát.
Tỷ lệ tồn kho trong 6 tháng đầu năm thấp đã chứng tỏ hoạt động sản xuất của khu vực chế biến, chế tạo rất hiệu quả, là tín hiệu để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất trong 6 tháng cuối năm, tạo đà cho ngành công nghiệp chủ lực này tăng trưởng cao trong thời gian còn lại của năm 2018.
Hai yếu tố nữa để tin rằng, GDP năm nay sẽ tăng trưởng 6,7-6,8% là Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) - chỉ số tổng hợp đo lường kết quả hoạt động của ngành sản xuất - tăng từ mức 52,7 điểm trong tháng 4 lên 53,9 điểm trong tháng 5; số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài trong tháng 5/2018 đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2011.