Ông nhìn nhận thế nào về vai trò của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam trong quá trình phát triển và trưởng thành của ngành công nghiệp thuốc lá Việt Nam?
Kể từ khi ra đời năm 1989 đến nay, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam luôn là một nhân tố tích cực trong việc tư vấn cho các cơ quan liên quan của Nhà nước trong việc thiết lập các chính sách và chiến lược phù hợp, nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành cũng như giải quyết những vấn đề nổi cộm, như thuốc lá lậu và thất thu ngân sách.
Trong suốt quá trình 25 năm hoạt động (1989 - 2014), các thành viên của Hiệp hội đã có những đóng góp tích cực, đáng kể vào ngân sách nhà nước, với mức tăng trung bình 20%/năm, cũng như mang đến cơ hội, việc làm cho xã hội. Hiện tại, các doanh nghiệp thuốc lá tạo ra hơn 22.000 việc làm thường xuyên cho lao động trong ngành công nghiệp thuốc lá và khoảng 300.000 việc làm trong lĩnh vực trồng thuốc lá, cung cấp phụ liệu; giúp hàng vạn hộ nông dân có việc làm ổn định ít nhất 4 tháng trong năm…
Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng luôn hỗ trợ các đơn vị hội viên giải quyết khó khăn, góp phần đưa hoạt động sản xuất - kinh doanh của toàn ngành ổn định, phát triển, phù hợp với quy định pháp luật của Nhà nước.
Cụ thể, từ những năm cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90, thế kỷ XX, khi hàng loạt các cơ sở sản xuất còn hoạt động phân tán, thì Hiệp hội đã là nơi tập hợp và gắn kết các doanh nghiệp trong toàn ngành. Từ 25 hội viên ban đầu, đến nay, Hiệp hội đã trở thành mái nhà chung của 54 hội viên, bao gồm các doanh nghiệp trong nước và có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Ngoài ra, với mục tiêu đẩy mạnh sản xuất và tăng trưởng cho ngành, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã không ngừng đầu tư và tham gia vào các quá trình nghiên cứu, cải tạo và nâng cấp thiết bị, máy móc để phục vụ cho các đơn vị trong ngành. Hơn thế, Hiệp hội còn chú trọng việc tăng cường hợp tác quốc tế thông qua việc thành lập các liên doanh sản xuất sợi và điếu thuốc lá với các tập đoàn thuốc lá quốc tế.
Qua 25 năm phát triển, giờ đây, ngành sản xuất thuốc lá đang bước vào một giai đoạn hoạt động mới, với nhiều khó khăn hơn, nhất trong tình trạng thuốc lá nhập lậu đang ngày một gia tăng. Đây có lẽ sẽ là một “cuộc chiến” lâu dài, thưa ông?
Thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả tràn lan trên thị trường nước ta là một vấn nạn. Hiệp hội đã coi đây là một cuộc chiến rất gay go và quyết liệt trong nhiều năm qua. Thuốc lá nhập lậu thường được vận chuyển chủ yếu qua khu vực biên giới Tây Nam và biên giới phía Đông Bắc; qua “tạm nhập, tái xuất” và nhiều hình thức khác đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất - kinh doanh của ngành, đến an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.
Nếu đầu năm 2000, có khoảng 400 triệu bao nhập lậu vào nước ta, thì đến năm 2013 đã là 850 triệu bao (chiếm 18-20% thị phần nội địa, làm thất thu khoảng từ 4.000 đến 4.300 tỷ đồng/năm cho ngân sách nhà nước).
Theo Tổ chức kinh tế Oxford Economics, năm 2012, thị phần thuốc lá lậu tại Việt Nam là 20%, làm thất thu cho ngân sách nhà nước 6.500 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm nay, ước có tới 450 triệu bao thuốc lá nhập lậu, trong đó thuốc lá Jet và Hero chiếm tới 90%, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Do tình hình thuốc lá lậu diễn biến rất phức tạp, các cơ quan quản lý Nhà nước phối hợp với Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã cố gắng tìm các biện pháp ngăn chặn. Toàn ngành đã rất nỗ lực chống thuốc lá nhập lậu bằng chính sản phẩm của mình, củng cố thị trường của từng đơn vị trong Hiệp hội, xây dựng thương hiệu có chất lượng cao, nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả, đồng thời cũng hỗ trợ kinh phí cho các lực lượng chức năng chống thuốc lá lậu.
Trước nhiều yếu tố đang tác động tiêu cực đến ngành thuốc lá, tới đây, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam sẽ có những giải pháp gì để giúp các doanh nghiệp trong ngành vượt qua tình hình khó khăn này?
Do đã nhìn thấy những vấn đề mà ngành đang gặp phải, nên Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã đưa ra một số giải pháp nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hội viên.
Cụ thể, tập trung chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ phổ thông sang sản phẩm trung, cao cấp, tất cả các doanh nghiệp trong Hiệp hội phải có sản phẩm trung cao cấp; giữ vững công tác xuất khẩu thuốc lá điếu và nguyên liệu thuốc lá; đẩy mạnh công tác xuất khẩu thuốc lá điếu và nguyên liệu thuốc lá; hỗ trợ tích cực về kinh phí cho các lực lượng chức năng chống thuốc lá bất hợp pháp.
Hiệp hội tiếp tục đề nghị với Chính phủ nâng mức hỗ trợ cho việc bắt giữ tiêu hủy thuốc lá lậu từ 1.100 đồng/bao (hiện hành) lên 3.500 đồng/bao.