Cầu Nhật Tân, dự án sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản đã đi vào hoạt động từ đầu năm 2015

Cầu Nhật Tân, dự án sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản đã đi vào hoạt động từ đầu năm 2015

Gần 1 tỷ USD ODA của Nhật Bản và cam kết của Việt Nam

Là nhà tài trợ song phương lớn nhất cho Việt Nam, Nhật Bản cam kết tiếp tục dành nguồn vốn ưu đãi cho Việt Nam, cố gắng duy trì con số cam kết ODA năm 2015 tương đương năm 2013.

Nhật Bản vừa chính thức dành cho Việt Nam khoản vốn vay ưu đãi trên 112,4 tỷ yên (khoảng 936 triệu USD) thuộc tài khóa 2014.

Thêm một lần nữa, khoản vốn này lại phần lớn được dành cho các dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của Việt Nam, như Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam (đoạn Bến Lức - Long Thành, 31,328 tỷ yên); Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1 và đường dây truyền tải (9,873 tỷ yên); Tín dụng ngành điện cho các lưới điện phân phối (29,786 tỷ yên); Dự án Xây dựng hệ thống cấp nước Nhơn Trạch giai đoạn II (14,910 tỷ yên) và Dự án Nâng cấp trường Đại học Cần Thơ (10,456 tỷ yên).

Ngoài ra, còn có hai dự án Thoát nước và xử lý nước thải TP. Hạ Long (1,061 tỷ yên) và Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu chu kỳ V (15 tỷ yên).

“Việt Nam đánh giá rất cao sự hỗ trợ ODA của Nhật Bản cho Việt Nam trong những năm qua. Vốn ODA của Nhật Bản đã góp phần vào xây dựng kết cấu hạ tầng của Việt Nam và đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định điều này. Bởi lẽ, kể từ năm 1992 - năm Nhật Bản nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam - đến nay, Nhật Bản đã tài trợ cho Việt Nam tổng cộng 2.500 tỷ yên, luôn giữ vững vị trí là nhà tài trợ song phương lớn nhất cho Việt Nam. Phần lớn (khoảng 70%) trong số vốn vay ưu đãi này được dành cho các dự án hạ tầng cơ sở, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn tại Việt Nam.

Một bằng chứng khá rõ ràng là, đầu tháng 1 năm nay, 3 công trình hạ tầng giao thông quy mô lớn đã đồng loạt được đưa vào vận hành, với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 2 tỷ USD. Đó là Nhà ga T2 Sân bay Nội Bài, cầu Nhật Tân và đường nối cầu Nhật Tân - Nội Bài, góp phần quan trọng tạo diện mạo mới cho cửa ngõ ra quốc tế của Hà Nội.

Sự hiện đại và quy mô của các dự án này khiến dư luận phải thừa nhận rằng, nếu không có ODA Nhật Bản, Việt Nam chưa thể đầu tư được các dự án như vậy. Chưa kể, còn hàng loạt dự án đã đi vào hoạt động trước đây, như cầu Cần Thơ, cầu Bãi Cháy, Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải, hay vẫn đang trong quá trình triển khai, như Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn tổ máy số 2…

Trong khi đó, theo kế hoạch, trong năm 2015, một số hạng mục của Dự án Đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện (Hải Phòng) cũng sẽ hoàn tất việc xây dựng. Dự án này khi hoàn thành (dự kiến vào năm 2017) sẽ cùng với cảng Lạch Huyện góp phần quan trọng phát triển hạ tầng cơ sở cho Hải Phòng.

“Có thể nói, đi khắp các vùng, miền ở Việt Nam, dù là miền Nam hay miền Bắc, miền xuôi hay miền ngược, thì mỗi cây cầu, mỗi con đường… đều có dấu ấn của ODA Nhật Bản”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Là nhà tài trợ song phương lớn nhất cho Việt Nam, song Nhật Bản vẫn cam kết tiếp tục dành nguồn vốn ưu đãi cho Việt Nam. Theo thông tin từ ông Mutsuya Mori, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Nhật Bản sẽ cố gắng duy trì con số cam kết ODA năm 2015 tương đương năm 2013.

Vị này, khi bình luận về hiệu quả của đồng vốn ODA của Nhật Bản cho Việt Nam, đã so sánh số tiền phải trả của Việt Nam khi sử dụng ODA và khi sử dụng vốn trái phiếu chính phủ để khẳng định: “Với Việt Nam, hiệu quả nhất vẫn là sử dụng vốn ODA từ Nhật Bản”.

Cụ thể, Dự án T2 Nội Bài - với tổng mức đầu tư 76,1 tỷ yên, trong đó vay vốn ODA 59,3 tỷ yên, áp dụng hình thức vốn vay ràng buộc (STEP) sử dụng tư vấn và nhà thầu Nhật Bản, Việt Nam phải hoàn trả tổng cộng 60,8 tỷ yên. Nhưng nếu khoản vay 59,3 tỷ yên này là trái phiếu chính phủ với thời hạn hoàn trả 30 năm, lãi suất 5%/năm, Chính phủ sẽ phải trả tổng số tiền lên tới 135,5 tỷ yên. Tương tự, con số được nhắc đến ở Dự án Cầu Nhật Tân là 55,6 tỷ yên và 135,5 tỷ yên.

Dù là vốn vay ưu đãi, song ODA vẫn là khoản nợ vay, chứ không phải cho không. Vì thế, thông điệp từ Chính phủ Việt Nam trong hơn 20 năm qua vẫn là phải làm sao sử dụng hiệu quả từng đồng vốn ODA. Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Hiroshi Fukada cho rằng, để tiếp tục tiến hành thực hiện những dự án viện trợ ODA của Nhật Bản một cách hiệu quả, Việt Nam và Nhật Bản cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa không chỉ trong vốn vay, mà trong cả quá trình thực hiện các dự án, như chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực…

Hiện tại, nguồn vốn vay ưu đãi của Nhật Bản cũng bắt đầu được sử dụng như một khoản “vốn mồi” để thu hút các nhà đầu tư tư nhân Nhật Bản tham gia các dự án PPP tại Việt Nam. Cùng với đó, hai bên cũng đang nỗ lực để thúc đẩy giải ngân vốn ODA mà Nhật Bản dành cho Việt Nam.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi mới đây, nhiều dự án sử dụng vốn ODA Nhật Bản vẫn nằm trong “danh sách đen” các dự án chậm tiến độ. Chẳng hạn, Dự án Xây dựng đường sắt đô thị TP. Hà Nội tuyến số 1; Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc… Nếu các dự án này được đẩy nhanh tiến độ và đi vào hoạt động, hiệu quả đồng vốn ODA Nhật Bản dành cho Việt Nam sẽ còn lớn hơn nữa.

Tin bài liên quan