G7 tuyên bố ngừng tài trợ nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài vào cuối năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Sáu (27/5), nhóm 7 quốc gia công nghiệp phát triển (G7) đã cam kết chấm dứt tài trợ công cho các dự án nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài vào cuối năm nay để giúp chống lại sự nóng lên toàn cầu.
G7 tuyên bố ngừng tài trợ nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài vào cuối năm 2022

Các bộ trưởng năng lượng và khí hậu G7 cho biết trong một tuyên bố chung sau cuộc hội đàm tại Berlin: “Chúng tôi cam kết chấm dứt hỗ trợ trực tiếp đối với lĩnh vực năng lượng nhiên liệu hóa thạch trên thế giới vào cuối năm 2022”.

Trước đó, việc chấm dứt trợ cấp cho lĩnh vực năng lượng nhiên liệu hóa thạch quốc tế đã nằm trong một loạt cam kết được khoảng 20 quốc gia đồng ý tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 năm ngoái ở Glasgow.

Sáu trong số các quốc gia G7 nằm trong số các bên ký kết vào thời điểm đó bao gồm Anh, Canada, Đức, Pháp, Ý và Mỹ, nhưng Nhật Bản đã từ chối cho đến nay.

Alden Meyer, cộng sự cấp cao của Tổ chức tư vấn chính sách khí hậu E3G cho biết: “Thật tốt khi Nhật Bản, nhà tài chính lớn nhất thế giới về nhiên liệu hóa thạch, đã cùng với các nước G7 khác thực hiện cam kết chung về chấm dứt tài trợ nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài”.

Cam kết hôm thứ Sáu (27/5) vẫn cho phép một số ngoại lệ "có giới hạn" đối với việc tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch miễn là chúng phù hợp với hiệp định khí hậu Paris năm 2015 để kiềm chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Nhưng các quốc gia muốn làm như vậy sẽ phải đối mặt với "một rào cản rất khó giải quyết".

Tại cuộc hội đàm G7, các bộ trưởng cũng cam kết chấm dứt phần lớn việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong lĩnh vực điện vào năm 2035, bất chấp những căng thẳng nặng nề trên thị trường năng lượng.

“Chúng tôi cam kết đạt được mục tiêu ngành điện được khử cacbon vào năm 2035”, các quốc gia G7 cho biết.

Để đạt được điều này, các quốc gia thành viên cam kết sẽ tăng cường "các công nghệ và chính sách cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch" và đẩy nhanh quá trình loại bỏ than đá.

Cam kết này đã được các nhà vận động bảo vệ môi trường hoan nghênh vào thời điểm mà căng thẳng ở Ukraine đã khiến giá năng lượng tăng vọt và các nước phương Tây đang cố gắng loại bỏ hàng nhập khẩu của Nga.

David Ryfisch, chuyên gia về chính sách khí hậu của tổ chức phi lợi nhuận Germanwatch cho biết: "Trong một tình hình địa chính trị rất khó khăn, G7 sẽ thống nhất với nhau để chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2035 trong lĩnh vực năng lượng. Đây là một tiến bộ đáng kể".

Phát biểu tại cuộc hội đàm, Bộ trưởng Năng lượng Đức Robert Habeck hoan nghênh các cam kết mà các nước G7 đưa ra, đồng thời cho biết họ đã gửi đi một "tín hiệu mạnh mẽ về việc bảo vệ khí hậu nhiều hơn".

Cùng với cam kết ngừng cấp vốn cho các dự án nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài vào cuối năm nay, ông Habeck nhấn mạnh thỏa thuận của G7 về việc loại bỏ tất cả "các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả" vào năm 2025.

“Việc chúng ta thưởng cho hành vi gây hại cho khí hậu, thông qua trợ cấp trực tiếp hoặc thông qua ưu đãi thuế là vô lý và sự vô lý này phải dừng lại”, ông cho biết.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), để duy trì mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, tất cả các khoản tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch mới phải được dừng lại ngay lập tức.

Nhóm vận động Oil Change International đã tính toán rằng từ năm 2018 đến năm 2020, chỉ riêng các nước G20 đã cung cấp 188 tỷ USD tài chính cho các dự án dầu, than và khí ở nước ngoài.

Tin bài liên quan