Tại hội nghị diễn ra trong hai ngày 19-20/3 ở Buenos Aires (Argentina), các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTW của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đại diện cho 75% thương mại thế giới và 85% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, đã thảo luận về sự gián đoạn thương mại như là một nguy cơ tăng trưởng.
Nhưng sau những cuộc đàm phán được mô tả bởi những người tham gia là “lịch sự” và chủ yếu bao gồm các tuyên bố đã được đọc trước mà không có tranh luận, G20 đồng ý với tuyên bố mơ hồ về thương mại từ năm 2017 và “thừa nhận” cần “đối thoại và hành động” nhiều hơn nữa.
“Chúng tôi khẳng định lại những kết luận của các nhà lãnh đạo của chúng tôi về thương mại tại Hội nghị Thượng đỉnh Hamburg và nhận thấy sự cần thiết phải tiếp tục đối thoại và hành động nhiều hơn nữa.
Chúng tôi sẽ làm việc để tăng cường đóng góp của thương mại vào nền kinh tế của chúng tôi”, theo tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20.
Tuy nhiên, tuyên bố không làm được gì nhiều để xua tan nỗi lo về cuộc chiến thương mại toàn cầu khi mà các mức thuế nhập khẩu 25% đối với thép và 10% đối với nhôm của Mỹ sẽ có hiệu lực vào thứ Sáu.
Trong khi đó, theo các nguồn tin Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ công bố mức thuế đối với 60 tỷ USD các sản phẩm công nghệ và công nghệ viễn thông của Trung Quốc vào thứ Sáu.
Tuy nhiên tuyên bố chung cũng nói rằng các nhà lãnh đạo G20 “thừa nhận vai trò của các công cụ phòng vệ hợp pháp”, một sự mơ hồ mà phía Mỹ có thể sử dụng để biện minh cho các hàng rào thuế quan của mình.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng đã nói rõ rằng hành động áp thuế nhập khẩu của Mỹ là một biện pháp phòng vệ hợp pháp. “Chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng để hành động trong khuôn khổ lợi ích của Mỹ, một lần nữa, để bảo vệ thương mại tự do và công bằng, đôi bên cùng có lợi” ông nói tại buổi họp báo sau Hội nghị; đồng thời nói thêm rằng, luôn có nguy cơ bị những người khác đáp trả.
“Có nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại, tổng thống nói rằng chúng tôi không sợ rơi vào một cuộc chiến tranh thương mại, với quy mô thị trường, quy mô nền kinh tế của chúng tôi và thực tế là chúng tôi đang có thâm hụt thương mại lớn”, Mnuchin nói.
“Về vấn đề (thuế nhập khẩu) thép và nhôm, đây là kết quả của những thực tiễn thương mại không công bằng và đó là lý do tại sao chúng tôi đã đáp trả theo cách đó”.
Bộ trưởng Tài chính Canada Bill Morneau, so sánh Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 này với cuộc họp ở Đức vào năm ngoái khi Mnuchin yêu cầu “viết lại” một ngôn ngữ thương mại vốn đã thông dụng trong nhiều năm, cho biết phần còn lại của thế giới bây giờ đã cảm nhận tốt hơn đối với quan điểm của Mỹ về việc các quy tắc thương mại nên được làm lại.
“Không có sự đồng thuận, tất cả mọi người trong Hội nghị không có cùng quan điểm, nhưng có một sự hiểu biết sâu hơn về những gì họ đang cố gắng đạt được”, Morneau nói.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu, đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, hiện cũng muốn được miễn thuế nhập khẩu kim loại như Canada và Mexico, nhưng cho đến nay vẫn chưa có chút kết quả nào.
Do đó, EU đang chuẩn bị các biểu thuế trả đũa đối với các sản phẩm của Mỹ, từ Bourbon và quần Jeans đến xe máy Harley-Davidson.
Các quan chức châu Âu cho biết, chiến tranh thương mại sẽ chỉ tạo ra những kẻ thua cuộc và G20 được thống nhất ủng hộ “chủ nghĩa đa phương” – một thuật ngữ của G20 để giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán trong Tổ chức Thương mại Thế giới.
“Tất cả chúng ta đều đồng ý chiến tranh thương mại là một trò chơi tiêu cực”, Thống đốc NHTW Ý Ignazio Visco nói với các phóng viên bên lề cuộc họp. “Về nguyên tắc, không có bất kỳ một tiếng nói nào chống lại chủ nghĩa đa phương”.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cũng nhấn mạnh rằng châu Âu kỳ vọng sẽ được miễn trữ thuế nhập khẩu kim loại của Mỹ mà không có bất kỳ điều kiện nào, đồng thời cảnh báo rằng các biện pháp bảo hộ sẽ làm tổn thương tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
“Điều tối quan trọng là tránh bất kỳ sự lựa chọn đơn phương nào có thể gây nguy hiểm cho sự tăng trưởng của chúng ta. Các điều kiện thương mại không lành mạnh, chủ nghĩa bảo hộ có thể gây nguy hiểm cho sự phục hồi kinh tế trên toàn thế giới”, ông nói.
Mnuchin nói rằng ông đã có những cuộc đối thoại trực tiếp với các đối tác ở Trung Quốc và ông mong muốn làm việc với ông Liu He - Phó Thủ tướng mới được bổ nhiệm của Trung Quốc - để tiếp cận thị trường Trung Quốc tốt hơn.
“Tôi nghĩ rằng có một cái nhìn chung trong G20, đó là chúng tôi muốn nhìn thấy Trung Quốc mở cửa thị trường của họ để chúng tôi có thể tham gia vào thị trường của họ theo cách họ tham gia vào chúng ta trong một mối quan hệ... đối ứng”, Mnuchin nói.
G20 cũng kêu gọi tiếp tục theo dõi trên bình diện quốc tế về tiền ảo như bitcoin, và những rủi ro mà chúng có thể gây ra.
Tuyên bố chung cho biết, các tài sản ảo đặt ra yêu cầu ngày càng tăng vấn đề bảo vệ người tiêu dùng và nhà đầu tư, sự toàn vẹn của thị trường, chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố.