FPT không phát triển tràn lan

FPT không phát triển tràn lan

(ĐTCK-online) Tại hội nghị các nhà đầu tư vừa tổ chức tại TP. HCM, lãnh đạo Tập đoàn FPT khẳng định, năng lực cốt lõi của FPT là công nghệ thông tin và viễn thông, nhưng chiến lược của FPT vẫn là mở rộng sang các lĩnh vực mới như: tài chính ngân hàng, bất động sản, giáo dục, bán lẻ các dịch vụ trực tuyến. Vậy chiến lược phát triển này có gì mâu thuẫn với năng lực cạnh tranh cốt lõi như nhiều người nghi ngờ. ĐTCK-online đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Minh Châu (ảnh), Phó tổng giám đốc Tập đoàn FPT về vấn đề này.

Thưa ông, kinh nghiệm ở các nước cho thấy, một doanh nghiệp mở rộng lĩnh vực kinh doanh quá xa năng lực cạnh tranh cốt lõi của mình sẽ gặp nhiều rủi ro. Ông nói sao khi nhiều nhà đầu tư cho rằng, FPT đã mắc phải điều này?

Khi xây dựng chiến lược phát triển Tập đoàn FPT, chúng tôi đã học hỏi kinh nghiệm từ mô hình doanh nghiệp nhiều nước khác nhau. Ở đây, cần nhấn mạnh là FPT không phát triển tràn lan. Mỗi công ty có định hướng phát triển khác nhau, có công ty lấy công nghệ, sản phẩm hay khách hàng làm định hướng phát triển. Chiến lược của FPT là định hướng vào khách hàng công dân điện tử (e-citizents). FPT phục vụ những người sử dụng máy tính, điện thoại di động để kết nối làm việc. Chúng tôi tập trung vào khách hàng chứ không tập trung vào một công nghệ. Đấy là một kiểu tập trung. Ví dụ, các tiểu thương không sử dụng internet thì không thể là khách hàng của Ngân hàng FPT. Những người có máy tính, điện thoại kết nối internet rất dễ dàng trở thành khách hàng của FPT bởi ở đâu họ cũng có thể giao dịch.

Trong đầu tư bất động sản, không phải vì FPT thấy doanh nghiệp khác đầu tư có lời mà nhảy vào, mà vì FPT thấy chưa công ty nào hướng tới đầu tư các toà nhà điện tử, toà nhà thông minh, đô thị hiện đại mà ở đâu cũng có thể kết nối, ở đâu cũng có e-bank, dịch vụ điện tử, các giao dịch được cá nhân hoá, điện tử hoá… Như vậy, hướng mở rộng của FPT không tràn lan mà là để phục vụ một đối tượng khách hàng là e-citizents.

 

Việc cho các công ty mà FPT không chiếm cổ phần chi phối sử dụng thương hiệu FPT miễn phí có phải là quyết định hợp lý không, thưa ông?

Những nghi vấn của công luận về vấn đề thành lập công ty con của FPT là đúng, vì FPT đã giải thích không đầy đủ về chiến lược phát triển của mình. Tại sao trong những công ty mà FPT tham gia vốn chỉ từ 10 - 15% lại được sử dụng thương hiệu FPT. Thương hiệu FPT có bị sử dụng vụ lợi không? Câu hỏi này rất tự nhiên và lỗi của chúng tôi là đã không giải thích đầy đủ. Khi FPT quyết định tham gia vào một lĩnh vực nào thì ĐHCĐ và HĐQT quyết định tham gia bao nhiêu vốn là đủ. Sau khi FPT thành lập CTCK FPT, chúng tôi chiếm tỷ lệ vốn góp lớn nhất nên được quyền đặt tên cho công ty này. Chúng tôi nghĩ rằng, khi đặt tên CTCK FPT vừa có lợi cho CTCK, vừa có lợi cho FPT, vì FPT mới chỉ là thương hiệu tốt trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, còn trong lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, FPT là thương hiệu mới. Khi những công ty này hoạt động tốt trong lĩnh vực mới thì nó giúp mở rộng thương hiệu của FPT trong những lĩnh vực này. Vì vậy, đặt tên CTCK FPT hay Ngân hàng FPT là có lợi cho FPT.

Trong tương lai, chúng tôi sẽ làm một số việc cụ thể để giải thích cho nhà đầu tư như: khi tham gia lĩnh vực mới cần thông báo rộng rãi, tỷ lệ tham gia của Tập đoàn cũng như của uỷ viên HĐQT; nếu FPT được quyền đặt tên thì sẽ tham khảo ý kiến cổ đông, nếu thấy mạo hiểm thì không đặt tên, nếu thương hiệu có tác động tốt cho công ty mới thành lập thì có hợp đồng sử dụng thương hiệu, dù chỉ là tượng trưng nhưng cũng có thể là định giá thực sự. Điều đó cho thấy, chúng tôi tính toán vấn đề sử dụng thương hiệu chứ không phải tuỳ tiện.

 

Cuối cùng, ông có thể cho biết, sự khác biệt cơ bản giữa FPT phiên bản 1.0 và FPT phiên bản 2.0 mà FPT sẽ bắt đầu xây dựng từ đầu năm 2008, nhắm đến mục tiêu năm 2010 sẽ có một FPT hoàn toàn khác biệt với 22.000 nhân viên và doanh số 2,035 tỷ USD?

Sự khác biệt đó là chỉ có một cổng FPT và nó rất phẳng. Với FPT phiên bản 1.0, khách hàng của Internet không phải là khách hàng của máy tính, điện thoại, hay các mảng kinh doanh khác. Về phía Công ty, FPT 1.0 không thể phục vụ khách hàng một cách tốt nhất bằng các năng lực của mình vì các năng lực bị chia rẽ. Các phản hồi của khách hàng cũng không đến được các mảng dịch vụ của FPT để hệ thống FPT nhận thức được phải phục vụ khách hàng như thế nào.

FPT phiên bản 2.0 sẽ có một hệ thống liên thông trong nội bộ FPT để tạo ra cửa duy nhất, đồng thời liên thông một khách hàng với tất cả dịch vụ của FPT, dù họ chỉ sử dụng một dịch vụ của FPT. Họ không hài lòng bất kỳ dịch vụ nào thì toàn bộ FPT biết được sự không hài lòng của họ, hay nhu cầu của họ. Đối với FPT, sự kết nối sẽ mang lại những giá trị theo cấp số nhân, bởi hàng nghìn khách hàng mua máy tính của FPT mà chưa sử dụng dịch vụ ADSL của FPT. FPT phiên bản 2.0 kết nối hệ thống khách hàng và dịch vụ của FPT sẽ mang lại hiệu quả vượt trội.