Siêu dự án FDI hàng chục tỷ USD
Năm 2008, Tập đoàn Formosa (Đài Loan, Trung Quốc) công bố việc rót vốn đầu tư dự án tại Khu kinh tế Vũng Áng thông qua việc thành một công ty con - Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa (FHS – Formosa Hà Tĩnh).
Với mô hình sản xuất - xuất khẩu liên hợp, dự án được lên kế hoạch với tổng đầu tư 28,5 tỷ USD (giai đoạn I trên 10,5 tỷ USD) trên diện tích hơn 3.300 ha, bao gồm cả diện tích mặt biển (cảng Sơn Dương), thời gian thuê đất là 70 năm. Khi hoàn thành, công trình dự kiến tạo việc làm cho trên 35.000 lao động.
Dự án tại Hà Tĩnh tập trung vào các hạng mục như nhà máy luyện gang thép, cảng nước sâu có năng lực cập tàu 30.000 tấn, nhà máy nhiệt điện công suất 2.100 MW… Trong đó, riêng quy mô nhà máy thép giai đoạn một đạt trên 7 triệu tấn phôi thép một năm.
Lý do được Formosa đưa ra khi chọn Vũng Áng là vì cảng nước sâu Sơn Dương phù hợp cho mô hình tổ hợp công nghiệp và tỷ suất đầu tư tại đây cũng rẻ hơn nhiều so với các địa điểm khác. Ban đầu Formosa Hà Tĩnh do 9 cổ đông góp vốn, trong đó có 7 cổ đông là các đơn vị thành viên của Formosa Group, nắm gần 95% cổ phần. Ở thời điểm đó và cho tới nay, đây là dự án gang thép, nhiệt điện có vốn đầu tư nước ngoài “khủng” nhất cả nước.
Trước khi tới Hà Tĩnh, tên tuổi của Formosa đã được biết tới tại Việt Nam với nhiều công ty lớn, đáng kể nhất là Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa (Formosa Đồng Nai) thành lập năm 2001. Công ty này đã thuê gần hết diện tích 300ha của khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (Đồng Nai) để đầu tư dự án khu liên hợp nhà máy sản xuất sợi, nhuộm, hạt nhựa và nhiệt điện.
Thời điểm đầu những năm 2000, đây là dự án liên hợp đình đám và gây chú ý bởi số vốn mà “ông chủ” người Đài Loan đã rót vào gần một tỷ USD. Năm 2014, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Formosa Đồng Nai đạt lần lượt là 17.400 tỷ và 13.300 tỷ đồng. Cùng năm, công ty này cũng đạt doanh thu hơn 17.100 tỷ đồng.
Cái tên Formosa tại Việt Nam được biết và nhắc tới nhiều trong lĩnh vực gang thép, nhiệt điện song lĩnh vực chính của tập đoàn này lại là sản xuất nhựa. Doanh nghiệp này do 2 anh em ông Vương Vĩnh Khánh, Vương Vĩnh Tại khởi nghiệp năm 1954 tại Đài Bắc, nhanh chóng phát triển và trở thành một trong những nhà sản xuất nhựa lớn nhất châu Á. Tập đoàn Formosa (Formosa Plastic Group - FPG) được thành lập sau đó ít lâu, nhanh chóng mở rộng quy mô vốn, sản xuất và đầu tư sang nhiều lĩnh vực khác ngoài ngành nghề kinh doanh chính như thép, điện, chất bán dẫn… trở thành tập đoàn có tiếng tại Đài Loan và khu vực châu Á, với mạng lưới hàng trăm công ty con.
Nổi tiếng nhất trong hệ thống của FPG phải kể tới 4 công ty: Formosa Plastics Corp, Nan Ya Plastics (sản xuất nhựa), Formosa Petrochemical (hóa dầu) và Formosa Chemicals & Fibre (sợi nhựa, vải) với doanh thu hàng năm lên tới hàng trăm triệu USD. Năm 2015 cả 4 công ty con này của FPG đều được Tạp chí Forbes ghi danh trong Top 1.000 công ty đại chúng lớn nhất thế giới, với giá trị vốn hoá trên thị trường lên tới 70 tỷ USD.
Những ưu đãi trong mơ và yêu cầu chưa có tiền lệ
Do có quy mô đầu tư lớn nên khi Formosa có ý định đầu tư siêu dự án tại Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh đã sớm “gật đầu”. Tỉnh này còn đưa ra nhiều ưu đãi về hạ tầng kỹ thuật, thuế… để “trải thảm đỏ” đón nhà đầu tư ngoại này. Để có đất sạch cho tập đoàn Đài Loan triển khai xây dựng dự án liên hợp gang – thép, Hà Tĩnh đã phải thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng gần 2.000 ha đất với gần 3.000 hộ dân thuộc 9 xã vùng huyện Nam Kỳ Anh.
Về thuế, FHS được hưởng hàng loạt ưu đãi với thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, thuế thuê đất và sử dụng đất… FHS được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm kể từ khi dự án bắt đầu hoạt động kinh doanh. Trong quá trình sản xuất, sau khi quyết toán với cơ quan thuế mà bị lỗ, doanh nghiệp được chuyển khoản lỗ sang những năm sau để trừ vào thu nhập chịu thuế. Thời gian chuyển lỗ không quá 5 năm.
Dự án đến nay chưa thể đi vào vận hành chính thức, song đã gây ra bê bối lớn về môi trường.
Công ty đồng thời cũng được miễn thuế nhập khẩu trong 5 năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất đối với nguyên liệu sản xuất, vật tư, linh kiện và bán thành phẩm phải nhập khẩu do trong nước chưa sản xuất được.
Dự án đầu tư của FHS tại Vũng Áng được xét là dự án xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ chung nên không phải nộp tiền thuê đất hoặc tiền sử dụng đất; miễn tiền thuê đất, sử dụng đất đối với đất xây dựng nhà chung cư cho công nhân, người lao động; miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất 11 năm hoặc 15 năm tùy theo dự án. Thời gian cho thuê đất tối đa là 70 năm. Diện tích cho thuê theo nhu cầu thực tế của dự án. Ngoài ra, FHS cũng được hưởng những chính sách hỗ trợ tối đa của tỉnh Hà Tĩnh về đảm bảo nguồn lao động, chỗ ở cho người lao động… đối với dự án khu liên hợp gang – thép, cảng nước sâu tại Khu kinh tế Vũng Áng.
Có vẻ như với FHS, những siêu ưu đãi nhận được vẫn chưa đủ nên năm 2014, doanh nghiệp này đã có kiến nghị gửi lên Chính phủ về việc thành lập Đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng. Với đặc khu này, Formosa đề xuất một loạt biện pháp ưu đãi như được Chính phủ thiết lập cơ chế bảo hộ ngành thép, ưu đãi cân đối ngoại tệ trong phạm vi hạng mục kinh doanh, được vay vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài, được miễn thu thuế khấu trừ tại nguồn; miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu... Tuy nhiên, ở thời điểm đó đề xuất này của Formosa đã bị bác bỏ vì không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.
Bê bối "để đời"
Đã gần 6 năm trôi qua kể từ khi dự án của FHS tại Vũng Áng, Hà Tĩnh được triển khai xây dựng, nhưng tới giờ dự án này chưa thể đưa vào hoạt động khai thác chính thức hạng mục nào.
Năm 2014, công trình này từng gây nhiều nghi ngại với việc sử dụng hơn 3.000 lao động "chui" người Trung Quốc. Khi cơ quan chức năng kiểm tra, Khu kinh tế Vũng Áng có 6.121 lao động nước ngoài nhưng số lao động được cấp phép chỉ có 3.261 người. Trong số đó, chỉ có 1.400 trên tổng số 4.154 lao động người Trung Quốc được cấp phép.
Kế đến là vụ sập giàn giáo công trường đúc bê tông thùng chìm, dự án đê chắn sóng cảng Sơn Dương hồi tháng 3/2015 làm 13 người chết, 29 người bị thương. Chính quyền Hà Tĩnh sau đó đã có những động thái tích cực, kịp thời hỗ trợ gia đình người bị nạn; vào cuộc điều tra, khởi tố người gây ra tai nạn dẫn tới hậu quả đau lòng.
Hơn một năm sau sự cố sập giàn giáo đau lòng, đầu tháng 6/2016, cái tên Formosa lại được dư luận nhắc tới và vừa phải nhận trách nhiệm vì việc xả thải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, khiến hải sản chết hàng loạt ở biển miền Trung thời gian qua. Tới 25/4, 60 tấn cá chết dạt lên bờ, chủ yếu là cá sống ở tầng đáy.
Sau sự việc này, lãnh đạo Formosa đã phải công khai xin lỗi Chính phủ, người dân Việt Nam vì để xảy ra sự cố nêu trên, thực hiện bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân, bồi thường xử lý môi trường biển với số tiền 11.500 tỷ đồng (tương đương 500 triệu USD). Doanh nghiệp cũng phải khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, đảm bảo xử lý triệt để chất thải độc trước khi thải ra môi trường, không để tái diễn sự cố môi trường như vừa qua.
Trước đó, theo dự kiến ngày 25/6 nhà máy thép (lò cao số 1) của FHS tại Vũng Áng, Hà Tĩnh được khánh thành, nhưng sau sự cố nêu trên, lãnh đạo FHS đã thông báo hoãn và chưa xác định thời gian sẽ chính thức đưa nhà máy này đi vào hoạt động…