FLC: Kỳ vọng bước nhảy vọt từ chuyển sàn

FLC: Kỳ vọng bước nhảy vọt từ chuyển sàn

(ĐTCK) Vẫn đang hoạt động ổn định, chia cổ tức đầy đủ và duy trì đà tăng trưởng, nhưng cổ phiếu FLC của CTCP Tập đoàn FLC lại được định giá thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung.

Việc chuyển sàn niêm yết đang được kỳ vọng sẽ cung cấp thêm thông tin cho công chúng, tạo ra một sự thay đổi trong nhận thức NĐT, từ đó mang lại một bước nhảy vọt mới cho cổ phiếu FLC.

Định giá dưới mặt bằng chung

Theo Bản cáo bạch niêm yết cổ phiếu FLC do CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) làm tư vấn, đến cuối năm 2012, giá trị sổ sách (đã kiểm toán) của cổ phiếu FLC là xấp xỉ 15.000 đồng/cổ phiếu. So sánh với mức giá giao dịch bình quân phổ biến từ đầu năm 2013 là trên 7.000 đồng/cổ phiếu, thời kỳ cao điểm là trên 8.000 đồng/cổ phiếu, thì chỉ số P/B (thị giá trên giá trị sổ sách) của cổ phiếu FLC dao động quanh ngưỡng 0,5 lần. Đặc biệt, nếu so sánh với mức giá hiện tại, chưa tới 6.000 đồng/cổ phiếu, hệ số P/B chỉ xấp xỉ 0,38 lần.

Đây là mức định giá thấp so với mặt bằng chung hai sàn niêm yết hiện nay. Giai đoạn khó khăn nhất của TTCK, chỉ số P/B bình quân trên HOSE là 1,3 lần, của HNX là 0,7 lần. Chỉ số P/E (giá trên thu nhập trên mỗi cổ phần) tính đến thời điểm quý I/2013 của FLC cũng chỉ ở mức 12,59 lần, thấp hơn so với P/E bình quân của cả HOSE và HNX (xem bảng 1).

Trên thực tế, tình trạng giao dịch dưới mức định giá chung của cổ phiếu không chỉ xảy ra với FLC, mà còn ở nhiều mã chứng khoán khác. Nguyên nhân của tình trạng trên một phần đến từ việc diễn biến không mấy tích cực của TTCK trong giai đoạn vừa qua, một phần khác đến từ tình trạng bất cân xứng thông tin diễn ra trên TTCK.

Nhìn sang 2 DN ngành bất động sản quy mô khác tại cùng địa bàn hoạt động là CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico, mã SJS) và CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm (Lideco, mã NTL) sẽ càng thấy rõ hơn mức độ khập khiễng này. Sudico, có uy tín lớn hơn, nhưng đang ngập trong khó khăn về thanh khoản và thua lỗ, cũng có P/B xấp xỉ 0,8 lần. Cổ phiếu NTL của Lideco, DN có tài sản khá “sạch”, nhưng cũng đang trong tình trạng đình trệ kinh doanh, có P/E xấp xỉ 13,08 lần, P/B trên 0,9 lần.

Việc bất cân xứng thông tin đến từ việc NĐT nắm thông tin không đầy đủ, thậm chí là tiếp cận tin đồn thất thiệt, dẫn tới định giá cổ phiếu của NĐT sai lệch so với mặt bằng chung, thấp hơn rất nhiều so với mức so sánh toàn thị trường.

 

Chuyển sàn có tạo đột biến?

Phiên giao dịch đầu tiên của FLC trên HOSE, tổng khối lượng khớp lệnh của FLC đạt hơn 4,43 triệu đơn vị cho thấy sự quan tâm của công chúng đầu tư đối với mã cổ phiếu này. Tuy nhiên, sự quan tâm này liệu có trở thành động lực để đưa FLC về mức định giá chung của thị trường hay không lại là câu hỏi chưa dễ trả lời.

BCTC kiểm toán 4 năm liên tiếp cho thấy một số đặc điểm xuyên suốt của FLC là: có lãi tăng trưởng dần qua các năm, gần như không có vay nợ ngân hàng. Hết quý II/2013, tổng tài sản của FLC đạt hơn 2.100 tỷ đồng, trong khi vay nợ ngân hàng gần như không có. Đây là điểm khác biệt với hầu hết các DN bất động sản còn lại, khi tình trạng chung của ngành là thua lỗ, nợ ngân hàng chồng chất. Gần đây nhất, giữa tháng 7/2013, FLC cũng thực hiện chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức tỷ lệ 5% vốn điều lệ bằng tiền mặt.

Nếu định giá P/B của FLC chỉ cần ở mức 1 lần, thì giá cổ phiếu FLC có thể về mức 15.000 đồng/cổ phiếu. Trong trường hợp định giá FLC trở lại mức bình quân thị trường, cơ hội để Công ty phát hành tăng vốn thành công cho cổ đông hiện hữu sẽ mở rộng trở lại.

Theo Nghị quyết ĐHCĐ, FLC đang kỳ vọng một sự tăng trưởng đột biến mới, khi đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ lên gấp đôi thông qua chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, bán cổ phần cho đối tác chiến lược, triển khai dự án Hồ Cẩm Quỳ, phát triển một số dự án bất động sản tầm trung khác, triển khai dự án khai khoáng, bên cạnh việc triển khai các dự án khác về đào tạo, kinh doanh xuất nhập khẩu sắt thép, du lịch, xuất khẩu lao động… Chuyển qua sàn mới, với hy vọng là động lực đưa FLC trở về giá trị thực, hoàn thành kế hoạch tăng trưởng nói trên mà ĐHCĐ đã thông qua đầu năm. Hơn 4,43 triệu cổ phiếu, chiếm hơn 12% tổng khối lượng giao dịch của HOSE, với giá đóng cửa 5.700 đồng/cổ phiếu, tăng 3,36% so với giá tham chiếu ngày chào sàn 5.500 đồng/cổ phiếu, là tín hiệu cho khởi đầu tích cực ấy.

Bảng 1: Một số chỉ tiêu bình quân toàn thị trường 2 Sở GDCK HOSE và HNX

Thời điểm

12/2005

12/2006

12/2007

12/2008

12/2009

12/2010

12/2011

12/2012

6/2013

VN-Index

307,5

633,1

927,0

313,6

494,8

484,7

351,6

399,7

481,1

P/E

    11,6

      27,6

26,2

13,3

12,1

10,9

9,7

11,3

13,6

P/B

       1,8

       4,0

4,7

1,6

2,3

1,9

1,3

1,5

2,9

HNX Index

     91,0

    242,8

323,6

105,1

168,2

114,2

58,7

55,0

62,8

P/E

       8,0

      19,9

25,0

10,4

13,0

10,6

8,9

12,6

24,3

P/B

       1,3

        3,2

4,4

1,2

2,1

1,4

0,7

0,7

1,5

(nguồn: Stox plus)