Fed trấn an, giới đầu tư bình ổn tâm lý

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall lấy lại đà tăng vào thứ Tư (14/7) sau một phiên giao dịch không mấy thuận lợi trước đó trong bối cảnh các nhà đầu tư nỗ lực cân bằng lại lo lắng về lạm phát bằng những bình luận trấn an từ Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang (Fed) Jerome Powell.
Fed trấn an, giới đầu tư bình ổn tâm lý

Phát biểu trong phiên điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính của Hạ viện Mỹ hôm thứ Tư, ông Jerome Powell cho biết, chính sách tiền tệ sẽ là yếu tố “hỗ trợ mạnh mẽ” nền kinh tế Mỹ “cho đến khi đạt được sự phục hồi hoàn toàn”, đồng thời ông khẳng định, đà tăng gần đây của lạm phát chỉ là tạm thời và Fed cần tập trung vào việc kéo thêm nhiều người trở lại làm việc.

“Chỉ số lạm phát cao chủ yếu đến từ một nhóm nhỏ hàng hóa và dịch vụ liên quan trực tiếp đến việc mở cửa trở lại”, ông Powell dẫn chứng cho quan điểm không cần phải vội vàng chuyển sang chính sách hậu đại dịch.

Theo Powell, sẽ còn một chặng đường dài để Fed đưa ra bất kỳ động thái nào nhằm giảm bớt hỗ trợ cho nền kinh tế, bao gồm cả cắt giảm khoản 120 tỷ USD mua lại trái phiếu hàng tháng trong bối cảnh vẫn còn thiếu 7,5 triệu việc làm mới chạm tới mức trước đại dịch.

Chủ tịch Fed nhấn mạnh, Fed ​​sẽ tiếp tục mua trái phiếu cho đến khi đạt được "tiến bộ đáng kể hơn nữa" trên thị trường việc làm, với lãi suất có thể được giữ gần bằng 0 cho đến ít nhất là năm 2023.

Các bình luận của ông Powell được đưa ra sau khi dữ liệu mới nhất cho thấy chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ tăng hơn dự kiến ​​trong tháng 6 và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng mạnh nhất trong 13 năm.

Mặt khác, thị trường cũng đón nhận báo cáo kết quả kinh doanh vượt trội trong quý II của các ngân hàng lớn theo cách khác nhau trong phiên đêm qua. Bank of America giảm 2,5%, Wells Fargo tăng 4% trong khi Citigroup giảm 0,3%.

Kết thúc phiên 14/7, chỉ số Dow Jones tăng 44,44 điểm (+0,13%), lên 34.933,23 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 5,09 điểm (+0,12%), lên 4.374,30 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 32,70 điểm (-0,22%), xuống 14.644,95 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm điểm trong phiên ngày thứ Tư khi áp lực lạm phát đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư. Thị trường lo lắng sau khi chứng kiến dữ liệu cho thấy lạm phát của Mỹ tăng nóng hơn dự kiến ​​trong tháng 6.

Kết thúc phiên 14/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 33,53 điểm (-0,47%), xuống 7.091,19 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 0,66 điểm (-0,004%), xuống 15.788,98. Chỉ số CAC 40 tại giảm 0,09 điểm (-0,0014%), xuống 6.558,38 điểm.

Sắc đỏ bao phủ chứng khoán châu Á phiên hôm qua. Chứng khoán Nhật Bản điều chỉnh sau hai phiên tăng mạnh liên tiếp trước đó.

Chứng khoán Trung Quốc giảm khi sự hứng thú từ việc nới lỏng chính sách của Bắc Kinh tan biến, trong khi căng thẳng với Mỹ cũng góp thêm phần đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, do lo lắng về việc Trung Quốc tăng trưởng chậm lại nổi lên, trong khi căng thẳng Trung - Mỹ gia tăng cũng làm tổn thương tâm lý thị trường.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm do mức tăng lạm phát lớn nhất trong 13 năm của Mỹ thúc đẩy thị trường đặt cược vào việc thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến.

Kết thúc phiên 14/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 109,75 điểm (-0,38%), xuống 28.608,49 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 38,02 điểm (-1,07%), xuống 3.528,50 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 175,95 điểm (-0,63%), xuống 27.787,46 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 6,57 điểm (-0,20%), xuống 3.264,81 điểm.

Giá vàng đêm qua tăng vọt và vượt xa ngưỡng 1800 USD/ounce sau khi nhận được trấn an từ Chủ tịch Fed rằng lạm phát chỉ là tạm thời.

Kết thúc phiên 14/7, giá vàng giao ngay tăng 20,00 USD (+1,11%), lên 1.827,30 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 15,10USD (+0,83%), lên 1.825,00 USD/ounce.

Giá dầu trượt dốc hôm thứ Tư sau tin tức các nhà sản xuất dầu lớn trên toàn cầu đã đạt được thỏa hiệp về nguồn cung và sau khi dữ liệu của Mỹ cho thấy nhu cầu giảm một chút trong tuần gần đây nhất.

Giá dầu giảm sau khi một số hãng truyền thông đưa tin Ả Rập Xê-út và UAE đã tìm được tiếng nói chung nhằm mở khóa bế tắc, tiến đến thỏa thuận chung của OPEC+ để thúc đẩy nguồn cung dầu toàn cầu.

Trong khi đó, dữ liệu do chính phủ Mỹ công bố hôm thứ Tư cho thấy nhu cầu nhiên liệu tại nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm vào tuần trước. Mặt khác, dự trữ nhiên liệu của Mỹ tăng cao hơn, ngay cả khi hoạt động của nhà máy lọc dầu giảm bớt. Dự trữ xăng tăng 1 triệu thùng trong tuần kết thức vào ngày 9/7, trong khi giới chuyên gia kỳ vọng giảm 1,8 triệu thùng.

Kết thúc phiên 14/7, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 2,12 USD (-2,82%), xuống 73,13 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,73 USD (-2,26%), xuống 74,76 USD/thùng.

Tin bài liên quan