Thưa ông, đâu là những thành tựu nổi bật mà FECON đạt được sau 10 năm phát triển?
Thành tựu nổi bật sau 10 năm thành lập là FECON đã hình thành một nhóm công ty mạnh về nền và móng tại Việt Nam, trong đó sở hữu 6 công ty thành viên, 3 nhà máy, cùng đội ngũ kỹ thuật, quản lý thi công, công nhân đông đảo và chuyên nghiệp. Đồng thời, Công ty sở hữu các công nghệ tiên tiến như xử lý nền bằng: công nghệ cố kết chân không, cọc cát đầm chặt, khoan phun vữa áp lực cao; sản xuất và thi công cọc ly tâm dự ứng lực, cọc khoan xoắn, cọc khoan nhồi trong điều kiện địa chất phức tạp và các công nghệ thiết kế, khảo sát, thí nghiệm nền móng hiện đại.
Với năng lực của mình, FECON đã vinh dự được lựa chọn thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia như: Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn; Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1; Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, Thái Bình 2; Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1; Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 2; đường cao tốc Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và nhiều dự án FDI nổi bật như: Nhà máy điện tử Samsung Thái Nguyên, Nhà máy điện tử LG Hải Phòng, Khu liên hợp luyện thép Formosa Hà Tĩnh…
Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc FECON và ông Kiyoto Koyama, đại diện Ngân hàng Phát triển Nhật Bản ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược ngày 13/6/2014
Sau 10 năm phát triển, FECON đã khẳng định được những thành công bước đầu nhờ lối đi riêng trong chiến lược phát triển. Trong đó nổi bật là, Công ty là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên tại Việt Nam thành lập viện nghiên cứu, nhằm phục vụ cho phát triển bền vững. Vậy thưa ông, đâu là nhân tố quan trọng tạo nên thành công của FECON ngày nay, cũng như tạo đà cho Công ty phát triển trong những năm tới?
Một trong các yếu tố then chốt quyết định thành công bước đầu của FECON là Công ty đã lựa chọn cho mình phạm vi kinh doanh khá đặc thù. Đó là chuyên sâu về kỹ thuật nền móng công trình và công trình ngầm. Đây là công đoạn mà bất cứ loại công trình, dự án gì cũng phải thực hiện, nhưng số đơn vị trong nước tạo được uy tín trong lĩnh vực này chưa nhiều. Vì thế, chỉ cần làm tốt, dù ra đời sau, FECON vẫn có thể tạo được chỗ đứng. Hơn nữa, chúng tôi cũng xác định, không thực hiện đơn lẻ từng sản phẩm, hay dịch vụ như đa số đơn vị cùng ngành, mà chọn cách thức triển khai gói giải pháp tổng thể cho nền và móng, từ khâu khảo sát, thí nghiệm, thiết kế, sản xuất đến thi công, quan trắc và bảo trì trong quá trình vận hành dự án… Cách làm này không chỉ giúp FECON tăng doanh thu, mà còn giúp chủ đầu tư giảm được rất nhiều chi phí.
Một trong những nhiệm vụ của Viện nền móng và công trình ngầm là thực hiện công tác nghiên cứu phát triển, phục vụ việc đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn các công nghệ sản xuất, thi công mang tính đột phá, có hiệu quả cao cả về kinh tế và kỹ thuật, thỏa mãn cùng lúc 5 tiêu chí: an toàn, dễ kiểm soát chất lượng, tiến độ nhanh, giá thành hạ và thân thiện với môi trường.
Trong thời kỳ hội nhập, chúng tôi hiểu rằng, muốn tồn tại thì doanh nghiệp phải thường xuyên nghiên cứu phát triển và ứng dụng các công nghệ mới. Thế nhưng, để làm chủ và áp dụng hiệu quả các công nghệ này, thì doanh nghiệp phải đảm bảo có nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, FECON không chỉ đẩy mạnh đầu tư cho công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, mà còn chú trọng xây dựng cho mình đội ngũ kỹ sư có tay nghề cao, năng lực quản lý tốt. Chúng tôi luôn tâm niệm: “Tài sản quan trọng nhất của FECON là con người, lòng nhiệt tình và quyết tâm cùng tạo lập”. Mỗi thành viên trong Công ty là mắt xích quan trọng tạo nên sự thành công. Chiếc cầu nối duy nhất để gắn kết các mắt xích đó với nhau một cách lâu dài, chính là văn hóa doanh nghiệp FECON.
Bên cạnh đó, FECON không thể thành công nếu chúng tôi không nhận được sự tin tưởng từ phía đối tác, khách hàng trong và ngoài nước. Chúng tôi luôn đề cao ý thức xây dựng mối quan hệ tốt, tạo lòng tin với đối tác và khách hàng.
Đến nay, FECON đã có mạng lưới đối tác, khách hàng mạnh mẽ và rộng khắp. Từ các đối tác kinh doanh là các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đến các đối tác khá thân thiết là các tập đoàn lớn trên thế giới như: Shimizu, Hazama, Zenitaka, TOA, Mitsui Sumitomo và Obayashi đến từ Nhật Bản, Tập đoàn SK và Doosan đến từ Hàn Quốc, Tập đoàn TREVI đến từ Italia. Các đối tác khoa học, công nghệ của FECON gồm các hiệp hội địa kỹ thuật - nền móng công trình Việt Nam, Đông Nam Á và thế giới như: Hiệp hội hầm và không gian ngầm thế giới, Viện công nghệ châu Á (AIT) và các trường đại học kỹ thuật chuyên ngành công trình tại Việt Nam. Bên cạnh đó, để đảm bảo năng lực tài chính mạnh mẽ, FECON luôn nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ các đối tác là các ngân hàng lớn trong nước như: Vietcombank, BIDV và VietinBank. Đặc biệt, trong dịp tháng 6 này, nhân dịp sinh nhật Công ty 10 tuổi, FECON đã kết nạp Ngân hàng Phát triển Nhật Bản (DBJ) vào mạng lưới đối tác chiến lược của mình.
Ở tuổi lên 10, đâu là những định hướng lớn trong chiến lược phát triển của FECON trong thời gian tới, thưa ông?
Năm 2014, năm kỷ niệm 10 năm thành lập Công ty, với tình hình kinh tế chung còn nhiều khó khăn, thách thức, bằng nỗ lực trên những thành quả đáng tự hào của mình, FECON tin tưởng sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng của các năm đã qua, nỗ lực toàn diện trên mọi mặt để đưa Công ty không chỉ trở thành doanh nghiệp hàng đầu về nền móng công trình tại Việt Nam, mà còn tập trung nguồn lực, tận dụng cơ hội mới để bứt phá, nâng cao năng lực toàn diện, từng bước tiếp cận mục tiêu trở thành nhóm doanh nghiệp hàng đầu về hạ tầng tại Việt Nam vào năm 2020.
Với phương châm cộng lực để thực hiện các mục tiêu lớn, FECON đã kết hợp với các đối tác chiến lược nhằm cung cấp dịch vụ kỹ thuật xây dựng, từ thiết kế đến thi công, đồng thời tham gia đầu tư vào các dự án hạ tầng trọng điểm trong thời gian tới. Cụ thể, FECON đã trở thành cổ đông chiến lược của Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1), đồng thời ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Công ty cổ phần Xây dựng Cotec (Coteccons), Tập đoàn Hạ tầng TREVI (Italia), Tập đoàn Thép JFE (Nhật Bản), Tập đoàn Nền móng Raito Kogyo (Nhật Bản)…
Bên cạnh việc hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp có vị thế hàng đầu, có năng lực mạnh về hạ tầng và xây dựng để nâng cao năng lực thực hiện của nhóm, FECON còn đẩy mạnh hợp tác để nâng cao năng lực tài chính bằng việc ký thỏa thuận hợp tác đầu tư chiến lược và đối tác chiến lược: BIDV, VietinBank, Vietcombank. Mới đây, ngày 13/6, FECOBN tiếp tục ký kết văn bản hợp tác đầu tư chiến lược với Ngân hàng Phát triển Nhật Bản (DBJ) bằng hình thức DBJ đầu tư 195 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi FECON sau 3 năm.
Bằng những hành động cụ thể mang tính dài hạn, chúng tôi tin tưởng sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp, tận dụng lợi thế của mọi nguồn lực sẵn có, để nắm bắt các cơ hội mới, đặc biệt là các dự án hạ tầng công nghiệp và hạ tầng giao thông trọng điểm từ nay đến 2020, mang lại hiệu quả cao cho các bên tham gia, trong đó có FECON.