Hẳn không ai có thể quên được thương vụ thâu tóm thế kỷ trị giá 19 tỷ USD giữa Facebook với WhatsApp đã tiêu tốn không ít giấy mực của báo chí vào tháng trước. Chưa rõ màn kết hợp này sẽ thu về con số lợi nhuận thế nào, nhưng rõ ràng, Facebook đã nhanh chân hơn Google trong việc mua chuộc con mồi.
Có vẻ như cuộc đối đầu giữa hai ông trùm công nghệ lại tiếp tục bước sang trang mới, khi mới đây, cả hai có dịp đọ sức trong cuộc chiến mới giữa hai khái niệm “hiện thực” và “hiện thực ảo”. Trong khi nhiều người đang nghi ngờ ông chủ Facebook Mark Zuckerberg sẽ làm gì với 2 tỷ USD tiêu tốn vào bộ tai nghe điện tử Oculus Rift, thì thứ duy nhất mà Zuckerberg đặt cược ở Oculus là yếu tố “hiện thực ảo”. “Hiện thực ảo” của Oculus được Zuckerberg coi là nền tảng truyền thông mới, nơi con người có thể chia sẻ những không gian và kinh nghiệm không giới hạn và đưa họ chạm đến những ranh giới siêu thực.
“Khi bạn đeo bộ tai nghe Oculus vào, bạn sẽ bước vào một không gian nhập vai ảo do máy tính tạo ra, như là bạn đang chơi một trò chơi hay xem một bộ phim hoặc đang ở một nơi rất xa nào đó. Bạn sẽ có cảm giác như mình đang thực sự hiện diện trong đó. Đây là điều phi thường mà Oculus làm được”, Mark Zuckerberg nói tại buổi lễ công bố thương vụ mua lại Oculus tuần qua.
Trái lại với Oculus, sản phẩm bộ mắt kính Glass của Google lại nhấn mạnh đến yếu tố hiện thực, tức là nó tìm cách khiến thế giới công nghệ biến mất khỏi tầm mắt con người. Trong khi Oculus muốn chúng ta làm những điều chúng ta không thể bằng cách tưởng tượng ra chúng có thật, thì Google muốn biến những thứ không thể bằng cách khơi dậy và mở rộng khả năng của con người. Thông qua Glass, hiện thực được phản ánh là những gì đẹp đẽ nhất và con người hoàn toàn có thể lưu lại những khoảnh khắc tuyệt vời trong cuộc sống.
Với mục tiêu khác nhau, thử nghiệm khác nhau, hai ông lớn Facebook và Google đang biến ngành công nghệ toàn cầu phát triển một cách đa dạng và ngày càng thông minh. Trong khi Google Glass nhắm đến phạm vi môi trường bên ngoài thì Facebook và Oculus lại đưa con người lạc vào không gian bên trong. Glass khiến mọi thứ trở nên nhẹ nhàng và đơn giản hơn, trong khi Oculus mang lại cho bạn cảm giác không cần phải cố gắng để làm tất cả.
Ở mức độ nào đó, chiến lược của Facebook hay Google đều mạo hiểm. Oculus hay Glass được ví như hai trường phái tiểu thuyết nổi tiếng trong lịch sử là Neuromancer và Brave New World. Cả hai hoặc sẽ có thể tồn tại song hành với nhau, nhưng cũng có thể loại trừ nhau.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin tỏ ra thích thú trước cuộc đối đầu này và cho rằng, dù người thắng cuộc là ai, khách hàng sẽ là những người hưởng lợi nhiều nhất, khi có cơ hội trải nghiệm 2 sản phẩm tối ưu nhất trong lịch sử công nghệ toàn cầu.
Không dừng lại tại đó, chưa đầy 48 giờ đồng hồ sau tuyên bố mua lại Oculus, Facebook tiết lộ kế hoạch ra mắt phòng thí nghiệm kết nối bao gồm đội ngũ các nhà khoa học ưu tú làm nhiệm vụ đưa internet tới những vùng xa xôi nhất hành tinh.
Vị CEO trẻ tuổi tài ba Mark Zuckerberg đang ấp ủ tham vọng vượt ra khỏi phạm vi trái đất khi đã thuê hẳn đội ngũ nghiên cứu từ những tổ chức như NASA, Phòng thí nghiệm Jet Propulsion, Phòng quan sát thiên văn học quốc gia hay Ascenta, đơn vị sản xuất dòng máy bay không người lái chạy bằng năng lượng mặt trời về làm việc. Mục tiêu của chiến lược là sáng tạo những phát minh mới mẻ, nhằm phủ sóng mạng lưới mạng đến những nơi xa xôi. Một kế hoạch khá táo bạo, nhưng cũng đầy hấp dẫn.
Cùng lúc đó, liên tục trong 6 tháng qua, Google đã tiến hành đầu tư vào rất nhiều công ty lớn nhỏ từ Cacilo, Nest cho đến Boston Dynamics, nhà sáng tạo ra robot chạy nhanh nhất thế giới và những cỗ máy có hình dáng như những loài động vật phục vụ cho quân đội Mỹ với nhiều kế hoạch đang được “thai nghén” chờ ngày ra mắt.
Hai đại gia Facebook và Google đang ra sức chạy đua trong cuộc chiến thâu tóm doanh nghiệp, nhằm đặt cược vào canh bạc tương lai của ngành công nghệ. Những đối thủ tầm cỡ khác như Amazon hay Microsoft cũng đang tính toán từng bước đi kỹ lưỡng, hứa hẹn sẽ có những màn đối đầu đầy kịch tính cũng như đem đến những sản phẩm công nghệ tối ưu nhất cho nhân loại.