EVFTA thúc đẩy nhà đầu tư Đức mở rộng quy mô dự án

0:00 / 0:00
0:00
Sau hơn một năm có hiệu lực, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã mang lại nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư Đức tại Việt Nam.
Bosch hiện là nhà đầu tư Đức lớn nhất tại Việt Nam

Bosch hiện là nhà đầu tư Đức lớn nhất tại Việt Nam

Ông Alexander Goetz, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA) cho rằng, EVFTA là một cú hích lớn thúc đẩy thương mại giữa EU và Việt Nam trong những năm tới. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Đức tại ASEAN và GBA kỳ vọng sự gia tăng mạnh mẽ các khoản đầu tư, được thúc đẩy bởi việc các rào cản thương mại tiếp tục được dỡ bỏ.

“Các điều kiện thị trường tổng thể tại Việt Nam vẫn rất hấp dẫn đối với các công ty sản xuất và EVFTA là một lợi ích bổ sung. Nhiều công ty Đức đang theo chiến lược Trung Quốc + 1 và Việt Nam là một trong 3 điểm đến hàng đầu để doanh nghiệp Đức mở rộng đầu tư tại châu Á”, ông Goetz chia sẻ.

Bosch (tập đoàn công nghệ và kỹ thuật Đức) đầu tư vào Việt Nam hơn một thập kỷ trước và đã trở thành nhà đầu tư Đức lớn nhất tại Việt Nam. Với EVFTA, Tập đoàn sẽ tiếp tục mở rộng sự hiện diện của mình tại Việt Nam. “Bất chấp đại dịch lan rộng và tác động bất lợi tới nền kinh tế Việt Nam và EU, chúng tôi tin rằng, năm đầu tiên thực thi EVFTA là một khởi đầu đầy hứa hẹn”, ông Guru Mallikarjuna, Tổng giám đốc Bosch Việt Nam chia sẻ.

Ngay sau khi có hiệu lực vào năm ngoái, EVFTA đã dỡ bỏ phần lớn thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu của cả hai bên và góp phần thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và EU. Thuế quan đối với hầu hết các mặt hàng kinh doanh tiếp tục được xóa bỏ hoàn toàn sau 5-7 năm. Do đó, những cải thiện đáng kể về kim ngạch xuất khẩu sẽ còn tăng cao trong giai đoạn sau của quá trình thực hiện thỏa thuận.

Ông Mallikarjuna lưu ý, các FTA thế hệ mới không chỉ là thương mại tự do, mà còn là cam kết chung của tất cả các bên, hướng tới mối quan hệ hợp tác toàn diện, môi trường kinh doanh bền vững và triển vọng kinh tế thịnh vượng. EVFTA có khả năng thúc đẩy nỗ lực của Việt Nam trong cải cách thể chế, điều cấp thiết để tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực môi trường, bảo hộ đầu tư, tiêu chuẩn lao động và sở hữu trí tuệ.

Nhiều công ty Đức đang theo chiến lược Trung Quốc + 1 và Việt Nam là một trong 3 điểm đến hàng đầu để doanh nghiệp Đức mở rộng đầu tư tại châu Á.

Ông Alexander Goetz, Chủ tịch GBA

Trong năm đầu tiên thực hiện EVFTA, Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực để hợp lý hóa các thủ tục hành chính, đầu tư vào quản trị công và năng lực cạnh tranh của người lao động, hoàn thiện các quy định pháp luật để hỗ trợ việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Lukas Schoeneck, Giám đốc điều hành Công ty thyssenkrupp Industrial Solutions Việt Nam cũng nhận thấy những cơ hội lớn từ việc cắt giảm thuế quan và các rào cản hành chính sau khi EVFTA có hiệu lực. Đối với một số mặt hàng mà Công ty quan tâm, thuế quan sẽ được giảm dần trong những năm tiếp theo.

“Khung pháp lý sẽ được điều chỉnh để tăng cường tính minh bạch, như trong các quy trình đấu thầu. Khách hàng và nhà cung cấp của chúng tôi cần phải tự thích ứng và điều này sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho chúng tôi khi kinh doanh tại Việt Nam. Nhìn chung, tôi rất lạc quan về những tác động tích cực mà EVFTA mang lại đối với hoạt động thương mại và đầu tư giữa châu Âu và Việt Nam”, ông Schoeneck nói.

Ông Schoeneck tin tưởng sẽ có thêm nhiều công ty mở rộng tại Việt Nam trong những năm tiếp theo và EVFTA sẽ tác động tích cực tới xu hướng này.

Tính đến tháng 8/2021, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhà đầu tư Đức đã rót 2,25 tỷ USD vào 405 dự án tại Việt Nam. Các tên tuổi lớn của Đức như Bosch, Siemens, SAP, Mercedes-Benz, B. Braun, BASF, Bayer và Deutsche Bank đều đã thiết lập hiện diện tại Việt Nam.

Trong đại dịch Covid-19, một số công ty Đức đã lên kế hoạch mở rộng tại Việt Nam. Nhà sản xuất băng dính kỹ thuật của Đức là tesa đã công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy trị giá 65 triệu USD tại Việt Nam trong nỗ lực mở rộng sản xuất từ năm 2023. Cơ sở mới có diện tích hơn 70.000 m2 tại Khu công nghiệp Deep C (Hải Phòng).

Trong khi đó, Công ty wpd AG của Đức phối hợp với Levanta Renewables của Singapore đang lên kế hoạch cho dự án năng lượng gió trên bờ Kon Plông ở Kon Tum. Việc thâm nhập thị trường Việt Nam là một phần trong quá trình mở rộng hoạt động của nhà phát triển Đức tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Bên cạnh lĩnh vực sản xuất, Chủ tịch GBA cho rằng, các giải pháp hạ tầng và năng lượng bền vững là những phân khúc có tiềm năng đầu tư rất cao tại Việt Nam trong tương lai. Nhiều công ty Đức đang dẫn đầu thị trường trong các lĩnh vực này và có thể hỗ trợ Việt Nam trong những năm tới.

Tin bài liên quan