EU đạt thỏa thuận tạm thời về chính sách phòng hộ thương mại mới

0:00 / 0:00
0:00
ACI sẽ ưu tiên cho cách tiếp cận mềm dựa trên sự trao đổi và đàm phán với các nước áp dụng biện pháp trên sau khi tiến hành bỏ phiếu và đánh giá kỹ liệu thực sự có hành vi gây sức ép về kinh tế không.
Khách hàng lựa chọn mua hàng hóa trong siêu thị ở Budapest, Hungary. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khách hàng lựa chọn mua hàng hóa trong siêu thị ở Budapest, Hungary. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 28/3, đại diện của Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu, nhóm các nước thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận tạm thời về một chính sách phòng vệ thương mại mới để bảo vệ các nước thành viên trước hành vi hạn chế kinh tế từ những nước thứ ba.

Công cụ chống áp bức (ACI) được đưa ra nhằm hạn chế nguy cơ những căng thẳng địa chính trị lan sang lĩnh vực thương mại.

Theo giới chức EU, ACI sẽ ưu tiên cho cách tiếp cận mềm dựa trên sự trao đổi và đàm phán với các quốc gia áp dụng các biện pháp trên sau khi tiến hành bỏ phiếu và đánh giá kỹ lưỡng liệu thực sự có hành vi gây sức ép về kinh tế hay không.

Nếu các cuộc đối thoại với nước thứ ba không đạt được kết quả, EU có thể áp đặt hạn chế đối với nước đó, thông qua các biện pháp như tăng thuế hay hạn chế tiếp cận với các chương trình mua sắm chính phủ của EU. Toàn bộ quá trình này có thể mất đến một năm.

Giới chức EU nhấn mạnh vai trò chính của ACI là biện pháp bảo vệ đối với các lợi ích kinh tế của khối. Chính sách này sẽ có hiệu lực vào nửa sau của năm 2023, dự kiến chỉ áp dụng cho các trường hợp mới phát sinh chứ không giải quyết các trường hợp đã xảy ra trước đó.

Tuy nhiên, một số nước thành viên EU tỏ ra hoài nghi trước độ hiệu quả của biện pháp này, đồng thời quan ngại rằng biện pháp này có thể mang tính chất bảo hộ hoặc vô tình dẫn tới những cuộc chiến thương mại.

Đề xuất chính sách này lần đầu được đưa ra vào tháng 12/2021, được Nghị viện và Hội đồng châu Âu thảo luận trước khi đi đến nhất trí chung vào ngày 28/3.

Tin bài liên quan