ECB đã kết thúc mua ròng theo chương trình mua khẩn cấp trong giai đoạn đại dịch vào tháng 3/2022, nhưng đang tập trung tái đầu tư trái phiếu đáo hạn vào các quốc gia có tình hình tài chính yếu kém của khối.
Theo tính toán của Financial Times dựa trên dữ liệu của ECB, từ tháng 6 đến tháng 7, ECB đã bơm 17 tỷ euro (17,3 tỷ USD) vào các thị trường Ý, Tây Ban Nha và Hy Lạp, đồng thời cho phép danh mục nợ của Đức, Hà Lan và Pháp giảm 18 tỷ euro (18,3 tỷ USD).
Frederik Ducrozet, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô tại Pictet Wealth Management cho biết: “Sự sai lệch hiện nay là rất lớn. Có vẻ như ECB đã hoạt động rất tích cực bằng cách tái đầu tư gần như tất cả số tiền thu được từ các quốc gia cốt lõi vào các quốc gia ngoại vi”.
Các khoản tái đầu tư nêu bật sự chú trọng của ECB trong việc hạn chế chi phí đi vay cho các quốc gia như Ý và ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ của khu vực đồng euro khi EU rút lui khỏi chính sách tiền tệ dễ dàng đã hỗ trợ khối kể từ cuộc khủng hoảng nợ cách đây một thập kỷ.
Động thái này diễn ra sau khi ECB vào tháng 7 đã tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2011 sau khi đưa ra quyết định kết thúc chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trong giai đoạn đại dịch (PEPP) và một kế hoạch mua trái phiếu dài hạn hơn được gọi là chương trình mua tài sản.
Sven Jari Stehn, nhà kinh tế trưởng châu Âu tại Goldman Sachs cho biết: “Mức độ linh hoạt đã được sử dụng” trong việc tái đầu tư tiền thu được từ trái phiếu thuộc chương trình PEPP “nhiều hơn một chút so với những gì mọi người mong đợi”.
Các nhà hoạch định chính sách của ECB lo lắng rằng, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn sẽ mở rộng khoảng cách giữa các nền kinh tế mạnh nhất và yếu nhất trong khu vực, hay còn được gọi là rủi ro phân mảnh. Những lo ngại này đã đẩy chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Ý và Đức lên tới 2,4% vào tháng 6, mức chưa từng thấy kể từ thời kỳ thị trường náo động vào những ngày đầu của đại dịch năm 2020.
Chênh lệch kể từ đó đã thu hẹp xuống còn khoảng 2,1% sau khi ECB cam kết đẩy lùi tình trạng phân mảnh. Tháng trước, ECB cho biết, sự linh hoạt trong việc triển khai tái đầu tư PEPP sẽ là “tuyến phòng thủ đầu tiên” trong nỗ lực ngăn chặn chênh lệch lợi suất.
ECB cũng đã đưa ra Công cụ bảo vệ dịch chuyển chính sách (TPI) có thể được sử dụng, trong trường hợp tái đầu tư PEPP không giữ được mức chênh lệch lợi suất trong tầm kiểm soát. Công cụ này cho phép ECB mua trái phiếu của bất kỳ quốc gia nào mà họ cho là đang đối mặt với áp lực thị trường bên ngoài triển vọng kinh tế, với quy mô không giới hạn.
Mặc dù ECB vẫn chưa sử dụng công cụ mới, nhưng việc sử dụng các khoản tái đầu tư PEPP cho thấy các nhà hoạch định chính sách mong muốn kiểm soát mức chênh lệch lợi suất như thế nào.
Nhà kinh tế Jari Stehn cho biết đây là “sự kích hoạt tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại nguy cơ phân mảnh, nhưng câu hỏi mở liệu TPI có được kích hoạt hay không và khi nào vẫn là vấn đề được quan tâm”.