Hệ thống phân phối sản phẩm của Viễn Đông đã "cắm rễ" sâu vào thị trường.

Hệ thống phân phối sản phẩm của Viễn Đông đã "cắm rễ" sâu vào thị trường.

Dược phẩm Viễn Đông: “Cốt lõi” cạnh tranh là hệ thống phân phối

(ĐTCK-online) Không dừng lại ở một hệ thống phân phối toả rộng, cắm sâu, chăm sóc tới từng khách hàng mua thuốc, Tập đoàn Dược phẩm Viễn Đông còn khẩn trương thực hiện một quy trình phân phối điện tử hoá ở mức hiện đại hàng đầu ngành dược Việt Nam. Tất cả nhằm đưa kênh phân phối sản phẩm trở thành điểm mạnh cốt lõi của Tập đoàn, sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với những doanh nghiệp dược lớn của nước ngoài.

Toả rộng và cắm sâu

Không phải ngẫu nhiên mà hệ thống phân phối sản phẩm của Tập đoàn Dược phẩm Viễn Đông lại được coi là mạnh và “phủ sóng” rộng hàng đầu ngành dược. Hiện Viễn Đông có tới hơn 300 nhân viên thương mại, 38 trung tâm phân phối ở các tỉnh, thành, thu hút gần 10.000 khách hàng tiềm năng là các công ty dược, nhà bán buôn, bệnh viện, trung tâm y tế, nhà thuốc… tham gia trực tiếp vào kênh phân phối của Tập đoàn.

Tuy nhiên, điểm mạnh của hệ thống phân phối của Viễn Đông không đơn thuần là số lượng lớn trung tâm phân phối trải rộng như vậy. Theo ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn Đông, sức mạnh thực sự trong hệ thống phân phối sản phẩm của Viễn Đông chính là nhân viên phân phối đã “cắm rễ” sâu vào thị trường. Nếu như nhiều doanh nghiệp dược chỉ dừng lại ở việc đưa hàng về các đại lý thì Viễn Đông triển khai xuống tận nhà thuốc bán lẻ và chăm sóc họ thực sự chu đáo.

Với phương châm khách hàng, bệnh nhân mua thuốc ở các cửa hàng bán lẻ cũng cần được chăm sóc tốt như những khách hàng trực tiếp của Tập đoàn, năm 2006, Viễn Đông đi một “nước cờ” đột phá, đó là tổ chức hơn 10 khoá tập huấn nâng cao kỹ năng, phong cách bán hàng cho nhân viên các nhà thuốc - điều chưa có doanh nghiệp dược nào thực hiện.

Tuy nhiên, việc tập huấn nâng cao kỹ năng bán hàng đến từng nhân viên nhà thuốc không hề đơn giản bởi nhiều người đã bán hàng cả chục năm, có thể đi dạy người khác bán hàng chứ đâu tính chuyện đi học hỏi nữa. Bà Vi Hằng, Trợ lý Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn Đông cho biết, khi gửi thư mời, nhiều người chấp nhận tham gia tập huấn chỉ vì “thương mấy em nhân viên của Viễn Đông quá nhiệt tình”. Nhưng khi tham gia rồi, họ thực sự hứng thú, hài lòng và bày tỏ: không ngờ công việc bán hàng lại có nhiều điều hay và thiết thực đến thế. “Hiện chúng tôi nhận được rất nhiều đề nghị từ khách hàng, sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các khoá tập huấn như vậy”, bà Hằng nói.

 

Sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với đối thủ lớn

Hệ thống phân phối sâu, rộng của Viễn Đông có thể là mong muốn của nhiều doanh nghiệp ngành dược khác, nhưng với Tổng giám đốc Lê Văn Dũng thì một kênh phân phối thực sự mạnh chưa thể dừng ở đó. Khi Việt Nam đang đàm phán gia nhập WTO, Viễn Đông đã tính đến cơ hội phát triển cũng như những cuộc “đối chọi” khắc nghiệt khi hội nhập. Các doanh nghiệp dược lớn của nước ngoài có tiềm lực tài chính, kênh phân phối chuyên nghiệp và mạnh sẽ là “người khổng lồ” tiến vào thị trường dược Việt Nam. Làm gì để có thể đàng hoàng “nghênh đón” đối thủ lớn là bài toán mà Viễn Đông đặt ra và tìm cho mình lời giải tốt nhất.

“Chúng tôi chuẩn bị trước hết về nguồn nhân lực có trình độ, tác phong làm việc chuyên nghiệp để có thể thích ứng với quy trình phân phối sản phẩm hiện đại, chuyên nghiệp và cạnh tranh”, ông Dũng khẳng định. Đây cũng chính là phương châm lấy con người làm trung tâm, xây dựng văn hoá doanh nghiệp thành giá trị cốt lõi cho mọi kế hoạch phát triển mà Viễn Đông đã xác định ngay từ đầu.

Trên thực tế, tính chuyên nghiệp của hệ thống phân phối sản phẩm của Viễn Đông thể hiện ngay trong quy trình giao nhận hàng hoá, thanh toán, đảm bảo đúng hẹn với khách hàng. Viễn Đông còn thiết lập riêng đường dây nóng để giải quyết thắc mắc của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ.

Hiện Viễn Đông đang xúc tiến nâng cấp hệ thống phân phối lên một mức cao hơn với phương thức làm việc được số hoá. Các nhân viên phân phối sẽ được trang bị handbook - sổ điện tử cá nhân để có thể làm báo cáo bán hàng một cách nhanh nhất, từ đó điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh, doanh kịp thời. Viễn Đông đang đặt hàng một công ty phần mềm hàng đầu viết phần mềm riêng cho nghiệp vụ phân phối. Cuối năm nay, Viễn Đông cũng sẽ lập thêm 7 công ty con ở một số thị trường có doanh số lớn như Hải Phòng, An Giang, Thanh Hoá, Đắk Lắk... để chủ động đáp ứng nhu cầu của thị trường.

“Sản phẩm ngành dược liên quan trực tiếp tới sức khoẻ và tính mạng của người tiêu dùng, do đó phải hoàn thiện quy trình gồm sản phẩm tốt, nhân viên tốt, hệ thống bán hàng tốt mới có thể phục vụ người mua thuốc với chất lượng dịch vụ cao nhất. Chính vì thế, một trong những mục tiêu chiến lược hàng đầu của Viễn Đông là xây dựng kênh phân phối trở thành một thương hiệu mạnh của Tập đoàn”, ông Dũng khẳng định.