Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó giám đốc thường trực Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ).
Đầu tháng 3/2020, Ban IV đã đưa ra một con số gây sốc, khi đưa ra tỷ lệ 60% DN sẽ giảm 50% doanh thu nếu tình hình dịch bệnh kéo dài 6 tháng... Ngay sau đó, tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp hơn rất nhiều. Các DN đã tham gia khảo sát hiện tại thế nào, thưa bà?
Chúng ta chính thức đối mặt với đại dịch Covid-19 chỉ tầm hơn 3 tháng, nhưng DN đã trải qua ít nhất 3 đợt khủng hoảng tương đối lớn.
Thời điểm Ban IV khảo sát 1.200 DN là đầu tháng 3/2020, khi đợt khủng hoảng thứ nhất đang diễn ra. Khủng hoảng về nguồn cung nguyên liệu và thị trường tiêu thụ ở khá nhiều ngành hàng do thị trường Trung Quốc đóng cửa. Hàng không, du lịch bị ảnh hưởng ngay lập tức khi nguồn khách từ Trung Quốc đột ngột bằng không.
Tới giữa tháng 3, tình trạng cung nguyên liệu có cải thiện do dịch ở Trung Quốc dần được khống chế và họ bắt đầu phục hồi sản xuất.
Tuy nhiên, cuối tháng 3, bước sang tháng 4, tình hình dịch bùng phát dữ dội tại châu Âu, Mỹ và nhiều quốc gia khác, các DN, đặc biệt DN dệt may, da giày... đối mặt với đợt khủng hoảng thứ hai. Châu Âu, Mỹ tuyên bố đóng cửa, các khách hàng lâu năm liên tục gửi thông tin hoãn, hủy đơn hàng, dừng ký đơn hàng. Lúc này, hầu hết các DN đều khó khăn. Du lịch, hàng không gần như tê liệt.
Đợt khủng hoảng thứ 3 diễn ra ngay sau và đồng thời với đợt khủng hoảng thứ 2, ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Đó là tình trạng dừng hoạt động và thất nghiệp xảy ra hàng loạt vì DN Việt hầu hết là nhỏ và vừa, siêu nhỏ, vốn mỏng, sức chống chịu kém. Khi thị trường quốc tế đóng cửa, thị trường nội địa bị hạn chế bởi các quyết định giãn cách xã hội mà Chính phủ đưa ra để khống chế dịch, hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiều ngành bị đình lại, DN không có dòng tiền vào, trong khi vẫn phải chi trả lương nhân công, tiền thuê mặt bằng, tiền lãi vay ngân hàng và nhiều khoản chi phí cố định khác...
Thực ra, cũng có những ngành hưởng lợi...
Đúng ra là DN đã hết sức nỗ lực tìm “cơ” trong “nguy” để duy trì và chuyển hướng kinh doanh.
Điển hình như ngành công nghệ thông tin đã rất tích cực đẩy mạnh các giải pháp trực tuyến cho bộ máy chính quyền, các DN. Ngành giáo dục đã bắt đầu dạy và học online. Dệt may đang tận dụng tối đa các cơ hội để sản xuất và xuất khẩu khẩu trang vải kháng khuẩn. DN nông nghiệp cũng đang có bước chuyển khá tốt, đặc biệt vấn đề đóng gói, chế biến sâu, chuyển hướng thị trường...
Nhưng thực sự, bức tranh của DN và nền kinh tế nói chung vẫn hết sức cam go.
Trong thời gian vừa qua, nhiều giải pháp hỗ trợ DN đã được Chính phủ đưa ra, nhưng nhiều DN nói chưa tiếp cận...
Từ ngày 7 đến 13/4, Ban IV tiếp tục tiến hành khảo sát DN trên diện rộng. Đây là đợt khảo sát thứ hai của chúng tôi.
Đã có 358 ý kiến trả lời, rất nhiều trong số đó phản hồi về tình trạng khó tiếp cận với các chương trình hỗ trợ mà Chính phủ đã công bố. Tuần trước, cùng với nhiều hiệp hội DN, chúng tôi đã báo cáo tình trạng này với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ.
Theo phản ánh, có 2 nguyên nhân chính.
Một là, quy trình thủ tục để trợ giúp DN còn phức tạp, khó thực thi, bất hợp lý.
Hai là, tâm lý ngại rủi ro của các đơn vị liên quan.
Ví như việc thực thi Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do Covid-19. Có ngân hàng thương mại yêu cầu DN nếu muốn được xét ân hạn nợ hoặc cho giãn nợ, phải nộp đủ 5 loại giấy tờ, gồm báo cáo tài chính quý I/2020, chi tiết các tài khoản trọng yếu (phải thu, phải trả, tài sản cố định...); tờ khai thuế VAT từ tháng 1/2019 đến tháng 3/2020; sao kê tài khoản tại các ngân hàng thời điểm tháng 3/2020; văn bản thông qua việc cơ cấu nợ của công ty/hợp đồng tín dụng mới đã ký giữa công ty và các tổ chức tín dụng khác; các văn bản liên quan chứng minh việc sụt giảm doanh thu do ảnh hưởng của Covid-19 (nếu có).
Có thể thấy, ngân hàng ngại gánh rủi ro, nên yêu cầu DN phải nhận được sự hỗ trợ từ ngân hàng, tổ chức tín dụng khác thì mới xem xét, khiến DN không thể bắt đầu ở bất cứ đơn vị nào.
Hơn thế, ngân hàng yêu cầu DN phải chứng minh trên báo cáo kế toán tài chính các ảnh hưởng của dịch bệnh gây ra làm suy giảm khả năng trả nợ của DN, trong khi Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản xác định rõ các ngành nghề chịu thiệt hại nặng nề trong dịch. Yêu cầu này không khác gì việc đợi DN đổ vỡ thực sự rồi mới xét hỗ trợ...
Vậy, các DN đang mong muốn điều gì, thưa bà?
Hầu hết DN đề xuất Chính phủ cần có các giải pháp mạnh và đồng bộ hơn, kiểm soát thật chặt khâu tổ chức thực thi.
Họ cũng kiến nghị Chính phủ cần xây dựng các chính sách giúp DN duy trì sản xuất, kinh doanh, trụ được trong cuộc chiến với Covid-19, chứ không nên xây dựng các chính sách để hỗ trợ khi DN đã gần “kiệt quệ”.
Đơn cử, Nghị quyết 42/NQ-CP có quy định là người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất không quá 12 tháng nếu vì dịch bệnh mà phải cắt giảm từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên...
Với DN dệt may, da giày, vận tải hàng hóa đường bộ, logistics, chỉ cần cắt giảm 20% lao động đã là hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn người mất việc và DN đó cũng có nguy cơ không thể tồn tại hoặc phải dừng hoạt động.
Nếu đợi DN cắt giảm 50% thì có lẽ không còn DN để hỗ trợ và khi đó, gánh nặng đè lên các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp còn nặng hơn, chưa kể thiệt hại tới cả nền kinh tế...
Thay vì các quy định như trên, DN kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung theo hướng có những chính sách giúp DN giữ được dòng vốn trong lúc khó khăn vì dịch để duy trì sản xuất, kinh doanh, thay vì vẫn “nộp” rồi lại làm đơn xin xét nhận hỗ trợ. Chẳng hạn, DN kiến nghị được hoãn nộp một số khoản như bảo hiểm tự nguyện, tiền đóng quỹ hưu trí và tử tuất, hay phí công đoàn... trong vòng 12 tháng. Chính sách này sẽ giúp DN có dòng tiền duy trì hoạt động, duy trì nhân sự để thích nghi, tồn tại trong bối cảnh mới và người lao động không bị mất việc.
Hội nghị Thủ tướng với DN dự kiến tổ chức vào cuối tháng 4/2020 đã chọn chủ đề Tái khởi động kinh tế. Có thể thấy thông điệp phát đi là nỗ lực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để DN vượt qua tác động của dịch bệnh. Ban IV sẽ gửi kiến nghị gì tới Hội nghị?
Chúng tôi sẽ sớm công bố báo cáo khảo sát số 2 để thể hiện rõ hơn hiện trạng, các giải pháp chủ động từ phía DN cùng các kiến nghị DN gửi Chính phủ. Nhưng khái quát, chúng tôi sẽ đề xuất Chính phủ nhanh chóng xây dựng chiến lược cùng các chính sách cho một trật tự kinh tế mới sau dịch, song song với các mục tiêu chống dịch và chống suy thoái DN hiện nay.
Nhiều chuyên gia quốc tế đã đánh giá, mọi thứ sau dịch sẽ rất khác so với nền kinh tế và trật tự xã hội cũ, xét trên bình diện cả quốc tế, khu vực và từng quốc gia. Vì thế, quốc gia nào, ngành nào, DN nào có sự chủ động để chuẩn bị thấu đáo cho tương lai không xa, quốc gia đó, DN đó sẽ giành nhiều lợi thế, thậm chí có rất nhiều đột phá. Và ngược lại, nếu chỉ loay hoay khắc phục đổ vỡ, thiệt hại, tìm cách cứu chữa những thứ khó để cứu chữa mà không kịp phản ứng, chuẩn bị tâm thế, hành động cho những thay đổi, thì chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội.