Thực tế, bảo hiểm Covid-19 được đón nhận là bởi đáp ứng phần nào nhu cầu bảo vệ của người dân. Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, việc dừng bán là để tránh rủi ro tiềm ẩn, chứ không phải do doanh nghiệp có sai sót.
Mặt khác, động thái này cũng không ảnh hưởng tới các khách hàng đã mua bảo hiểm Covid-19 trước đó, bởi nhà bảo hiểm vẫn thực hiện các cam kết cũng như quyền lợi của khách hàng đúng như trong nội dung hợp đồng đã ký kết,
Ðối với người dân chưa mua bảo hiểm Covid-19, Bộ Y tế đã bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 đối với bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm. Theo đó, những người bị nhiễm sẽ được khám và điều trị miễn phí, dù có bảo hiểm hay không.
Cụ thể, người Việt Nam tham gia bảo hiểm y tế sẽ được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả chi phí trị bệnh, người không tham gia được ngân sách nhà nước chi trả.
Ðặc biệt, đối với các bệnh nhân bị cách ly, dù là tập trung hay tại nhà, nếu có nhu cầu khám chữa bệnh, ngoài chi phí đặc trị cho Covid-19, thì những chi phí còn lại của người có thẻ bảo hiểm y tế sẽ được cơ quan bảo hiểm y tế chi trả 100%...
Xét về kinh doanh cũng như tính nhân văn của bảo hiểm, việc triển khai các gói sản phẩm bảo hiểm và mở rộng quyền lợi bảo hiểm đối với các hợp đồng bảo hiểm Covid-19 đã bán cho khách hàng (như không áp dụng thời gian chờ, tăng quyền lợi nằm viện, hỗ trợ một khoản chi phí từ Quỹ hỗ trợ đặc biệt…) thể hiện sự nhanh nhạy của các doanh nghiệp bảo hiểm.
Theo ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, việc mở rộng quyền lợi bảo hiểm thể hiện thái độ trách nhiệm với khách hàng của doanh nghiệp bảo hiểm trước nạn dịch. Các chi phí hỗ trợ đặc biệt không được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ, mà lấy từ nguồn vốn chủ sở hữu, lãi sau thuế… của doanh nghiệp.
Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho biết, việc dừng các gói sản phẩm đang rất “hot” này thực tế không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu của các doanh nghiệp bảo hiểm.
Bởi sức bán sản phẩm bảo hiểm Covid-19 ngay sau khi đưa ra thị trường dù có doanh thu “vượt ngoài sự mong đợi”, nhưng đây là sản phẩm có mức phí rất thấp nên doanh thu từ sản phẩm này chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trên tổng doanh thu của các doanh nghiệp bảo hiểm (thường chưa đến 1% tổng doanh thu).
Tất nhiên, trong bối cảnh nhu cầu mua gói bảo hiểm này đang rất cao nên việc dừng bán đột ngột không chỉ gây bất ngờ với doanh nghiệp, mà cả với khách hàng. Dù tiếc nuối khi phải dừng bán sản phẩm này, song đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, đã là quy định thì phải tuân thủ nghiêm.
Theo vị này, hiện các doanh nghiệp bảo hiểm đang chờ Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn cụ thể hơn để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.
Bởi theo chỉ thị của Thủ tướng thì “các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu, hoặc không triển khai gói bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm đối với bệnh Covid-19”, vậy những sản phẩm bảo hiểm đã được cấp phép trước đây như bảo hiểm chăm sóc sức khỏe (không loại trừ đại dịch) thì có phải dừng bán, hay chỉ cần bổ sung điểm loại trừ này?