Dự thảo Quy hoạch điện VIII vẫn còn những câu hỏi cần giải đáp

0:00 / 0:00
0:00
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương tiếp tục giải trình một số vấn đề. Như vậy Quy hoach điện VIII cho thời kỳ 2021-2030 vẫn chưa được thông qua trong tháng 6/2022 như kỳ vọng.
Dự thảo Quy hoạch điện VIII vẫn còn những câu hỏi cần giải đáp

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 206/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại buổi làm việc về báo cáo bổ sung làm rõ một số nội dung của Quy hoạch điện VIII theo công văn 3787/BCT-ĐL ngày 4/7/2022 của Bộ Công thương.

Theo đó, ngày 15/7/2022, Phó Thủ tướng đã có buổi làm việc với một số đơn vị liên quan, sau khi nghe các báo cáo và ý kiến tham gia, Phó Thủ tướng đã có kết luận.

Cụ thể, yêu cầu Bộ Công thương rà soát, báo cáo bổ sung Chính phủ các dự án điện than, khí đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh đến nay không đưa vào dự thảo Quy hoạch điện VIII theo yêu cầu thực hiện các cam kết tại COP26 có đảm bảo tính pháp lý không.

Đối với việc xem xét đưa lại dự thảo Quy hoạch điện VIII 2.428,42 MW công suất điện mặt trời đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Bộ Công thương cũng được yêu cầu cần chia ra các nhóm dự án là đã hoàn thành đầu tư xây dựng; đã cấp đất và ký hợp đồng mua sắm thiết bị; đã có chủ trương đầu tư và đã cấp đất; đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai thủ tục cấp đất. Cần xác định sơ bộ chi phí, thiệt hại của từng nhóm dự án nêu trên nến không tiếp tục triển khai; phân tích rõ sự phù hợp, không phù hợp của từng dự án theo các quy định của pháp luật.

Liên quan tới các dự án điện khí LNG nhập khẩu, trong dự thảo Quy hoạch điện VIII thì năng lực nhập khẩu khí LNG đến năm 2030 khoảng 14-18 tỷ m3 và tổng công suất nguồn điện quy hoạch đến năm 2030 là 146.000 MW.

Tuy nhiên theo mục tiêu Nghị quyết số 55-NQ/TW có nêu “đủ năng lực nhập khẩu khí tự nhiên hoá lỏng LNG khoảng 8 tỷ m3 vào năm 2030 và 15 tỷ m3 vào năm 2045”, “tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125.000 – 130.000 MW”.

Vì vậy, Bộ Công thương được Phó Thủ tướng yêu cầu cần có quan điểm về nội dung trên có cần báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị hay không?

Các vấn đề này được Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương bổ sung, làm rõ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 21/7/2022.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công thư số 182/LĐCP ngày 10/ 6/2022 về Quy hoạch điện VIII; trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp ngày 18/6/2022 và tại Văn bản số 3671/VPCP-CN ngày 14/6/2022 về việc làm rõ một số nội dung của dự thảo Quy hoạch điện VIII, Bộ Công thương đã có văn bản 3787/BCT-ĐL rà soát một số nội dung của Quy hoạch điện VIII.

Tại văn bản 3787/BCT-ĐL, Bộ Công thương cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận một số vấn đề.

(i) Quy hoạch điện VIII đã được Bộ Công Thương trình tại Tờ trình số 2279/TTr-BCT ngày 29 tháng 4 năm 2022, đảm bảo cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

(ii) Về điện mặt trời: Quy hoạch điện VIII đã không đưa các nguồn điện mặt trời đã được phê duyệt bổ sung Quy hoạch điện VII điều chỉnh nhưng chưa vận hành vào cân đối cung - cầu điện năng. Tuy nhiên, xét tới các rủi ro về pháp lý có thể phát sinh trong trường hợp giãn tiến độ của các dự án đã được chấp thuận nhà đầu tư và các nguồn điện mặt trời là nguồn điện năng lượng tái tạo, phát huy tiềm năng năng lượng sơ cấp trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu nên cần được xem xét để triển khai với điều kiện phải được kiểm soát chặt chẽ. Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận:

- Tiếp tục cho phép triển khai để đưa vào vận hành trong giai đoạn đến năm 2030 các dự án/phần dự án đã hoàn thành thi công với tổng công suất khoảng 452,62 MW và các dự án đã được quy hoạch, đã được chấp thuận nhà đầu tư với tổng công suất khoảng 1975,8 MW nhưng chưa vận hành. Tuy nhiên, các dự án này cần phải tuân thủ theo đúng các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, bám sát khả năng hấp thụ của hệ thống điện quốc gia và khả năng giải tỏa công suất của lưới điện; tuân thủ theo đúng cơ chế giá điện tại thời điểm đưa vào vận hành, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả dự án theo cơ chế được duyệt.

Trong trường hợp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận các dự án này được tiếp tục triển khai trong giai đoạn đến năm 2030, tổng công suất nguồn điện của hệ thống năm 2030 khoảng 133.878,5 MW đối với phương án cơ sở và khoảng 148.358,5 MW đối với phương án phụ tải cao phục vụ điều hành.

- Giãn tiến độ các dự án điện mặt trời đã được quy hoạch nhưng chưa được chấp thuận nhà đầu tư với tổng công suất 4.136,25 MW sang giai đoạn sau năm 2030. Định kỳ hàng năm thực hiện rà soát, tính toán khả năng hấp thụ của hệ thống điện quốc gia và khả năng giải tỏa công suất cục bộ, vận hành an toàn kinh tế của hệ thống. Trường hợp cần thiết xem xét báo cáo Chính phủ cho phép đẩy lên giai đoạn trước năm 2030 nếu các nguồn khác chậm tiến độ để đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tranh thủ mức giá ngày càng rẻ của điện mặt trời.

(iii) Các dự án LNG dự kiến phát triển trong Quy hoạch điện VIII đến năm 2030 với tổng công suất 23.900 MW (chiếm 16,4%) là cần thiết, góp phần đa dạng hóa các loại hình nguồn điện, giảm nhiệt điện than, đảm bảo an toàn vận hành hệ thống và phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 55/NQ-TW.

(iv) Theo mục tiêu Nghị quyết 55-NQ/TW đã nêu “Đủ năng lực nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng LNG khoảng 8 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 15 tỷ m3 vào năm 2045”; tổng công suất các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125-130 GW. Như vậy, nhu cầu nhập khẩu LNG và tổng công suất các nguồn điện đến năm 2030 dự kiến phát triển trong Quy hoạch điện VIII cao hơn mức nêu tại Nghị quyết 55-NQ/TW. Do đó, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cân nhắc sự cần thiết xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị hoặc hướng dẫn của Ban Kinh tế Trung ương về các chỉ tiêu nêu trên trước khi phê duyệt Quy hoạch điện VIII.

Tin bài liên quan