Dự thảo Luật Nhà ở lại “dậy sóng”

Dự thảo Luật Nhà ở lại “dậy sóng”

(ĐTCK) Dư luận lại một lần nữa “dậy sóng” khi Bộ Xây dựng công bố Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi lần thứ 4, trong đó đưa ra nhiều quy định được cho là thiếu thực tế và vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu nhà.

Không phù hợp quy luật toàn cầu hóa

Theo Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi lần thứ 4 vừa được công bố, tên của dự án phát triển nhà ở phải sử dụng bằng tiếng Việt và không được viết tắt. Lý giải nguyên nhân đưa ra quy định này, lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, xuất phát từ thực tế, ở nước ta hiện nay có nhiều dự án tên nước ngoài, gây phức tạp trong quản lý hành chính. Vì vậy, việc quy định đặt tên tiếng Việt này sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ đầu tư và khách hàng. Các chủ đầu tư nước ngoài khi làm dự án phát triển nhà ở cũng phải lấy tên dự án bằng tiếng Việt.

Ngay sau khi quy định này được công bố, trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Trần Như Trung, Phó giám đốc Savills Hà Nội cho rằng, trong khi thị trường bất động sản đang chồng chất khó khăn như hiện nay, thì các cơ quan chức năng cần tập trung xây dựng những quy định phù hợp để giúp thị trường phát triển lành mạnh, tức là giúp thị trường thay đổi về nội dung, chứ không nên chú trọng vào những tiểu tiết mang tính hình thức như quy định trên.

Dự thảo Luật Nhà ở lại “dậy sóng” ảnh 1

Nhiều quy định mới được đưa vào Dự thảo Luật Nhà ở được cho là thiếu thực tế

“Thị trường bất động sản Việt Nam không chỉ có các doanh nghiệp trong nước, mà còn có rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong nước… và họ đã mang đến cho thị trường những công nghệ mới, những phương thức quản lý chuyên nghiệp, những thương hiệu nổi tiếng toàn cầu. Những yếu tố nước ngoài đó đã làm tăng giá trị cho thị trường bất động sản Việt Nam ”, ông Trung nói và đặt câu hỏi, hiện Việt Nam đã gia nhập WTO và tham gia nhiều cam kết với quốc tế, cộng với xu thế toàn cầu hóa mạnh mẽ, thì những quy định nêu trên liệu có phù hợp với xu hướng phát triển hay không? Đồng thời, quy định này có hồi tố đối với các dự án đã hoàn thành?

 

Cần quan tâm đến an ninh quốc gia

Một quy định nữa cũng nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều là việc cho phép đối tượng người nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm: tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án để bán, cho thuê, cho thuê mua tại Việt Nam .

Dự thảo cũng quy định, cá nhân, tổ chức người nước ngoài không được mua và sở hữu nhà ở xã hội, mà chỉ được mua và sở hữu nhà ở thương mại. Tuy nhiên, cá nhân, tổ chức người nước ngoài lại được sở hữu không hạn chế về số lượng nhà ở thương mại trong dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án khu đô thị mới, dự án bất động sản du lịch. Nếu đối tượng này được tặng cho, hoặc được thừa kế nhà ở tại khu vực khác thì chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó.

Người nước ngoài cũng được quyền bán, tặng cho nhà ở thuộc sở hữu của mình cho các đối tượng thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, được thế chấp nhà ở tại tổ chức tín dụng, được cho thuê nhà ở đã mua để sử dụng vào các mục đích mà pháp luật Việt Nam không cấm...

Bình luận quy định này, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, khi Nhà nước ban hành chính sách về vấn đề cho phép người nước ngoài mua bán nhà cần lưu ý đến 2 yếu tố quan trọng là an ninh quốc gia và bản sắc văn hóa dân tộc. Chính sách dù mở cũng vẫn phải có quy định hạn chế. Cụ thể, cần quy định rõ phạm vi bán kính ở gần những khu vực như biên giới, bờ biển, căn cứ quân sự… thì không được mua.

Cũng theo ông Liêm, nếu đề xuất trên được chấp thuận, thì cũng không nên đặt quá nhiều hy vọng sẽ “phá băng” được thị trường bất động sản hiện nay, vì còn phải tùy vào lực cầu đến đâu mới biết được tác động của chính sách này. Tuy nhiên, đây cũng là điều thúc đẩy giao dịch cho thị trường, đặc biệt là phân khúc cao cấp đang ế ẩm hiện nay.

 

Thiếu thực tế

Theo điều 8 của Dự thảo Luật Nhà ở, những hành vi bị nghiêm cấm trong phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở bao gồm cấp giấy phép xây dựng, cải tạo nhà ở đối với trường hợp không được phép xây dựng, cải tạo nhà ở theo quy định của luật này và pháp luật xây dựng; xây dựng nhà ở không có giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng hoặc xây dựng nhà ở trong khu vực cấm xây dựng; xây dựng nhà ở trên đất không đúng mục đích sử dụng đất ở…

Đặc biệt, Dự thảo nghiêm cấm sử dụng nhà ở vào các mục đích như kinh doanh gas; vật liệu gây cháy, nổ; kinh doanh vũ trường; quán bar; nhà nghỉ; dịch vụ karaoke hoặc các hoạt động bị cấm khác theo quy định của pháp uật; sử dụng căn hộ chung cư vào các mục đích bị cấm theo quy định của Chính phủ…

Anh Trần Anh Tuấn, chủ nhà nghỉ Tuấn Linh trên đường Hoàng Quốc Việt đã phản ứng gay gắt với quy định này và cho rằng, kinh doanh nhà nghỉ, cũng như kinh doanh gas; vật liệu gây cháy, nổ; kinh doanh vũ rường; quán bar; dịch vụ karaoke... đều là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải xin phép. Vì vậy, khi các chủ kinh doanh đáp ứng đủ điều kiện và đã được cấp phép, thì không thể cấm được.

“Cả nhà tôi và 5 nhân viên hợp đồng đều sống nhờ vào dịch vụ này, nay ngăn cấm hì chúng tôi sẽ làm gì để mưu sinh”, anh Tuấn bức xúc và đặt câu hỏi, phải chăng các cơ quan chức năng cứ không quản được thì cấm, bất chấp đến thực tế cuộc sống của hàng vạn người dân đang hoạt động trong ĩnh vực kinh doanh nhà nghỉ?

Ông Phạm Sỹ Liêm cho rằng, Ban soạn hảo cần căn cứ vào Bộ Luật dân sự để làm nền tảng khi xây dựng những quy định có liên quan đến đời sống của người dân. Theo ông Liêm, người dân có quyền làm bất cứ điều gì mà pháp luật không cấm.

“Nếu hoạt động kinh doanh nhà nghỉ có gây ra nhiều tệ nạn, phiền toái thì cơ quan chức năng phải quy định lại những điều kiện kinh doanh nhà nghỉ, chứ không nên tùy tiện cấm đoán như vậy”, ông Liêm nói.