Theo dự luật mới được thông qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có 180 ngày để ấn định danh sách các quan chức Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho việc đàn áp trong các trại cải tạo ở Tân Cương. Ảnh: AFP

Theo dự luật mới được thông qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có 180 ngày để ấn định danh sách các quan chức Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho việc đàn áp trong các trại cải tạo ở Tân Cương. Ảnh: AFP

Dự luật trừng phạt Trung Quốc sắp đến tay ông Trump

Hạ viện Mỹ vừa thông qua dự luật trừng phạt các quan chức Trung Quốc về việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang.

Ông Trump sẽ ký ban hành?

Dự luật được phê chuẩn hôm 27/5 với kết quả bỏ phiếu ủng hộ 413 - 1. Trước đó Thượng viện đã thông qua dự luật với số phiếu áp đảo hồi đầu tháng 5. Dự luật sẽ được chuyển đến bàn làm việc của Tổng thống Donald Trump; tuy nhiên người đứng đầu Nhà Trắng chưa khẳng định có ký ban hành luật này không.

Động thái thông qua dự luật trên của Quốc hội Mỹ diễn ra vài giờ sau khi Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố Bộ Ngoại giao Mỹ không còn xem Hong Kong là khu tự trị, đồng thời khẳng định lại Mỹ ủng hộ người biểu tình chống chính quyền ở Hong Kong.

Đài truyền hình CNBC đưa tin, Ngoại trưởng Pompeo hôm 27/5 tuyên bố Mỹ không còn xem Hong Kong là khu tự trị của Trung Quốc sau khi Bắc Kinh đẩy mạnh thông qua luật an ninh quốc gia mới đối với Hong Kong.

Trong khi đó, Trung Quốc cảnh báo sẽ trả đũa bất kỳ lệnh trừng phạt nào nhằm vào nước này và bác bỏ các cáo buộc lạm dụng, đàn áp tại các trại cải tạo, nơi được cho là giam giữ hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakh và các nhóm dân tộc thiểu số khác.

Dự luật vừa được Quốc hội Mỹ thông qua cho phép Tổng thống Mỹ có 180 ngày ấn định danh sách các quan chức Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho việc đàn áp trong các trại cải tạo ở Tân Cương. Các quan chức có tên trong danh sách này sẽ đối mặt với các lệnh trừng phạt. Ông Trump có thể miễn trừ trừng phạt một số cá nhân nếu sự miễn trừ đó là vì lợi ích quốc gia.

Đạo luật trên giống như biện pháp trừng phạt mà Mỹ thông qua hồi năm ngoái. Theo đó, Chen Quanguo, quan chức chịu trách nhiệm giám sát các trại cải tạo và Zhu Hailun, người được coi là “kiến trúc sư nhà tù Tân Cương” là 2 trong số các quan chức Trung Quốc được đưa vào danh sách bị trừng phạt.

“Trung Quốc đang phạm sai lầm lớn”

Mỹ và Trung Quốc “lời qua tiếng lại” về nguồn gốc và trách nhiệm ngăn chặn dịch Covid-19 nhiều tháng qua. Tổng thống Trump đã chỉ trích Trung Quốc về cách thức ngăn chặn dịch Covid-19, còn quan chức hai bên tìm cách đổ lỗi cho nhau về sự lây lan của virus Covid-19.

Sau nhiều năm đàm phán và mâu thuẫn thương mại, hai bên đã đạt thỏa thuận thương mại song phương giai đoạn 1 vào hồi tháng 1 với những cam kết giải quyết nhiều bất đồng trong tương lai.

Chưa đầy 6 tháng nữa, ông Trump sẽ phải đối diện với cử tri một lần nữa trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung từng được ông Trump ca ngợi là một trong những thành tựu chính sách được ký trong nhiệm kỳ của mình, nhưng theo cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow, Tổng thống Trump đã “nổi cơn” với Bắc Kinh về Covid-19 và nhiều vấn đề khác và thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giờ cũng không còn quan trọng với ông Trump như trước.

Phát biểu trên kênh truyền hình Fox News, ông Kudlow các hành động của Bắc Kinh đối với Hong Kong là điều rất phiền toái. Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 vẫn còn nguyên và chính quyền Trump đang xem xét liệu Bắc Kinh có thực hiện các cam kết trong thỏa thuận không.

Mất kiên nhẫn sau khi Hong Kong không chấp nhận luật an ninh quốc gia, Trung Quốc tuyên bố sẽ trực tiếp ban hành luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong để giải quyết vấn đề ly khai, lật đổ, khủng bố và sự can thiệp của nước ngoài vào Hong Kong.

“Nói thẳng ra, Trung Quốc đang phạm sai lầm lớn”, cố vấn Kudlow nhận định.

Ông Kudlow cho biết chính quyền Trump luôn chào đón bất kỳ doanh nghiệp Mỹ nào ở Hong Kong hoặc Trung Quốc đại lục muốn “hồi hương”. “Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để tăng mức hỗ trợ, chi trả chi phí di chuyển sản xuất của doanh nhiệp Mỹ nếu họ đưa chuỗi cung ứng và sản xuất về Mỹ”, vị cố vấn khẳng định.

Tin bài liên quan