Phố Wall hồi trở lại sau dữ liệu kinh tế khả quan vừa được công bố - Ảnh: Reuters

Phố Wall hồi trở lại sau dữ liệu kinh tế khả quan vừa được công bố - Ảnh: Reuters

Dữ liệu kinh tế Mỹ chặn đà rơi của chứng khoán

(ĐTCK) Dữ liệu mới về đơn xin trợ cấp thất nghiệp và sản lượng công nghiệp của Mỹ tích cực giúp chứng khoán và dầu hồi trở lại, trong khi trái phiếu và vàng chịu tác động ngược lại.

Theo dữ liệu vừa được công bố, số đơn nộp xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ tuần qua giảm xuất mức thấp nhất 14 năm, trong khi sản lượng công nghiệp tăng mạnh trong tháng 9.

Dữ liệu này đã giúp giới đầu tư bớt lo đi phần nào về khả năng suy thoái toàn cầu, nhất là sau dữ liệu yếu kém từ kinh tế Đức, cũng như doanh số bán lẻ và giá cả sản xuất của Mỹ vừa được công bố kém tích cực trước đó.

Sau thông tin này, phố Wall từ mức giảm hơn 1% đã dần hồi phục và sắc xanh đã xuất hiện ở S&P 500 và Nasdaq, trong khi đà giảm của Dow Jones được hạn chế đến mức tối thiểu.

Ngoài ra, phố Wall cũng được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được công bố. Theo đó, trong 63 công ty của S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh quý III, có 65,1% vượt mong đợi, cao hơn con số trung bình 20 năm, nhưng thấp hơn quý trước.

Kết thúc phiên 16/10, chỉ số Dow Jones giảm 24,50 điểm (-0,15%), xuống 16.117,24 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,27 điểm (+0,01%), lên 1.862,76 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 2,07 điểm (+0,05%), lên 4.217,39 điểm.

Tương tự chứng khoán châu Âu cũng hồi lại vào cuối phiên sau khi chạm mức thấp nhất 13 tháng nhờ đón nhận thông tin tích cực kịp thời từ Mỹ.

Kết thúc phiên 16/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 15,73 điểm (-0,25%), xuống 6.195,91 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 10,95 điểm (+0,13%), lên 8.582,90 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 21,10 điểm (-0,54%), xuống 3.918,62 điểm.

Trong khi đó, do ảnh hưởng của chứng khoán Âu, Mỹ phiên trước, cũng như đồng yên tăng mạnh, chứng khoán Nhật Bản đã có phiên lao dốc ngày thứ Năm. Tương tự, chứng khoán Hồng Kông và chứng khoán đại lục cũng giảm mạnh trong phiên giao dịch này.

Kết thúc phiên 16/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 335,14 điểm (-2,22%), xuống 14.738,38 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 239,11 điểm (-1,03%), xuống 22.900,94 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục giảm 17,17 điểm (-0,72), xuống 2.356,50 điểm.

Dữ liệu kinh tế khả quan của Mỹ vừa được công bố khiến giá vàng phải quay đầu giảm giá trong phiên thứ Năm. Tuy nhiên, mối lo về kinh tế toàn cầu vẫn còn, nên giá kim loại quý này không giảm mạnh và chỉ ở sát mức 1.240 USD/ounce.

Kết thúc phiên 16/10, giá vàng giao ngay giảm 2,2 USD (-0,18%), xuống 1.238,90 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 3,6 USD (-0,29%), xuống 1.241,2 USD/ounce.

Trong khi đó, dữ liệu kinh tế vừa công bố hỗ trợ tích cực cho giá dầu, giúp giá loại nhiên liệu này hồi phục sau những phiên lao dốc mạnh và xuống mức thấp nhất 4 năm.

Kết thúc phiên 16/10, giá dầu thô trên thị trường Mỹ tăng 0,92 USD (+1,11%), lên 82,70 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,69 USD (+0,82%), lên 84,47 USD/thùng.

Tin bài liên quan