Xe điện đang ngày càng phổ biến ở Việt Nam

Xe điện đang ngày càng phổ biến ở Việt Nam

Dự báo sớm tương lai bảo hiểm xe điện

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Xu hướng sử dụng xe điện đang tăng nhanh tại Việt Nam, mang lại cơ hội lớn cho dòng sản phẩm bảo hiểm xe mới này, song cũng được dự báo sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt về thị phần như dòng bảo hiểm xe truyền thống hiện tại.

Doanh số xe điện tiếp tục dẫn đầu

Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, trong tháng 5/2023, toàn thị trường ô tô tiêu thụ tổng cộng 20.726 xe các loại, giảm 8% so với tháng 4 và giảm 53% doanh số so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh số bán hàng toàn thị trường tính đến hết tháng 5/2023 giảm 36% so với cùng kỳ 2022.

Lượng xe hơi bán mới trong những tháng đầu năm 2023 giảm mạnh khiến tình hình khai thác doanh thu phí từ nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới gặp khó khăn. Chưa có số liệu thống kê chính thức toàn thị trường, nhưng nhiều doanh nghiệp bảo hiểm ước tính, doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới quý II/2023 chưa có nhiều cải thiện so với quý I. Được biết, mức giảm doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới trong quý đầu năm nay là hơn 5% so với cùng kỳ năm trước.

Bảo hiểm xe cơ giới luôn được coi là sản phẩm chủ lực (chiếm khoảng 20% thị phần tổng doanh thu) nên hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đều muốn khai thác tối đa sản phẩm này.

Trong bức tranh màu xám đó, bảo hiểm xe điện nổi lên như là tia sáng hiếm hoi. Báo cáo bán hàng từ VinFast cho biết, trong tháng 5/2023, hãng ô tô này đã hoàn tất bàn giao tổng cộng 1.274 xe VF8 đến tay khách hàng Việt Nam. Như vậy, xe điện VinFast có lần thứ hai dẫn đầu toàn thị trường về doanh số, sau khi dòng xe VFe34 giành ngôi đầu trong kỳ báo cáo tháng 4.

Sự tăng trưởng về xe điện của VinFast trong năm 2023 đến từ việc hãng ô tô này đã ngừng sản xuất xe xăng và dồn toàn lực cho xe điện từ tháng 7/2022. Kỷ nguyên xe điện đang mở ra cơ hội phát triển những dòng sản phẩm bảo hiểm mới dành riêng cho những chiếc xe “xanh” này tại Việt Nam.

Tương lai nào cho bảo hiểm xe điện?

Xe chạy bằng pin là sản phẩm mới nên chưa có nhiều sản phẩm bảo hiểm chuyên biệt, nhưng khi trở nên thông dụng hơn, cạnh tranh thị phần bảo hiểm cho dòng xe này sẽ rất khốc liệt.

Tại Hội thảo “Định hình kỹ năng cho nhân lực bảo hiểm và kinh nghiệm quốc tế về bảo hiểm xe điện” do Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) phối hợp cùng Học viện Bảo hiểm và Tài chính Australia và New Zealand (ANZIIF), Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức mới đây, ông Bùi Gia Anh - Tổng thư ký IAV nhìn nhận, với sự chuyển dịch dần từ việc sử dụng xe xăng sang xe điện, thị trường bảo hiểm Việt Nam sẽ có sự thay đổi về sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới truyền thống.

Thực tế cho thấy, xe điện là xu thế tất yếu trên thế giới. Tình trạng ô nhiễm môi trường, các tác hại không nhỏ do khí thải từ các phương tiện giao thông gây ra… đã thúc đẩy thế giới chuyển đổi sang hướng sử dụng năng lượng xanh.

Tại Việt Nam, ngày 22/7/2022, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành giao thông - vận tải (Quyết định số 876/QĐ-TTg), trong đó nêu rõ mục tiêu cần đạt được là phát thải ròng khí nhà kính tới năm 2050 về mức “0”. Đồng thời, chương trình cũng nêu lộ trình cụ thể cho mỗi giai đoạn để đến năm 2050, toàn bộ xe cơ giới tham gia giao thông tại Việt Nam sử dụng điện/năng lượng xanh.

Cũng tại hội thảo, các diễn giả của ANZIIF chia sẻ kinh nghiệm triển khai bảo hiểm xe điện tại Trung Quốc - thị trường đi đầu về sử dụng xe điện trên quy mô toàn cầu. Thực tế, bảo hiểm xe điện đã được triển khai từ lâu trên thế giới, nhưng là xu hướng mới tại Việt Nam, nên các doanh nghiệp bảo hiểm mong muốn tiếp nhận kinh nghiệm từ các nước có bảo hiểm xe điện phát triển, đặc biệt về vấn đề định phí, quản trị rủi ro đối với bảo hiểm xe điện.

Theo ông Anthony Baker, Phó tổng giám đốc Kỹ thuật, Allianz Partners APAC, mô hình định giá cho bảo hiểm xe điện khá phức tạp, chẳng hạn tại Đức có tới 35 mô hình định phí cho bảo hiểm xe điện, trong mỗi mô hình lại chia ra từng loại nhỏ rất cụ thể, rõ ràng.

Theo kinh nghiệm của Trung Quốc, mỗi nhà sản xuất xe điện có công nghệ riêng, có dòng xe điện phải thay toàn bộ bộ phận pin, nhưng có dòng xe có thể bóc tách bộ phận, nên việc nắm rõ từng loại xe, từng hãng xe và thông tin từ các gara, trạm cứu hộ xe… là điều vô cùng cần thiết cho việc định phí và quản trị rủi ro trong bảo hiểm xe điện.

Với khoảng 25.000 yêu cầu bồi thường bảo hiểm mỗi năm, Chính phủ Trung Quốc cùng các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước rất chú trọng tới việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu bằng cách thu thập dữ liệu về các hãng xe điện, tần suất xảy ra sự cố xe (đâm va, hỏng hóc…), thói quen điều khiển xe của người dùng, lịch sử yêu cầu bồi thường của khách hàng, đầu tư vào công nghệ (cài thêm thiết bị vào xe để có thông tin chính xác khi rủi ro xảy ra), đầu tư lắp đặt và thu phí với hệ thống sạc pin cho xe điện…

Tại Việt Nam, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, để đón đầu sự phát triển của phân khúc này, Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã tung ra thị trường sản phẩm bảo hiểm vật chất pin cho xe điện. Cụ thể, PTI sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho chủ xe cơ giới những thiệt hại vật chất của pin khi xe ô tô bị tổn thất do thiên tai, tai nạn bất ngờ.

Đối với sản phẩm bảo hiểm xe điện, ngoài các điểm loại trừ chung theo quy định, PTI sẽ không chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho những trường hợp tổn thất do hao mòn tự nhiên hoặc do bản chất vốn có của tài sản, hỏng hóc do khuyết tật hoặc hỏng hóc thêm do sửa chữa, tổn thất của pin vì sử dụng thiết bị sạc không đúng...

Được biết, PTI là hãng bảo hiểm đầu tiên tại Việt Nam đưa ra sản phẩm bảo hiểm pin xe ô tô điện. Căn cứ vào nhu cầu thị trường, các công ty bảo hiểm khác cũng dự kiến có những thay đổi, bổ sung điều khoản cho bảo hiểm xe cơ giới chạy bằng pin...

Theo đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm, do bảo hiểm bắt buộc tai nạn dân sự chủ xe cơ giới chủ yếu liên quan đến trách nhiệm của chủ xe khi gây thiệt hại cho bên thứ ba, không liên quan đến động cơ của xe, nên việc tính phí và bán sản phẩm bảo hiểm này cho xe động cơ xăng và xe cơ giới chạy bằng pin đều như nhau.

Đối với bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện, việc bán bảo hiểm cho xe điện và và xe xăng về cơ bản giống nhau, nhưng có điểm khác là xe động cơ xăng có điều kiện thủy kích (có thu phí), còn xe điện có điều kiện bảo hiểm cho pin (cũng thu phí) do pin chủ xe đi thuê của hãng. Hai điều kiện này đều bán bảo hiểm nếu chủ xe yêu cầu.

Với bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện cho xe chạy bằng pin, hiện khách hàng có 3 lựa chọn mua gồm bảo hiểm vật chất thân vỏ xe không bao gồm pin, bảo hiểm vật chất xe cùng pin và bảo hiểm riêng cho pin, với mức phí cơ bản tương đương với mức phí đang áp dụng cho xe xăng.

Theo giải thích của vị đại diện trên, việc chia tách các sản phẩm cho loại hình bảo hiểm tự nguyện nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho khách hàng. Hơn nữa, pin của xe điện là do chủ xe đi thuê của hãng xe, không thuộc sở hữu của chủ xe, nên các hãng bảo hiểm sẽ bán tách riêng bảo hiểm vỏ xe không bao gồm pin.

Hiện tại, mức phí bảo hiểm áp dụng cho xe điện tại thị trường Việt Nam tương đương phí bảo hiểm dành cho xe xăng, trong khi ở thị trường thế giới, người dùng các loại phương tiện sử dụng năng lượng mới phải đóng bảo hiểm cao hơn từ 15-20% so với phương tiện truyền thống.

Thực tế, xe chạy bằng pin là sản phẩm mới ở Việt Nam nên chưa có nhiều sản phẩm bảo hiểm chuyên biệt. Tuy nhiên, trong tương lai, khi trở nên thông dụng hơn, cạnh tranh thị phần bảo hiểm cho dòng xe này dự báo sẽ rất khốc liệt, tương tự như bảo hiểm xe cơ giới hiện nay.

Tin bài liên quan