Bộ Tài chính cho biết, định hướng trong năm 2020 là tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của toàn thị trường bảo hiểm ở mức 20%. Năm 2019, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 160.180 tỷ đồng, tăng trưởng 20,54%, trong đó khối nhân thọ đạt 107.793 tỷ đồng.
Theo đó, các công ty bảo hiểm đã có sự chuẩn bị ngay từ đầu năm. Đơn cử, Sun Life Việt Nam thông báo sẽ tăng vốn điều lệ hơn 5.000 tỷ đồng nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có việc hợp tác với TPBank để phân phối độc quyền các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng (bancassurance) trong 15 năm.
Đây là yếu tố quan trọng để Sun Life Việt Nam gia tăng niềm tin đối với với khách hàng, đối tác và cộng đồng.
Bên cạnh đó, Sun Life Việt Nam còn đẩy mạnh đầu tư thông qua nhiều đối tác có tiềm năng khác, mở rộng mạng lưới văn phòng kinh doanh và dịch vụ khách hàng trên toàn quốc, đầu tư vào hệ thống công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, marketing và con người…
Hay tại Hanwha Life Việt Nam, nhà bảo hiểm này tiếp tục dồn sức cho kênh đại lý truyền thống để chiếm lĩnh thị trường ở các thành phố lớn, bên cạnh nâng cao sức cạnh tranh của từng sản phẩm và các kênh phân phối khác.
Một trong những chiến lược quan trọng của Hanwha Life Việt Nam là sự cách tân về chất lượng dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ. Hanwha Life Việt Nam đang trong quá trình thành lập công ty con chuyên về Big Data (dữ liệu lớn).
Công ty này sẽ đóng vai trò nâng cao năng lực công nghệ số nhằm phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng của Hanwha Life Việt Nam thời gian tới.
Ông Clive Baker, Tổng giám đốc Prudential Việt Nam đánh giá, thị trường bảo hiểm Việt Nam đang có 3 thay đổi lớn, tập trung vào các kênh phân phối, phát triển sản phẩm và ứng dụng kỹ thuật số.
Cụ thể, về kênh phân phối, đại lý vẫn sẽ đóng vai trò chủ đạo và duy trì ảnh hưởng lớn trong kết quả chung của doanh nghiệp, nhưng tốc độ tăng trưởng sẽ không cao bằng bancassurance.
Các ngân hàng hiện đang muốn đẩy mạnh doanh thu từ mảng kinh doanh bảo hiểm bởi sự tăng trưởng tín dụng cao khiến bảo hiểm trở nên hấp dẫn hơn.
“Về định vị sản phẩm, các giải pháp tiết kiệm sẽ tiếp tục tăng trưởng và phần lớn sẽ hướng tập trung cho hoạt động giáo dục. Sự già đi của dân số tại Việt Nam sẽ thúc đẩy mọi người tăng cường tiết kiệm và dự phòng cho hưu trí.
Điều này sẽ diễn ra trong 3-5 năm tới và Prudential đang chuẩn bị cho xu hướng này với các giải pháp tiết kiệm từ các sản phẩm liên kết đơn vị mà Prudential đang giữ vị thế chủ đạo trên thị trường”, ông Clive Baker thông tin.
Ngoài ra, Prudential cũng sẽ tập trung vào các giải pháp bảo vệ vì người dân đang ngày càng quan tâm đến những tình huống không may xảy ra có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ, đặc biệt là sau giai đoạn nghỉ hưu.
Vì vậy, bảo hiểm bệnh hiểm nghèo cũng như các sản phẩm bảo vệ khác sẽ ngày càng phổ biến hơn với người dân Việt Nam.
Không chỉ bảo hiểm bệnh hiểm nghèo, theo các chuyên gia trong ngành, năm 2020 tiếp tục là năm bùng nổ các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, bởi cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền về bảo hiểm và tăng cường vai trò của các hội nghề nghiệp, các cơ quan chức năng có kế hoạch tăng cường kết nối liên thông giữa bảo hiểm y tế xã hội với bảo hiểm y tế thương mại.
Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty bảo hiểm kết nối dữ liệu khách hàng, phát triển sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm.
Cùng với đó là tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và trình Chính phủ xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; thiết lập hệ thống công nghệ thông tin, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng cơ sở dữ liệu cho thị trường bảo hiểm…