Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP

Dự án khách sạn bộc lộ thế bí của Trump ở Trung Quốc

Donald Trump từng gọi Trung Quốc là "kẻ thù" hay mối đe dọa nhưng trong ít nhất 8 năm qua, chuỗi kinh doanh khách sạn của ông vẫn tìm cách vào thị trường tiềm năng này.
Mặc dù các cuộc đàm phán vẫn chưa cho kết quả, Trump Hotels, phân nhánh phụ trách kinh doanh dịch vụ khách sạn thuộc đế chế Trump Organization, vẫn tự tin đưa ra dự báo rằng họ có khả năng mở 20 đến 30 khách sạn hạng sang ở Trung Quốc.
Tham vọng này đòi hỏi công ty Trump phải tham gia những cuộc thương thảo với các quan chức đảng Cộng sản Trung Quốc, những người mà tổng thống đắc cử Mỹ lâu nay vẫn thể hiện thái độ thiếu tin tưởng, theo Washington Post.

Ngày 12/12, Trump đăng tải một dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter khẳng định ông sẽ không thực hiện "bất kỳ thỏa thuận mới nào" khi ở Nhà Trắng. Hiện chưa rõ thông điệp trên có ý nghĩa ra sao đối với Trump Hotels. Cả Trump Organization lẫn đội ngũ chuyển giao quyền lực của nhà tài phiệt New York đều từ chối bình luận.

Nếu Trump Hotels thực sự muốn tiếp tục mở rộng tại Trung Quốc sau khi Trump chính thức trở thành tổng thống Mỹ, điều này sẽ đặt ông vào tình thế vô cùng phức tạp khi xử lý mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Giới chuyên gia cũng nghi ngờ Trump, với tư cách tổng thống Mỹ, có thể gây sức ép lên Trung Quốc nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh, tạo ra xung đột lợi ích.

"Rất khó để các chính trị gia nước ngoài làm ăn ở Trung Quốc", Liu Xuemei, phó chủ tịch công ty New World Development thuộc tập đoàn phát triển bất động sản Huamei, nhận xét. "Nếu muốn làm chính trị, đừng cố tìm cách kinh doanh tại Trung Quốc".

Theo Liu, việc dựng lên một tòa nhà ở Trung Quốc không phải điều khó nhưng trở ngại nằm ở quá trình mua đất và xin giấy phép xây dựng.

"Nhiều vấn đề sẽ nảy sinh", bà Liu nói. "Nếu có quan hệ không tốt đẹp với Trung Quốc, không đời nào các giấy tờ của bạn được chấp thuận. Rất khó để thảo luận với chính phủ Trung Quốc, thế nên việc xây dựng cũng sẽ rất trúc trắc".

Dấu ấn Trump ở Trung Quốc

du-an-khach-san-boc-lo-the-bi-cua-trump-o-trung-quoc-1

Hình ảnh ông Trump xuất hiện trên một tạp chí ở Trung Quốc. Ảnh: AFP

Niềm hứng thú của Trump đối với Trung Quốc nảy sinh từ cuối năm 2005 khi ông nộp đơn xin mở thương hiệu "Trump" tại đây đối với hàng loạt lĩnh vực kinh doanh, bao gồm cả khách sạn và bất động sản. Song tiến trình thực hiện vô cùng chậm chạp. Nhà tài phiệt New York đã mất cả một thập kỷ để đăng ký thương hiệu Trump ở Trung Quốc.

Năm 2008, South China Morning Post đưa tin Trump Hotels có kế hoạch bắt tay với một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc là Evergrande Real Estate và Orient Property Group ở Hong Kong để cùng triển khai dự án xây dựng một tòa tháp văn phòng quy mô ở thành phố Quảng Châu. Tuy nhiên, một tháng sau, thỏa thuận đổ vỡ vì Evergrande rút lui, theo NPR.

Năm 2012, Trump Hotel Collection mở văn phòng đại diện tại Thượng Hải với 10 nhân viên. Đây là văn phòng đầu tiên của họ ở châu Á.

Trong một thông báo đưa ra vào năm sau đó, ông Todd G. Wynne-Parry, phó chủ tịch phụ trách sáp nhập và phát triển khách sạn toàn cầu thuộc Trump Hotel Collection, cho biết đội ngũ phát triển của Trump đã xếp Trung Quốc là thị trường đang lên giàu tiềm năng hàng đầu. Một quản lý cấp cao khác của công ty cũng tuyên bố đang nhắm tới mục tiêu xây dựng 30 khách sạn trên đất Trung Quốc vào năm 2020.

Trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra, hồi tháng 10, truyền thông Trung Quốc dẫn lời giám đốc điều hành Trump Hotels Eric Danziger phát biểu tại một hội nghị về khách sạn tại Hong Kong, nhấn mạnh họ vẫn hướng đến việc mở chuỗi khách sạn Trump tại 20 đến 30 thành phố Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Danziger không nêu thời điểm cụ thể tiến hành kế hoạch trên.

"Chắc chắn khách sạn Trump sẽ xuất hiện tại các thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh hay Thượng Hải", Danziger quả quyết.

Nhưng nếu những lời Danziger nói là thật, các dự án này sẽ đối mặt với nguy cơ thất bại hoặc trở thành gánh nặng cho đế chế kinh doanh Trump nếu tổng thống đắc cử Mỹ không thể giữ mối quan hệ hòa hoãn với Trung Quốc.

Xung đột lợi ích

du-an-khach-san-boc-lo-the-bi-cua-trump-o-trung-quoc-2

Các sinh viên Trung Quốc cùng trò chuyện khi xem một cuộc tranh luận trực tiếp giữa ông Trump và đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Ảnh: AP

"Các công ty bất động sản nhà nước đóng vai trò lớn trong ngành bất động sản Trung Quốc. Những công ty tư nhân cũng phải hoạt động dựa trên sự dò xét tín hiệu từ chính phủ", Liao Jun, phó chủ tịch công ty Vanke Oriental Properties, bình luận. "Nếu quan hệ Mỹ - Trung xấu đi, Trump không tài nào có hy vọng làm ăn, kinh doanh ở Trung Quốc". Và bất kỳ khách sạn Trump nào mở cửa vào thời điểm đó cũng sẽ phải chịu áp lực cực lớn, ông Jun cho biết thêm.

"Những người có tiền và địa vị ở Trung Quốc đều coi trọng danh tiếng", Liu nói. "Nếu Trung Quốc xảy ra chiến tranh thương mại hay có lời qua tiếng lại với Trump, nếu ở lại khách sạn Trump, dù chỉ một đêm, họ có thể quên chuyện làm ăn trên đất Trung Quốc đi", Liu quả quyết.

Một số người thắc mắc vì sao Trump Hotels lại gặp quá nhiều khó khăn khi bước chân vào Trung Quốc. Theo giới chuyên gia bất động sản, nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ việc thị trường khách sạn hạng sang mà công ty Trump nhắm tới đang trải qua thời kỳ khó khăn do ảnh hưởng từ chiến dịch truy quét tham nhũng ở Trung Quốc. Một số khách sạn thậm chí còn phải hạ số sao để các quan chức có thể tới nghỉ.

Mặt khác, Trump không phải một thương hiệu phổ biến ở Trung Quốc, ông Daniel Voellm, đối tác quản lý tại HVS, công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường khách sạn có trụ sở ở Hong Kong, nhận xét. "Ông ấy hầu như mới chỉ quảng bá thương hiệu chứ không phát triển thực sự".

Liao cũng đồng tình. "Tôi đã tham gia ngành bất động sản hàng thập kỷ nay nhưng không hề biết về Trump chỉ cho tới khi tôi đến Las Vegas khoảng hai năm trước", ông nói, đồng thời thêm rằng đối với người dân Trung Quốc, trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Trump là một cái tên xa lạ.

Hiện tại, thương hiệu Trump phần nào trở nên nổi tiếng hơn ở Trung Quốc nhưng việc ông chủ của nó sắp nhậm chức tổng thống Mỹ lại là một trở ngại lớn đối với Trump Hotels khi muốn thâm nhập thị trường rộng lớn này bởi mối lo sợ về khả năng xảy ra xung đột lợi ích, chuyên gia nhận định.

Bên cạnh đó, Trump Hotels cũng từng vướng phải rắc rối ở Trung Quốc. Hồi năm 2013, Trump Hotels ký một biên bản ghi nhớ với State Grid Corp, doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực điện lớn nhất Trung Quốc, hợp tác phát triển một dự án tổ hợp bao gồm khách sạn cao cấp, chung cư hạng sang, văn phòng cùng các tiện ích khác, theo một nguồn tin am hiểu vấn đề.

Thỏa thuận, được gắn mác hợp tác xây dựng thương hiệu và quản lý, có giá trị ước tính khoảng 100 triệu đến 150 triệu USD trong vòng 15 năm. Song thương vụ đã bị tạm ngừng sau khi nhà chức trách Trung Quốc mở cuộc điều tra tham nhũng đối với State Grid, theo AFP. Tháng 6/2015, Cơ quan Kiểm toán Nhà nước Trung Quốc chỉ ra rằng State Grid Corp đã nộp đơn xin phép xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển trên khu đất, không phải nhà ở thương mại.

Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump liên tục đưa ra các bình luận chỉ trích Trung Quốc. Trong cuốn sách xuất bản năm 2011 với tựa đề "Time to Get Tough" (tạm dịch: Đã đến lúc cứng rắn), ông gọi các lãnh đạo Trung Quốc là "kẻ thù" và cáo buộc Trung Quốc "hủy hoại" cuộc sống của người Mỹ. Nhưng thỏa thuận với State Grid không phải thương vụ duy nhất mà công ty ông hợp tác với các công ty nhà nước Trung Quốc.

Tại New York, dữ liệu cho thấy Ngân hàng Thương mại và Công nghiệp nhà nước Trung Quốc là một trong những khách thuê văn phòng lớn nhất tại tòa nhà Trump Tower. Thỏa thuận với ngân hàng Trung Quốc mang đến cho công ty Trump 1,5 triệu USD lợi nhuận hàng năm và sẽ hết hạn vào năm 2018, theo Bloomberg.

Tại Quốc hội Mỹ, nhiều thành viên đảng Dân chủ cũng đang tỏ ra lo ngại trước việc những mối làm ăn của ông Trump ở Trung Quốc có thể gây ra xung đột lợi ích một khi nhà tài phiệt New York chính thức trở thành tổng thống Mỹ.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Elijah E. Cummings hôm 14/12 nhấn mạnh việc Trump muốn giữ tên mình tại một số lĩnh vực kinh doanh, ví dụ như chương trình thực tế "Nhân viên Tập sự", không phải vấn đề đối với ông nhưng trong các giao dịch với nước ngoài lại là câu chuyện khác.

Cummings lo lắng trước viễn cảnh các chính phủ nước ngoài sẽ lợi dụng mối quan hệ làm ăn với đế chế kinh doanh nhà Trump để "can thiệp vào công việc chính phủ Mỹ" hay hưởng những lợi ích đặc biệt.

Tin bài liên quan