Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 63 vẫn đang trong tình trạng thi công dở dang.

Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 63 vẫn đang trong tình trạng thi công dở dang.

Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 63: Trĩu nặng công nợ

Thi công dở dang, nợ đọng kéo dài do vốn cấp không đủ là những gì đang diễn ra tại Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 63 do Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Cà Mau làm chủ đầu tư.

Hụt vốn 

Kiểm toán Nhà nước vừa có Thông báo số 217/TB-KTNN gửi Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) tỉnh Cà Mau thông báo kết quả kiểm toán tại Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 63 đoạn từ Km74+200 - Km112+782 do Sở GTVT Cà Mau làm chủ đầu tư.

Đây là một trong những dự án được Kiểm toán Nhà nước đưa vào tầm ngắm tại Quyết định số 1799/KTNN, ngày 29/8/2018 của Tổng kiểm toán Nhà nước về kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2017 trong lĩnh vực GTVT.

Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 63 đoạn qua tỉnh Cà Mau có chiều dài 38,6 km (từ Km74+200 - Km112+782) được Bộ GTVT phê duyệt vào năm 2010, với tổng mức đầu tư 1.255 tỷ đồng. 

Do tính cấp bách của đoạn tuyến qua nội ô TP. Cà Mau để có đường vận chuyển phân đạm khi Nhà máy Đạm Cà Mau hoạt động và đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép triển khai trước đoạn tuyến từ Km110+323 - Km112+782 bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước với kinh phí đầu tư 520 tỷ đồng. 

Ngoài lỗi bố trí vốn không đầy đủ, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu chủ đầu tư Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 63 giảm giá trị hợp đồng 7,4 tỷ đồng, nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với công tác quản lý chất lượng, nghiệm thu thanh toán và giám sát công trình.    

Đoạn còn lại (từ Km74+200 - Km110+323), do đã có tuyến đường Hành lang ven biển phía Nam từ TP. Cà Mau đến TP. Rạch Giá chạy song hành với Quốc lộ 63, nên trong điều kiện nguồn lực hạn chế, giai đoạn trước mắt, chỉ gia cố lề, mở rộng mặt đường Quốc lộ 63 bằng nguồn vốn bảo trì đường bộ, đảm bảo chiều rộng mặt đường 5,5 m trên toàn tuyến.

Đối với đoạn tuyến qua nội ô TP. Cà Mau, dù được ưu tiên đầu tư, nhưng đến nay, ngân sách nhà nước mới bố trí 151 tỷ đồng, trong đó tại kế hoạch vốn giai đoạn 2016 - 2020, Dự án được bố trí 70 tỷ đồng, đã giải ngân hết trong năm 2016 và 2017. 

Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, đến cuối tháng 1/2019, hai gói xây lắp chính của Dự án là gói thầu số 19, gói thầu số 20 bị chậm tiến độ rất sâu so với quy định hợp đồng. Mặc dù được gia hạn tiến độ nhiều lần, nhưng thực tế khối lượng nghiệm thu của 2 gói thầu này chưa đạt 50% khối lượng hợp đồng. 

Cụ thể, gói thầu số 19 - xây dựng nền, mặt đường, cống ngang và hệ thống thoát nước từ Km110+200 - Km112+515,31 có thời gian thực hiện hợp đồng là 420 ngày (từ ngày 21/9/2015 đến ngày 21/11/2016), gia hạn 3 lần đến ngày 31/12/2018; gói thầu số 20 - xây dựng cầu Phụng Hiệp có thời gian thực hiện hợp đồng là 540 ngày, gia hạn hợp đồng đến ngày 31/12/2018.

“Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thi công bê trễ là do công tác bố trí vốn của các bộ, ngành chưa kịp thời, làm gián đoạn công tác thi công của nhà thầu”, Kiểm toán Nhà nước đánh giá. 

Cũng do vốn cấp không đủ, nên tổng số tiền nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản tại Dự án đã lên tới 26,631 tỷ đồng, gây khó khăn các nhà thầu và ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư công trình.

Nguy cơ nợ đọng kéo dài

Trong Thông báo số 217, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Bộ GTVT rút kinh nghiệm trong việc thẩm định Dự án đầu tư khi thuyết minh dự án chưa xác định được khả năng thu xếp vốn, nguồn vốn và cấp vốn theo tiến độ, dẫn tới việc bố trí bị gián đoạn.

Được biết, ngoài 151 tỷ đồng vốn ngân sách được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 và đã giải ngân hết từ năm 2017, hơn một năm nay, Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 63 không nhận thêm đồng vốn nào. 

Trong Công văn số 1687/BGTVT-KHĐT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham gia ý kiến về việc phân bổ dự phòng chung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, cuối tháng 2/2019, Bộ GTVT đã đề xuất bổ sung khoảng 303 tỷ đồng cho Dự án.

Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 63 nằm trong danh mục 21 công trình giao thông đang thi công dở dang với nhu cầu vốn khoảng 7.454 tỷ đồng. Dự án sẽ phải dừng giãn nếu không được bổ sung vốn để tiếp tục thực hiện, gây mất an toàn giao thông, đi lại khó khăn, lãng phí nhân công, thiết bị thi công đã huy động trên công trường và sẽ tốn một khoản kinh phí khi tái khởi động nếu tiếp tục được bố trí vốn. 

“Trong các dự án này, có một số dự án có nhu cầu bổ sung kinh phí không lớn, có sẵn nhà thầu, tư vấn và thi công, có thể triển khai ngay sau khi được bố trí bổ sung vốn và chỉ cần thời gian ngắn để hoàn thành, phát huy ngay hiệu quả đầu tư”, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.

Tin bài liên quan