Dự án Bể thử mô hình tàu thủy vẫn ngổn ngang.

Dự án Bể thử mô hình tàu thủy vẫn ngổn ngang.

Dự án Bể thử mô hình tàu thủy tại Trường đại học Hàng hải Việt Nam: Vỡ sâu tiến độ, gây lãng phí

Việc vỡ rất sâu tiến độ và xuất hiện nhiều khoản lãng phí lớn đã khiến Dự án xây dựng Phòng thí nghiệm trọng điểm - Bể thử mô hình tàu thủy của Trường đại học Hàng hải Việt Nam giảm hiệu quả ngay trong giai đoạn triển khai đầu tư.

Truân chuyên

Rất ít điểm sáng tích cực trong Thông báo kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án xây dựng Phòng thí nghiệm trọng điểm - Bể thử mô hình tàu thủy (Dự án Bể thử mô hình tàu thủy) thuộc Trường đại học Hàng hải Việt Nam vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố.

Đây là một trong những dự án hạ tầng đào tạo - ứng dụng khoa học công nghệ sử dụng vốn đầu tư công được đánh giá là có số phận rất truân chuyên.

Được khởi công trong giai đoạn cực thịnh của ngành đóng tàu, Dự án Bể thử mô hình tàu thủy do Viện Khoa học công nghệ tàu thủy (Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin, nay là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy) làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư là 1.498 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự kiến từ 2009 - 2013. Công trình được xây dựng mới trên diện tích khu đất khoảng 25 ha tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc với mục tiêu xây dựng Phòng thí nghiệm trọng điểm - Bể thử mô hình tàu thủy trở thành trung tâm nghiên cứu thủy khí động lực học tàu thủy quốc gia có quy mô lớn nhất khu vực.

Do Vinashin lâm vào khủng hoảng, không có khả năng thực hiện, nên vào tháng 1/2015, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc chuyển địa điểm thực hiện Dự án Bể thử mô hình tàu thủy từ Khu công nghệ cao Hòa Lạc đến địa điểm mới tại xã Lâm Động, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng và giao Trường đại học Hàng hải Việt Nam làm chủ đầu tư.

Vào tháng 10/2015, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã có Quyết định số 3800/QĐ - BGTVT phê duyệt điều chỉnh Dự án. Theo đó, Dự án Bể thử mô hình tàu thủy có tổng mức đầu tư là 503 tỷ đồng + 18,3 triệu EUR + 2,56 triệu USD, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Ba Lan và vốn đối ứng trong nước; thời gian hoàn thành công trình được nới đến năm 2019.

Tuy nhiên, ngay cả khi thay đổi chủ đầu tư, vận rủi vẫn không chịu buông tha dự án có gốc gác từ con tàu đắm Vinashin này. Tại Thông báo số 11/TB - KTNN, Kiểm toán Nhà nước cho biết, tính đến khi kết thúc kiểm toán (22/12/2019), Dự án Bể thử mô hình tàu thủy đã chậm 6 năm và tiếp tục vỡ rất sâu tiến độ được điều chỉnh.

Theo ghi nhận của Kiểm toán Nhà nước, hiện hầu hết gói thầu chính của công trình đều phải gia hạn tiến độ, có gói thầu ký kết thời gian thực hiện hợp đồng vượt quá thời hạn hoàn thành của Dự án được phê duyệt (đến năm 2019), cụ thể: Gói thầu XL4 dự kiến hoàn thành tháng 2/2020; gói thầu XL7, XL9 hoàn thành vào tháng 3/2020. Một số gói thầu đến thời điểm kiểm toán vào cuộc (tháng 11/2019) còn chưa có khối lượng nghiệm thu theo tiến độ cam kết.

Điều đáng nói là ngay cả khi các gói thầu xây lắp chính kết thúc vào tháng 3/2020, Dự án Bể thử mô hình tàu thủy sẽ cần thêm ít nhất 1,5 năm để tiến hành lắp đặt thiết bị, chạy thử và chuyển giao công nghệ. Do vậy, công trình này sẽ chỉ có thể kết thúc sớm nhất vào tháng 6/2021. Không chỉ trễ so với tiến độ điều chỉnh 2 năm, Dự án còn đang phải đối mặt với rủi ro về pháp lý lớn khi Hiệp định vay vốn ODA giữa 2 chính phủ Việt Nam - Ba Lan dùng để thanh toán chi phí mua thiết bị đặc chủng, lắp đặt, chuyển giao công nghệ từ đối tác CENZIN đã hết hạn từ ngày 31/12/2018.

Kiểm toán Nhà nước cho biết, Bộ GTVT đã đề nghị kéo dài thời gian rút vốn Hiệp định vay Dự án đến hết ngày 31/12/2021, nhưng đến thời điểm kết thúc kiểm toán, Bộ Tài chính vẫn chưa có văn bản trả lời.

Nghiệp dư năng lực chủ đầu tư

Việc các gói thầu xây lắp thi công chậm tiến độ đã để lại những hệ lụy tài chính rất xấu cho Dự án. Hiện, toàn bộ thiết bị nhập khẩu từ Ba Lan gồm 75 container, 4 kiện hàng vẫn đang nằm vạ vật tại kho Quán Toan (TP. Hải Phòng), thuộc Đại học Hàng hải Việt Nam quản lý, nhưng chưa làm thủ tục thông quan. Phần lớn các thiết bị này được nhập khẩu về Việt Nam trong giai đoạn 2010 - 2013 do Vinashin làm chủ đầu tư, phần còn lại nhập khẩu trong giai đoạn 2017 - 2018 do Đại học Hàng hải Việt Nam thực hiện.

Liên quan đến công tác quản lý chi phí đầu tư, nghiệm thu, thanh toán, Kiểm toán Nhà nước ghi nhận việc các bên tham gia Dự án đã tiến hành rà soát, nhưng vẫn chưa loại trừ hết các sai sót, tương ứng với số tiền là 21,9 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu Trường đại học Hàng hải Việt Nam phải khẩn trương khắc phục các lỗi vi phạm và báo cáo về Kiểm toán Nhà nước trước ngày 30/6/2020.    

Kiểm toán Nhà nước đánh giá, việc nhập khẩu thiết bị từ năm 2013 kéo dài đến năm 2017 vẫn chưa bàn giao lắp đặt vào công trình, dẫn đến chi phí phải trả lãi vay 0,5%/năm, tương đương 55.000 EUR/năm, làm ảnh hưởng đến tính kinh tế của Dự án. Khoản lãng phí này chưa tính đến 850.000 EUR mà chủ đầu tư có thể phải trả cho đối tác Ba Lan do kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng và gần 2 triệu EUR để đánh giá mức độ hư hỏng và sửa chữa khắc phục lô thiết bị đã nằm quá lâu trong container mà không được bảo dưỡng phù hợp.

Đến thời điểm kiểm toán (tháng 11/2019), các gói thầu xây lắp đã triển khai phần lớn công việc và đang dừng chờ để đưa thiết bị vào lắp đặt, nhưng do toàn bộ gói thầu thiết bị vẫn chưa được thông quan do phải chờ xác định có nằm trong danh mục hàng hóa trong nước chưa sản xuất được hay không, nên việc lắp đặt không thể thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ Dự án.

Trước đó, việc phải điều chỉnh địa điểm Dự án từ Khu công nghệ cao Hòa Lạc về vị trí mới đã gây lãng phí 17,1 tỷ đồng do đã đầu tư một số kết cấu hạ tầng mà không thể tái sử dụng. Các khối lượng dang dở, lãng phí này vẫn chưa được đơn vị kế thừa quyết toán điểm dừng theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Kiểm toán Nhà nước, nguyên nhân chính khiến Dự án bể thử mô hình tàu thủy bị chậm tiến độ là do công tác giải phóng mặt bằng chậm, vốn bố trí cho Dự án chưa đáp ứng được nhu cầu tiến độ, thủ tục thông quan thiết bị còn ách tắc… Tuy nhiên, năng lực yếu kém của chủ đầu tư - Đại học Hàng hải Việt Nam trong công tác quản lý, điều hành cũng góp phần đẩy Dự án lún sâu vào tình trạng bê trễ.

Sự nghiệp dư về năng lực của chủ đầu tư thể hiện rõ nhất là trong công tác quản lý, điều hành gói thầu XL3 - xây dựng nhà bao che các bể và phòng cháy chữa cháy. Do nhà thầu chính được lựa chọn là Công ty cổ phần Đầu tư và xây lắp Tây Hồ không triển khai các công việc đã ký tại Hợp đồng số 228, nên vào tháng 5/2019, Hiệu trưởng Trường đại học Hàng hải Việt Nam là ông Lương Công Nhớ đã ký quyết định chấm dứt hợp đồng với Công ty Tây Hồ và chỉ định Công ty cổ phần xây dựng Bạch Đằng 201 thực hiện các hạng mục còn lại. Toàn bộ quá trình này, Trường đại học Hàng hải Việt Nam không báo cáo và xin ý kiến của cấp quyết định đầu tư là Bộ GTVT.

Theo các cơ quan chức năng, việc “vượt rào” này của chủ đầu tư Dự án Bể thử mô hình tàu thủy là không tuân thủ quy định tại Khoản 11, Điều 117, Nghị định 63/2014/NĐ - CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

Mặc dù khối lượng còn lại của Gói thầu XL3 không lớn (khoảng 30 tỷ đồng) nhưng việc nhà trường áp dụng quá trình chỉ định thầu rút gọn, không thực hiện việc đánh giá năng lực, kinh nghiệm nhà thầu, không tiến hành thương thảo để điều chỉnh hợp đồng với Liên danh nhà thầu trúng thầu (Công ty cổ phần GP9 và Công ty Tây Hồ), mà chỉ thương thảo với Công ty Bạch Đằng 201 cũng đã vi phạm quy định của Luật Đấu thầu.

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng cho rằng, đến thời điểm kiểm toán, chủ đầu tư vẫn chưa tiến hành thu hồi 716 triệu đồng tiền bảo lãnh và 2,79 tỷ đồng tiền bảo lãnh tạm ứng của Công ty Tây Hồ sau khi đã tuyên bố nhà thầu này vi phạm các điều khoản hợp đồng.

Tin bài liên quan