Tăng trưởng đột biến, nhưng theo ý kiến các chuyên gia, tín dụng ngoại tệ có tỷ trọng thấp trong tổng dư nợ nên điều này không gây rủi ro lớn cho nền kinh tế…
Tín dụng ngoại tệ tăng trưởng ở mức cao, theo ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB, có thể giải thích bằng 3 nguyên nhân chính: thứ nhất, nguồn ngoại tệ trong hệ thống khá dồi dào do thặng dư thương mại, các nguồn vốn FDI, ODA và kiều hối vào Việt Nam ổn định theo chiều hướng tăng; thứ hai, chênh lệch lãi suất cho vay VND và USD là khá cao; thứ ba, tỷ giá ổn định.
“Hầu hết tín dụng ngoại tệ được cho vay ra đối với các DN có nguồn thu ngoại tệ, chủ yếu là DN xuất khẩu”, ông Trung nói.
Cũng theo thông tin từ NHNN, đến ngày 22/9/2014, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,93% so với cuối năm 2013; huy động vốn tăng 9,79% so với cuối năm 2013, trong đó huy động vốn bằng VND tăng 10,94%, huy động vốn bằng ngoại tệ tăng 2,82%. Lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao ở mức 7 - 8%/năm, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh thông thường ở mức khoảng 9 - 10%/năm đối với kỳ hạn ngắn; 10,5 - 12%/năm đối với trung và dài hạn. Trong khi đó, lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 3 - 7%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 3 - 6%/năm, 5,5-7%/năm đối với trung và dài hạn.
Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP chia sẻ, tín dụng ngoại tệ chủ yếu dành cho các DN có nguồn thu ngoại tệ, do đó nguồn tiền này đi vào lĩnh vực thương mại và một số DN sản xuất. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa phục vụ dịp cuối năm đang tăng và vay vốn ngoại tệ có lãi suất chỉ bằng 1/3 lãi suất cho vay VND, nên các DN có xu hướng lựa chọn ngoại tệ để tiết kiệm chi phí trong bối cảnh tỷ giá ổn định.
Nhìn lại vài tháng trước, ngày 19/6, NHNN tăng tỷ giá thêm 1% nhưng thị trường sau đó đã tự điều chỉnh về gần mức trước khi cơ quan điều hành có động thái trên, thể hiện thanh khoản ngoại tệ trong hệ thống tương đối tốt. Đồng thời, trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội đầu tuần này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã khẳng định, năm 2014 sẽ không dùng hết 2% biên độ điều chỉnh tỷ giá đã đề ra và nếu có điều chỉnh, cũng sẽ chỉ ở mức 1 - 1,43%. Do đó, các chuyên gia cho rằng, việc các DN tăng tốc vay USD khiến tín dụng ngoại tệ tăng đột biến và dự kiến sẽ còn tăng tiếp là không quá khó hiểu.
Dù tín dụng ngoại tệ được đẩy mạnh thời gian vừa qua nhưng so với tổng dư nợ chỉ chiếm khoảng 10%. Cụ thể, trong 100 đồng tổng dư nợ, 10% cho vay bằng ngoại tệ dù có đạt mức tăng trưởng 20% đi nữa thì cũng chỉ đóng góp vào tổng dư nợ khoảng 2%.
Dư nợ tăng mạnh, nhưng thanh khoản ngoại tệ được nhiều ý kiến cho rằng sẽ tiếp tục ổn định bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và thặng dư thương mại các năm gần đây. Bên cạnh đó, nguồn kiều hối về Việt Nam năm 2014 dự kiến sẽ tăng 10% so với cùng kỳ, đạt khoảng 11 tỷ USD.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM cho biết, tính đến cuối tháng 9/2014, kiều hối chuyển về địa bàn Thành phố (chiếm 50% lượng kiều hối cả nước) đạt 3,12 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước và dự kiến đạt 5 tỷ USD trong năm nay.
Trên thực tế, trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngoại tệ, cơ quan quản lý đã ban hành quy định mới, mở rộng danh sách các nhóm DN được vay vốn bằng ngoại tệ. Cụ thể, các TCTD có thể tài trợ ngoại tệ cho một số lĩnh vực được khuyến khích sau khi có sự chấp thuận của NHNN. Khoản vay có thể được chuyển đổi thành VND để sử dụng và không cần đảm bảo bởi nguồn thu ngoại tệ như trước đây.
Ông Đinh Đức Quang, Phó tổng giám đốc OCB nêu quan điểm, thị trường không nên quá lo ngại tín dụng ngoại tệ không đi vào sản xuất - kinh doanh mà chảy vào tiêu dùng, bất động sản, chứng khoán. Tại Thông tư 29/2013/TT-NHNN tiếp nối Thông tư 37, các đối tượng có thể vay vốn ngoại tệ đã được quy định rõ.
Theo đó, thứ nhất là cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất - kinh doanh để trả nợ vay.
Thứ hai, cho vay ngắn hạn đối với DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu năm 2014, có nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu khi khách hàng vay không có hoặc không có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất - kinh doanh để trả nợ vay. Quy định này được thực hiện đến hết ngày 31/12/2014.
Thứ ba, cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất - kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay. Khi được TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay, trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ. Quy định tại khoản này được thực hiện đến hết ngày 31/12/2014.
Thứ tư, cho vay để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đối với các dự án, công trình quan trọng quốc gia được Quốc hội, Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư và đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài.
“Đặc biệt, NHNH kiểm soát chặt hơn việc cho vay bằng ngoại tệ thông qua việc chấp thuận cho DN được vay ngoại tệ tại ngân hàng, có là nghĩa cơ quan này phải thấy các điều kiện của DN phù hợp với quy định thì mới cho vay. Do đó, chúng ta có thể yên tâm về nguồn vốn ngoại tệ sẽ đi đúng hướng”, ông Quang nói.