Dòng tiền vào các quỹ thị trường tiền tệ tăng mạnh khi các nhà đầu tư rút tiền gửi từ ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Goldman Sachs, JPMorgan Chase và Fidelity là những tổ chức hưởng lợi nhiều nhất từ việc các nhà đầu tư rót tiền vào các quỹ thị trường tiền tệ của Mỹ trong hai tuần qua, khi sự sụp đổ của hai ngân hàng khu vực của Mỹ và thỏa thuận giải cứu Credit Suisse làm dấy lên lo ngại về sự an toàn của tiền gửi ngân hàng.
Dòng tiền vào các quỹ thị trường tiền tệ tăng mạnh khi các nhà đầu tư rút tiền gửi từ ngân hàng

Theo nhà cung cấp dữ liệu EPFR, hơn 286 tỷ USD đã tràn vào các quỹ thị trường tiền tệ trong tháng 3, khiến đây là tháng có dòng vốn chảy vào lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng Covid-19.

Các quỹ thị trường tiền tệ của Goldman Sachs đã thu hút gần 52 tỷ USD kể từ ngày 9/3, một ngày trước khi Silicon Valley Bank (SVB) bị chính quyền Mỹ tiếp quản. Các quỹ của JPMorgan đã nhận được gần 46 tỷ USD và Fidelity đã ghi nhận dòng tiền vào gần 37 tỷ USD trong cùng thời kỳ.

Các quỹ thị trường tiền tệ thường nắm giữ các tài sản có rủi ro rất thấp, dễ mua và bán, bao gồm cả trái phiếu ngắn hạn của chính phủ Mỹ. Lợi suất của những quỹ này hiện là tốt nhất trong nhiều năm khi chúng tăng cùng với lãi suất, vốn đã được Cục Dự trữ Liên bang (Fed) nâng lên mức cao nhất trong 15 năm nhằm kiềm chế lạm phát.

Tốc độ của dòng tiền vào quỹ thị trường tiền tệ đã tăng nhanh trong hai tuần qua, đặc biệt là từ những người gửi tiền đang tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn. Mặc dù các quan chức Mỹ đã bảo đảm tất cả các khoản tiền gửi tại SVB và Signature Bank, nhưng họ đã không đảm bảo những khoản tiền trên 250.000 USD tại các ngân hàng khác.

Biến động dòng tiền của các quỹ thị trường tiền tệ tại Mỹ

Biến động dòng tiền của các quỹ thị trường tiền tệ tại Mỹ

Ashish Shah, Giám đốc đầu tư phụ trách đầu tư công tại Goldman Sachs Asset Management cho biết: “Chúng tôi đang chứng kiến sự chuyển dịch sang các quỹ thị trường tiền tệ bởi mọi phân khúc nhà đầu tư”.

Theo nghiên cứu từ Bank of America, sự gia tăng dòng chảy trong tháng này đã giúp đẩy tổng tài sản trong các quỹ tiền tệ lên mức kỷ lục 5.100 tỷ USD vào ngày 22/3.

Dữ liệu từ Investment Company Institute (ICI) cho thấy, tiền đang chảy đặc biệt vào các quỹ nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ vì đây được xem là điểm đến an toàn nhất. Các dòng vốn lớn nhất đã chảy vào các quỹ liên kết với các ngân hàng bluechip của Phố Wall và các công ty đầu tư lớn nhất.

Mặt khác, dữ liệu của Fed được công bố hôm 24/3 cho thấy tiền gửi ngân hàng đã giảm trong tuần từ ngày 9/3 đến ngày 15/3, từ 17.600 tỷ USD xuống còn 17.500 tỷ USD và tiền gửi tại các ngân hàng nhỏ đã giảm từ 5.600 tỷ USD xuống còn 5.400 tỷ USD.

Neel Kashkari, Chủ tịch Fed bang Minneapolis cho biết, những căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng đã đưa Mỹ đến gần hơn với suy thoái.

“Nó chắc chắn mang chúng ta lại gần suy thoái hơn. Đối với chúng tôi, điều chưa rõ ràng là mức độ căng thẳng của các ngân hàng này đang dẫn đến khủng hoảng tín dụng trên diện rộng”, ông cho biết.

Sara Devereux, người đứng đầu nhóm thu nhập cố định của Vanguard cho biết: “Các quỹ thị trường tiền tệ đã chứng kiến dòng tiền đáng chú ý trong những tuần gần đây, với dòng tiền lớn nhất chảy vào các quỹ thị trường tiền tệ của chính phủ. Một phần là do xu hướng chạy theo chất lượng sau nỗi sợ hãi về việc đóng cửa ngân hàng, nhưng cũng là do lợi suất trên thị trường tiền tệ hiện đang rất hấp dẫn”.

Dữ liệu ICI cho thấy phần lớn dòng tiền đến từ các nhà đầu tư tổ chức nhưng các khách hàng cá nhân cũng đang chuyển sang các quỹ thị trường tiền tệ.

Andrzej Skiba, người đứng đầu bộ phận thu nhập cố định của BlueBay US tại RBC Global Asset Management cho biết: “Khi bạn gặp phải những chấn động trên thị trường với mức độ không chắc chắn cao về các bộ phận chính của nền kinh tế và trên toàn thế giới, không chỉ ở Mỹ, điều đầu tiên thôi thúc là hướng tới sự an toàn. Với lợi suất được cung cấp, các quỹ thị trường tiền tệ không chỉ mang lại lợi suất tốt mà còn rất an toàn cho các nhà đầu tư”.

“Nhìn chung, chúng tôi nhận thấy nhu cầu mạnh mẽ đối với thị trường tiền tệ, một phần là do lợi tức cao được cung cấp, trong khi một phần phản ánh lượng thanh khoản đáng kể mà các quỹ cung cấp cho cả nhà đầu tư tổ chức và cá nhân, ngay cả trong (hoặc đặc biệt là trong bối cảnh) thị trường biến động”, ông cho biết.

Trong khi đó, các quỹ thị trường tiền tệ quốc tế lại có một xu hướng ít rõ rệt hơn. Nhưng các quỹ quốc tế của BlackRock đã nhận được 16 tỷ USD từ dòng vốn quốc tế và GSAM đã nhận được 6 tỷ USD kể từ ngày 9/3.

Tin bài liên quan