Trả lời Financial Times hôm 2/6, Bộ trưởng Delfin Lorenzana nói các nước trong khu vực phải tìm cách thỏa hiệp với Bắc Kinh hoặc rơi vào nguy cơ của cuộc xung đột mà họ không thể chiến thắng.
"Họ có thể đến và đi tại biển Tây Philippines của chúng tôi mà không bị ngăn trở gì vì chúng tôi không có nguồn lực để đối đầu họ", ông Lorenzana nói, với biển Tây Philippines là cách dùng của Manila để chỉ Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines nói rằng ông quan ngại với các động thái gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông, như mang tên lửa đến các đảo nhân tạo. Nhưng ông cũng nói rằng Bắc Kinh đã trấn an Manila rằng các lực lượng của Philippines không phải là mục tiêu bị nhắm đến.
"Chúng tôi lo lắng vì họ có thể bắn rơi máy bay của chúng tôi khi họ tuần tra", ông nói bên lề diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La đang tổ chức tại Singapore. "Nếu những vũ khí đó đã được triển khai, nguy cơ tính toán sai lầm cũng cao".
Kể từ khi nhậm chức vào năm 2016, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thường xuyên đối mặt với chỉ trích khi ông xích lại gần Trung Quốc, xem nhẹ quan hệ đồng minh truyền thống với Mỹ. Ông Lorenzana nói rằng Mỹ đáng ra đã có thể ngăn cản Trung Quốc xây dựng các căn cứ quân sự ở Biển Đông nếu Washington chịu "tạo thêm áp lực".
Giờ đây các nước phải đối mặt với "thế đã rồi" sau khi Trung Quốc quân sự hóa các thực thể ở đây.
Tổng thống Duterte thường xuyên bị chỉ trích vì không phản ứng cứng rắn với các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: AFP.
Dù hoan nghênh sự hiện diện của Mỹ ở châu Á, bộ trưởng Quốc phòng Philippines cũng nói ông không muốn Philippines trở thành "chiến trường cho xung đột giữa các siêu cường", và đó là lý do Tổng thống Duterte ngăn Mỹ triển khai vũ khí đến Philippines.
Theo ông Lorenzana, từ năm 2016, Manila đã hơn 100 lần đưa ra lời phản đối ngoại giao đối với các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông. Mặt khác, sự gần gũi với Trung Quốc cũng mang lại lợi ích kinh tế, du khách Trung Quốc tăng lên, Bắc Kinh đã tháo dỡ lệnh cấm vận với chuối Philippines trong khi ngư dân và tàu quân sự nước này ít bị quấy rối hơn trên vùng biển tranh chấp.
Tại Đối thoại Shangri-La đang diễn ra ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói rằng Mỹ phản đối sự thiếu nhất quán của Trung Quốc khi tiếp tục triển khai quân sự tại các hòn đảo tranh chấp với các nước trong khu vực, dù trước đó cam kết giữ vững hòa bình. Bắc Kinh cho rằng tuyên bố của ông Mattis là "lố bịch".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri-La đang diễn ra ở Singapore. Ảnh: Reuters.
Trung Quốc gần đây đã cho máy bay ném bom tiến hành các hoạt động diễn tập trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nước này cũng triển khai tên lửa lên 3 bãi đá mà nước này bồi đắp phi pháp tại Trường Sa của Việt Nam là đá Subi, Vành Khăn và Chữ Thập.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tuyên bố yêu cầu Bắc Kinh rút tên lửa khỏi Trường Sa và dừng các hoạt động đưa máy bay đến Hoàng Sa.
Máy bay ném bom H-6K hạ cánh tại Hoàng Sa Các nhà phân tích quân sự nhận định địa điểm H-6K diễn tập hạ cánh trên biển Đông chính là đảo Phú Lâm, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.