Đông Á cần nâng cao sự hợp tác trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng

Trong bài phát biểu tại Đại hội lần thứ 4 của Hiệp hội Ngân hàng-Tiền tệ quốc tế Trung Quốc diễn ra tại Bắc Kinh ngày 7/7, Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Ngô Hiểu Linh nhận xét, trong 10 năm qua, sự hợp tác về lĩnh vực ngân hàng-tiền tệ giữa các nước Đông Á đã được cải thiện; đồng thời cho rằng các nước Đông Á cần phải tăng cường sự hợp tác này, theo đó điều phối sự hợp tác giữa các thể chế tài chính-ngân hàng trong khu vực.

Bà Ngô Hiểu Linh chỉ ra rằng, trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng năm 1997, trình độ hội nhập kinh tế giữa các thực thể kinh tế Đông Á đã khá cao, thể hiện ở quan hệ mậu dịch giữa các nước trong khu vực. Trong khi đó, sự hợp tác về mặt tài chính-ngân hàng lại tương đối lạc hậu, năng lực ứng phó với khủng hoảng rất hạn chế, cho nên đã không ngăn chặn được cuộc khủng hoảng.

Sau khủng hoảng, sự hợp tác tài chính-ngân hàng khu vực đã có những tiến triển nhất định, và cơ chế hợp tác cũng đã xuất hiện nhiều hơn với công năng lớn hơn. Cụ thể là trong 3 năm sau khủng hoảng, số cơ chế hợp tác đã tăng lên tới 8 cơ chế, gấp đôi so với thời gian trước khủng hoảng, trong đó có Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Á-Âu, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN, và Diễn đàn Ngân hàng Trung ương ASEAN được thiết lập năm 1997; và Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 (10 nước ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) thiết lập năm 1999. Công năng hợp tác của các cơ chế này cũng được tăng cường với những công năng mới được xác lập và những công năng cũ được mở rộng.

Bà Ngô Hiểu Linh chỉ ra rằng, vấn đề tồn tại hiện nay trong sự hợp tác tài chính-ngân hàng của khu vực Đông Á chủ yếu nằm ở sự trùng lặp nhất định về công năng của các cơ chế hợp tác, sự hạn chế đầu tư vào việc phát triển thị trường chứng khoán và sự yếu kém về năng lực quản lý và kiểm soát. Về hướng đi của sự hợp tác tài chính-ngân hàng Đông Á, bà cho rằng, ngoài việc khắc phục những yếu kém nêu trên, các nước Đông Á cần phải hoàn thiện cơ chế quản lý khủng hoảng, và tăng cường sự hiện diện của khu vực trong nền tài chính toàn cầu.