Đóng góp tích cực
Tỉnh Sóc Trăng đã thành lập 2 khu công nghiệp (KCN), gồm KCN An Nghiệp và KCN Trần Đề.
KCN An Nghiệp (tọa lạc tại xã An Hiệp, xã Phú Tân, huyện Châu Thành và phường 7, TP. Sóc Trăng) có tổng diện tích 243 ha, đi vào hoạt động từ năm 2005. Lũy kế đến nay, KCN An Nghiệp đã thu hút 64 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 8.771 tỷ đồng (trong đó có 7 dự án vốn đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký 2.207 tỷ đồng); tổng vốn đã thực hiện là 7.179 tỷ đồng; lấp đầy 97% diện tích đất cho thuê.
Là tâm điểm thu hút đầu tư của tỉnh Sóc Trăng, thời gian qua, KCN An Nghiệp đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp trong KCN này chiếm tỷ trọng khá lớn (khoảng 41%) trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp địa phương; góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, gia tăng giá trị, tập trung cho xuất khẩu, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước; giải quyết việc làm…
Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Sóc Trăng, 9 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp trong KCN An Nghiệp đạt doanh thu 14.918 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) đạt 10.052 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp đạt gần 448 triệu USD; thực hiện nghĩa vụ thuế khoảng 602 tỷ đồng. KCN An Nghiệp đang giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 17.837 người và khoảng 1.000 - 1.500 lao động làm việc theo hình thức công nhật, thời vụ.
KCN Trần Đề (tọa lạc tại thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề) có tổng diện tích 160 ha, do Công ty cổ phần Bê tông Hà Thanh làm chủ đầu tư. Ngày 2/8/2023, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có quyết định cho doanh nghiệp này thuê thêm 999.116,5 m2 đất để thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN. Tại KCN Trần Đề, hệ thống xử lý nước thải tập trung (giai đoạn I) đã được đầu tư xây dựng với công suất 4.500 m3/ngày đêm.
Ban Quản lý các KCN tỉnh Sóc Trăng cho biết, sẽ tiếp tục đôn đốc chủ đầu tư hoàn thành thủ tục pháp lý theo quy định, hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng để đưa KCN Trần Đề đi vào hoạt động từ cuối năm 2023.
Phương án phát triển
Theo Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ nay đến năm 2030, tỉnh Sóc Trăng sẽ thành lập mới 3 KCN và mở rộng 1 KCN tại những vị trí thuận lợi về kết nối giao thông đường bộ, đường thủy, cảng biển và có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tổng quy mô phù hợp với chỉ tiêu quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030.
Cụ thể, sẽ mở rộng KCN An Nghiệp với diện tích dự kiến là 169 ha; thành lập mới 3 KCN gồm: KCN Sông Hậu - Phân khu 1 (huyện Kế Sách), diện tích 121 ha; KCN Đại Ngãi (huyện Long Phú), diện tích 196 ha và KCN Mỹ Thanh (thị xã Vĩnh Châu), diện tích 217 ha.
Bên cạnh đó, trong trường hợp tỉnh Sóc Trăng được bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về KCN và khu kinh tế, sẽ nghiên cứu thành lập mới 5 KCN và mở rộng 1 KCN.
Thời gian qua, tỉnh đã khẩn trương quy hoạch; xúc tiến, mời gọi đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp.
Đối với KCN Sông Hậu - Phân khu 1, Ban Quản lý các KCN tỉnh Sóc Trăng đã tham mưu UBND tỉnh Sóc Trăng phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu lập quy hoạch phân khu xây dựng KCN Sông Hậu, tỷ lệ 1/2.000; đã mở hồ sơ đề xuất Gói thầu số 2 (lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, tổ chức lập quy hoạch xây dựng).
Tỉnh cũng đã tổ chức nghiệm thu đưa vào sử dụng Khu tái định cư huyện Kế Sách nhằm ổn định chỗ ở cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án Xây dựng KCN Sông Hậu - Phân khu 1 và bàn giao cho UBND huyện Kế Sách quản lý.
Đối với KCN Đại Ngãi, Ban Quản lý các KCN tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thiện đồ án quy hoạch phân khu xây dựng KCN Đại Ngãi tỷ lệ 1/2.000.
Sau khi quy hoạch điều chỉnh thị trấn Đại Ngãi và huyện Long Phú được phê duyệt, Ban Quản lý các KCN tỉnh Sóc Trăng sẽ tham mưu UBND tỉnh Sóc Trăng trình HĐND tỉnh thông qua Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng KCN Đại Ngãi, tỷ lệ 1/2.000.
Với KCN Mỹ Thanh, vừa qua, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan lấy ý kiến về Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng KCN Mỹ Thanh, tỷ lệ 1/2.000. Đến nay, có 4/5 bộ (Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông - Vận tải, Quốc phòng) đã có ý kiến bằng văn bản. Tiếp theo, Ban Quản lý các KCN sẽ tham mưu UBND tỉnh Sóc Trăng trình HĐND tỉnh thông qua Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng KCN Mỹ Thanh, tỷ lệ 1/2.000.
Lợi thế thu hút đầu tư
Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng phát triển các khu công nghiệp tại tỉnh Sóc Trăng có tính chất đa ngành. Trong đó, chú trọng lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao, công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ và thân thiện môi trường.
Các KCN tỉnh Sóc Trăng có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư, phát triển do hầu hết đều được quy hoạch xây dựng tại các vị trí thuận lợi về kết nối giao thông thủy, bộ, nằm dọc theo các tuyến Quốc lộ Nam sông Hậu, Quốc lộ 60 và sông Hậu, gần trung tâm hàng hải, dịch vụ, logistics cảng biển Trần Đề đã được quy hoạch xây dựng.
Thêm vào đó, các KCN lại nằm trong vùng nguyên liệu nông sản, thủy - hải sản dồi dào. Đây là lợi thế lớn để phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm…
Vừa qua, nhiều công trình, dự án hạ tầng giao thông chiến lược trọng điểm quốc gia (mà Sóc Trăng là một trong những tỉnh trực tiếp hưởng lợi) đã được triển khai thi công, càng làm tăng thêm sức hấp dẫn về môi trường đầu tư của tỉnh nói chung, trong đó có các KCN trên địa bàn.
Trong đó, Dự án Đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi (bắc qua sông Hậu) trên tuyến Quốc lộ 60 vừa được khởi công xây dựng vào ngày 15/10/2023. Khi dự án này hoàn thành, sẽ tạo kết nối giao thông thuận tiện giữa các tỉnh duyên hải phía Nam với nhau và với TP.HCM, rút ngắn khoảng 80 km khi di chuyển từ Sóc Trăng về TP.HCM so với tuyến Quốc lộ 1.
Dự án Đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (khởi công ngày 17/6/2023) khi hoàn thành sẽ tạo động lực và dư địa để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung; tạo điều kiện thuận lợi kết nối các KCN của tỉnh với các trung tâm kinh tế và cửa khẩu quốc tế, thúc đẩy lưu thông hàng hóa và phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định ưu tiên thu hút đầu tư, xây dựng và phát triển khu bến cảng biển Trần Đề phù hợp với năng lực của nhà đầu tư và phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu trở thành cảng biển đặc biệt và cửa ngõ của vùng ĐBSCL.
Tỉnh Sóc Trăng đã và đang tích cực phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải khẩn trương hoàn thành, trình phê duyệt các quy hoạch cụ thể hóa để kêu gọi đầu tư cảng biển Trần Đề. Đồng thời, tổ chức định hướng quy hoạch phát triển các công trình giao thông, các khu chức năng: công nghiệp, thương mại, dịch vụ, logistics...
Việc đầu tư cảng biển Trần Đề không chỉ hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ, khơi thông điểm nghẽn xuất nhập khẩu hàng hóa, mà còn tạo động lực mạnh mẽ để thu hút đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp tại tỉnh Sóc Trăng và vùng ĐBSCL.
Đón đầu các dự án hạ tầng chiến lược đang và sắp triển khai xây dựng trên địa bàn, thời gian gần đây, có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã quan tâm tìm hiểu, xúc tiến các dự án đầu tư tại tỉnh Sóc Trăng, trong đó có các dự án đầu tư - kinh doanh hạ tầng các KCN.
Ban Quản lý các KCN tỉnh Sóc Trăng cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, Ban đã tiếp và hướng dẫn 6 lượt nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát thực địa các dự án hạ tầng KCN trên địa bàn tỉnh như: Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận, Công ty cổ phần BCG Land, Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Vĩnh Châu, Tập đoàn Sao Mai, Công ty TNHH Dịch vụ Xây dựng Thương mại Gia Bảo, Liên danh Công ty TNHH Phát triển công nghệ mặt trời Việt và Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Điện năng Việt Nam.
Đặc biệt, Tập đoàn T&T đã được lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng và các sở, ban, ngành trong tỉnh quan tâm hỗ trợ nghiên cứu thực hiện đầu tư Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ với tổng diện tích hơn 1.300 ha để phát triển các ngành công nghiệp…