Lấy lý do vì cả yếu tố khách quan (giá cả thị trường giảm chung và lãi suất ngân hàng tăng cao) lẫn yếu tố chủ quan do cần vốn kinh doanh mà lại gặp khó khăn trong vay nợ, nên Công ty Nam Việt vừa bỏ giữa chừng công cuộc mua CP quỹ. Nhưng có lẽ, kinh nghiệm thật sự mà đơn vị này rút ra là, việc mua CP quỹ sẽ không có tác dụng nếu xu hướng thị trường vẫn là đi xuống, chưa kể thiệt hại vì tốn thêm chi phí vay đắt đỏ.
Các DN niêm yết, bên cạnh số ít đơn vị thừa vốn mà chẳng biết để làm gì nên đành đem gửi tiết kiệm thì đa phần phải chấp nhận vay vốn với lãi suất lên tới trên 20%/năm để phục vụ sản xuất - kinh doanh. Vậy nhưng, với mục đích "cao cả" là bảo vệ quyền lợi của cổ đông, nhiều DN sẵn sàng tăng thêm vốn nợ để lấy vốn chủ sở hữu ra mua CP quỹ. Không biết, đến cuối kỳ báo cáo tài chính năm, DN sẽ xoay xở kiểu gì để đảm bảo mức sinh lợi không bị suy giảm, nhất là khi hệ số sinh lời trên vốn chủ sở hữu của DN còn nhỏ hơn rất nhiều so với lãi suất ngân hàng?
Chuyện các công ty niêm yết như LBE, TPC, PVE không mua được khối lượng CP theo đúng đăng ký một phần do vướng thanh khoản của thị trường, phần khác do nhu cầu vốn nội tại của DN, vừa đáng trách lại vừa đáng... khen. Không mua được CP vì cần vốn cho hoạt động kinh doanh là nghĩ về tương lai DN... nhưng xem chừng, "nói mà lại không đi đôi với làm" thì quả thật là... mất niềm tin quá! Lại nhớ đến chuyện công bố mua vào - bán ra CP của các cổ đông nội bộ và những nghi ngờ xung quanh câu chuyện làm giá trước đây. NĐT đã từng thắc mắc rằng, phải chăng những cổ đông này cố tình công bố để thực hiện một ý đồ khác thay vì việc có nhu cầu thực hiện, vì ai cũng biết rằng, chỉ 6 tháng trước, mỗi động thái giao dịch của cổ đông nội bộ đều ảnh hưởng mạnh đến giá trên thị trường, dù khối lượng giao dịch đôi khi chỉ là 1.000 CP. Và giờ đây, đến lượt ban lãnh đạo DN công bố thông tin mua CP quỹ, thế nhưng, sau đó lại công bố rằng, việc đó không thành? Mà trong số này, không thiếu mã CP dư bán sàn cả chục phiên với số lượng khá lớn thì chẳng thể đổ lỗi cho thiếu thanh khoản. Hay việc công bố khối lượng mua vào chỉ là "đòn tâm lý"? Nếu thực sự chỉ để "hun khói" thị trường thì liệu sau đó NĐT có còn niềm tin vào DN? Còn nếu là chuyện không tự chủ về tài chính, liệu cơ quan quản lý có phần trách nhiệm nào không, khi vào tháng 3/2008, với lý do để góp phần bình ổn thị trường và bảo vệ quyền lợi cho các cổ đông khi giá CP sụt giảm mạnh, họ chấp nhận để DN mua CP quỹ trong lúc chưa có phương án và trích lập nguồn vốn rõ ràng?