Phát huy nội lực
Phát biểu tại Hội nghị "Đối thoại 2045", ông Don Lam, Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital cho biết, chúng ta đang chứng kiến sự chuyển dịch của chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu, đây là cơ hội vô cùng lớn cho tất cả các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. “Xây tổ đón đại bàng” đang là vấn đề lớn cho tất cả các địa phương muốn thu hút đầu tư nước ngoài, bao gồm những sự chuẩn bị về đất đai, năng lượng, nhân lực, chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư lớn, có tâm huyết với Việt Nam.
Trong đó, có 2 yếu tố theo ông Don Lam là nên được quan tâm hàng đầu và yết tố kết nối và yếu tô về chỉ số thuận lợi kinh doanh.
Trong yếu tố kết nối, quy hoạch kinh tế liên vùng nên tính tới sự kết nối giữa các địa phương, không chỉ về hạ tầng giao thông - đường bộ, đường thủy hoặc đường sắt, đường hàng không giúp hàng hóa được lưu thông nhanh, tiết kiệm chi phí, mà còn kết nối các khu công nghiệp - khu chế xuất... với các thành phố và khu dân cư vệ tinh, giúp cho đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước, người lao động được hỗ trợ tối đa về điều kiện sinh hoạt, chăm sóc y tế cũng như ổn định cuộc sống của gia đình họ.
Nếu lấy một ví dụ điển hình, có thể coi TP.HCM là trung tâm thương mại, tài chính, văn hóa lớn nhất của khu vực phía Nam, đồng thời cũng là nơi mà nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào mạnh nhất và là nơi tập trung đông nhất của các chuyên gia nước ngoài làm việc tại đây và các tỉnh lân cận.
Tuy nhiên, mức độ kết nối giữa TP.HCM và các tỉnh vẫn còn khá thiếu thuận tiện, vì thời gian di chuyển từ trung tâm này đến các trung tâm tỉnh thành liền kề vẫn cần ít nhất 2 - 3 tiếng, trong điều kiện giao thông hiện tại, nếu không kẹt xe. Nếu kể đến các tỉnh miền Tây thì ít nhất cũng từ 3 - 5 tiếng đi xe hơi. Sự thiếu thuận tiện này là một yếu tố khiến các nhà đầu tư cân nhắc vì thời gian dịch chuyển quá dài, gây mệt mỏi và lãng phí tài nguyên cũng như công sức.
"Tôi tin rằng, liên quan đến yếu tố này, Chính phủ sẽ có những quyết sách có lợi nhất để phát huy thế mạnh, thu hút 'đại bàng' cho các tỉnh khu vực phía Nam", ông Don Lam nói.
Còn yếu tố về “Chỉ số thuận lợi kinh doanh”, theo ông Don Lam, qua quan sát của VinaCapital, trong suốt nhiều năm qua, đã có rất nhiều thay đổi tích cực về thủ tục đầu tư, giúp rút ngắn đáng kể thời gian hoàn thiện hồ sơ và giúp dòng vốn FDI được lưu chuyển nhanh hơn.
Ông Don Lam tin rằng, có thể tiếp tục làm tốt hơn nữa, cải thiện hơn nữa quy trình thủ tục cho hoạt động đầu tư thông qua các sáng kiến của Chính phủ, trong đó việc thành lập “tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài” là một trong các hoạt động thể hiện sự cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc chuẩn bị tốt các nguồn lực để nắm bắt các cơ hội từ làn sóng chuyển dịch đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia.
Bên cạnh đó, để góp phần hỗ trợ Chính phủ và với kinh nghiệm sâu rộng về hoạt động đầu tư tại Việt Nam, VBI Fast Track được ra đời nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư tiềm năng có thể tìm hiểu và tiếp cận trực tiếp với các dự án, lãnh đạo các bộ ban ngành liên quan, đẩy nhanh quy trình thủ tục về đầu tư để giúp cho hoạt động đầu tư được tiến hành nhanh hơn nữa, tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí, giúp cho Việt Nam thu hút được các nhà đầu tư có đủ năng lực và tâm huyết để phát triển kinh tế.
Việt Nam có đủ cơ hội để có thể chủ động thu hút đầu tư nước ngoài, việc còn lại là tạo ra những điều kiện thuận lợi giúp các nhà đầu tư nước ngoài đủ tự tin khi quyết định đầu tư vào Việt Nam. Việc tiến hành cải thiện các yếu tố để thúc đẩy nội lực nên được làm càng nhanh càng thêm thuận lợi cho quá trình “làm tổ đón đại bàng”.
Kết hợp với ngoại lực
Để hướng tới một đất nước Việt Nam hùng cường “sánh vai với các cường quốc năm châu” vào năm 2045, cạnh tranh vượt trội với các nước trong khu vực, theo ông Don Lam, chúng ta không chỉ phát huy nội lực, mà còn nên dựa trên thế mạnh của mình, dùng ngoại lực để xây dựng đất nước.
Về ngoại lực, chính dòng vốn FDI đã giúp nền kinh tế Việt Nam khởi sắc trong suốt những năm qua khi hiệu quả của các tập đoàn kinh tế trong nước còn hạn chế. Ngay trong bối cảnh đại dịch toàn cầu hiện tại, để phục hồi nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, một lần nữa dòng vốn FDI lại có thể phát huy vai trò dẫn dắt cho kinh tế Việt Nam.
Khi so sánh lợi thế về thu hút đầu tư của Việt Nam với các nước trong khu vực, có thể thấy Thái Lan và Indonesia là 2 nước đã rất thành công trong việc thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao vào các dự án lớn, mang lại hiệu quả chung toàn bộ nền kinh tế. Cùng với sự chuyển dịch của chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu, Việt Nam đang phải cạnh tranh trực tiếp với họ.
"Chúng ta đang có lợi thế về việc kiểm soát dịch bệnh, đang là “bến đỗ an toàn” có khả năng đảm bảo tính liên tục trong hoạt động sản xuất và đang có những cơ hội rất lớn để thu hút đầu tư, nhưng lợi thế này sẽ nhanh chóng mất đi khi các quốc gia khác quay trở lại trạng thái bình thường", ông Don Lam nhìn nhận.
Cũng theo ông Don Lam, hiện Việt Nam còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng và các dự án thuộc về cơ sở hạ tầng dùng hỗ trợ cho sự phát triển của các địa phương, kinh tế từng khu vực đang rất cần các nhà đầu tư thực sự đủ năng lực tài chính và năng lực triển khai.
Các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang hướng tới việc liên kết xây dựng các tổ hợp kinh tế lớn với đầy đủ các điều kiện về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, đủ kết nối để việc đầu tư được diễn ra thông suốt và nhanh chóng.
"Chúng tôi và các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao các cơ hội đầu tư vào đất nước Việt nam đầy tiềm năng. Tập đoàn VinaCapital đang hướng tới việc liên kết đầu tư với các nhà đầu tư nước ngoài và cả 'đại bàng trong nước' vào những khu kinh tế mở, các dự án có tầm phủ sóng cho một khu vực gồm vài tỉnh, thành, dự kiến thu hút trên 10 tỷ USD trong tương lai rất gần...", ông Don Lam cho biết.
Cụ thể, thông qua VBI Fast Track, VinaCapital đang phối hơp với tỉnh Tây Ninh để xin chủ trương “Lựa chọn mô hình và định hướng phát triển cho khu kinh tế Mộc Bài” với định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái liên kết với đô thị thông minh, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư để tận dụng tốt sức mạnh đầu tư nước ngoài… thúc đẩy tỉnh Tây Ninh và cả khu vực phát triển nhanh và bền vững.
Theo ông Don Lam, hướng về năm 2045, với vị thế Việt Nam hiện có, đồng thời Chính phủ đang có những quyết sách quan trọng cũng như sự hỗ trợ mạnh mẽ để Việt Nam vừa phát huy được nội lực là xây dựng Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM trở thành 3 đầu tàu kinh tế quan trọng, thu hút được ngoại lực là nguồn vốn FDI chất lượng cao và bền vững thúc đẩy sự phát triển vững mạnh cho cả 3 khu vực Bắc - Trung - Nam.
"Tôi cho rằng mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 là một mục tiêu đầy thách thức nhưng khả quan", ông Don Lam đánh giá.
Hiện tại, GDP bình quân đầu người ở Việt Nam đã đạt 2.900 USD, với tăng trưởng GDP hàng năm dự kiến, chúng ta cũng hoàn toàn có cơ sở để lạc quan rằng GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2045 sẽ đạt 15.000 USD/người/năm không kể lạm phát.