Waymo đã tiến hành kiện Uber vào tháng 2/2017, sau khi tìm thấy bằng chứng cho thấy, cựu kỹ sư của hãng là Anthony Levandowski đã tải 14.000 tập tin mật trước khi nghỉ việc vào tháng 1/2016. Cựu nhân viên này sau đó đã thành lập một công ty kinh doanh xe tự lái với tên gọi Otto, công ty mà Uber đã mua lại với giá 680 triệu USD.
Mới đây, Waymo đã đưa ra điều kiện để giải quyết vụ kiện, theo đó, Uber phải bồi thường ít nhất 1 tỷ USD và đưa ra lời xin lỗi công khai, vì đã đánh cắp bí mật thương mại. Ngoài ra, công ty con của Alphabet còn yêu cầu chỉ định một giám sát độc lập để đảm bảo rằng, Uber sẽ không sử dụng công nghệ của Waymo trong tương lai.
Dễ nhận thấy, con số 1 tỷ USD tương đương với số tiền đầu tư mà Alphabet đã bỏ ra để dành cho phát triển xe tự lái. Tháng 9 vừa qua, Alphabet đã vô tình để lộ thông tin về số tiền đầu tư này (1,1 tỷ USD), sau khi quên không biên tập các thông tin gửi cho Shawn Bananzadeh, một chuyên gia tài chính tại Waymo.
Theo trang IEEE Specrtum, hầu hết các con số ông Bananzadeh công bố làm bằng chứng trong vụ kiện chống Uber đã được biên tập, nhằm bảo vệ các thông tin thương mại tối mật của Waymo, ngoại trừ con số quan trọng nhất: Tổng mức đầu tư. Ông Bananzadeh sau đó cũng đã khẳng định: “Theo những gì tôi biết thì đó là chi phí của toàn bộ chương trình (phát triển xe tự lái), từ giai đoạn khởi đầu cho tới thời điểm chấm dứt”.
Bên cạnh đó, từ số tiền mà Waymo đang đòi bồi thường từ Uber, có thể thấy, Alphabet muốn tận dụng vụ kiện để đánh một đòn mạnh vào đối thủ. Với Uber, đó là một khoản tiền không nhỏ.
Uber đã huy động được khoảng 11 tỷ USD vốn liên doanh và trong tháng 1/2017, Công ty này cho biết, có 7 tỷ USD tiền mặt và có thể thu được khoản tín dụng trị giá 2,3 tỷ USD. Tuy vậy, Công ty đã mất 2,8 tỷ USD vào năm ngoái. Nếu những tổn thất lớn như vậy tiếp diễn, Uber sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, Alphabet đang nắm giữ hơn 90 tỷ USD tiền mặt và chứng khoán có thể bán.
Uber đã từ chối những điều khoản mà Waymo đưa ra. Khoản tiền chính xác và thời gian thực hiện chưa được công bố.
Tuy nhiên, lập trường vững chắc của Waymo cho thấy sự tự tin của Công ty đối với vị thế pháp lý của mình, sau khi có được nhiều ưu thế và bằng chứng quan trọng trong suốt thời gian diễn ra vụ kiện.
Elizabeth Rowe, một chuyên gia về bí mật thương mại tại Đại học Florida Levin College of Law nhận xét, Waymo không vội vàng giải quyết vụ kiện, một phần vì tình hình ban lãnh đạo của Uber còn chưa ổn định.
Waymo gần đây đã thuyết phục một thẩm phán liên bang San Francisco hoãn phiên toà giải quyết vụ kiện đến ngày 5/12, thay vì ngày 10/10 như dự kiến, để bổ sung chứng cứ hỗ trợ vụ kiện.
Trong một tuyên bố, Waymo cho biết, Công ty đang mong chờ phiên toà diễn ra: “Những bằng chứng mới tiếp tục được phát hiện qua hàng ngàn tài liệu và hàng trăm thiết bị chưa được kiểm tra trước đây. Chúng tôi đang xem xét các tài liệu này và mong muốn được trình bày tại phiên toà”.
“Waymo có một mục tiêu rõ ràng: Ngăn chặn Uber sử dụng bí mật thương mại của mình”, Amy Candido, một luật sư của Waymo nói.
Về phía Uber, Công ty hiện vẫn phủ nhận việc sử dụng bất kỳ bí mật thương mại nào của Waymo. Các luật sư của Uber tin rằng, cách mà Waymo trì hoãn phiên xét xử chỉ nhằm để trao đổi, hoặc thêm các bí mật thương mại mới vào đơn kiện.
Nhiều chuyên gia nhận định, nếu tòa ra phán quyết thắng kiện cho Waymo, Uber rõ ràng sẽ phải gánh chịu những bất lợi không nhỏ về tài chính nói riêng, cuộc đua phát triển xe tự lái nói chung.